.

Những pháo đài trên đất làng An Hải

.

Từ xa xưa, vùng đất Sơn Trà đã có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng thủ, kiểm soát một vùng lãnh hải rộng lớn của nước ta. Hệ thống núi Hải Vân ở phía bắc nối một vòng cung với Sơn Trà ở phía nam tạo thành vũng biển mang tên vũng Sơn Trà.

Theo thời gian, dân gian còn đặt tên cho nó là vũng Đà Nẵng, vũng Thùng, vũng Hàn, vũng Tiên Sa. Điều đặc biệt, vũng Sơn Trà tuy không rộng lớn nhưng nước sâu, ít sóng, mặt nước phẳng lặng có thể đón tàu biển có tải trọng lớn ra vào, neo đậu dễ dàng.

 Một góc làng An Hải (khu vực phường An Hải Bắc nay), nơi hiện diện nhiều đồn lũy của quân và dân triều Nguyễn xưa.  Ảnh: T.Y
Một góc làng An Hải (khu vực phường An Hải Bắc nay), nơi hiện diện nhiều đồn lũy của quân và dân triều Nguyễn xưa. Ảnh: T.Y

Do vị trí quan trọng nên Triều Nguyễn đã cho quân lính trấn giữ nơi đây, xây dựng những “pháo đài phòng hải” kiên cố và vững chãi. Đại Nam nhất thống chí viết: “Thành An Hải ở phía hữu tấn Đà Nẵng thuộc làng An Hải, chu vi 41 trượng 2 thước (khoảng 165m), cao 1 trượng 2 thước (4,5m) chung quanh có hào sâu 1 trượng (4m), mở 2 cửa, dựng 1 kỳ đài và 22 ụ pháo đài. 

Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp bằng đất gọi là bảo An Hải, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành”. Theo lời người xưa kể lại, thành An Hải nằm trên đất thôn An Đồn, An Tân làng An Hải, kéo dài đến thôn Tú Thủy nay là khu vực Nại Tú phường Nại Hiên Đông. Trước cổng thành, phía bờ sông, nhà vua cho đắp đê kè để tàu thuyền dễ dàng cập bến.

Thời đầu xây dựng, thành An Hải do Tiền quân Nguyễn Văn Thành trông coi, đóng giữ khoảng 500 binh lính. Người dân sống ở làng An Hải còn gọi đồn này là đồn Thông Chương (vì nằm sát nhà ông Thông Chương). Cùng với thành Điện Hải nằm bên tả ngạn sông Hàn, tạo thành hai vị trí đối xứng quan trọng bảo vệ Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt, thành An Hải và Điện Hải rơi vào tay liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong cuộc tấn công vào Đà Nẵng ngày 1-9-1858. Trước khi rút khỏi Đà Nẵng tháng 2-1860, quân Pháp đã cho phá ngay thành An Hải với mục đích làm suy yếu sức mạnh quân sự của Triều Nguyễn.

Ông Lê Duy Anh, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa – lịch sử vùng đất này cho biết, làng An Hải vốn là vùng đất trù phú nằm ở hữu ngạn sông Hàn, dưới triều vua Tự Đức đã được ban 4 chữ “Thiện tục khả phong” (tạm dịch: Khá khen thay phong tục tốt lành), xưa kia được xếp vào “Quảng Nam ngũ đại xã” (một trong năm xã lớn ở Quảng Nam). Vì thế, từ Triều Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc, rồi thời chống Mỹ, chính quyền đều xây dựng nhiều đồn bốt tại vị trí quan trọng này trong hệ thống phòng thủ duyên hải miền Trung.

Ngoài thành An Hải, còn có khu đồn thứ 2 làm nhiệm vụ trấn giữ biển đông (nằm ở vị trí Khu công nghiệp Đà Nẵng ngày nay) đắp bằng đất do Trấn tướng Lê Thanh Quản trấn giữ. Sau khi chiếm đóng Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945 – 1954), quân Pháp sử dụng đồn này làm kho đạn dược phục vụ chiến trường, sau khi Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (20-7-1954) được ký kết, bàn giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày giải phóng Đà Nẵng (29–3–1975), Bộ chỉ huy 1 Tiếp vận (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) vào tiếp quản đồn và đổi tên thành Kho 551 thuộc Liên đoàn 51 Đạn dược.

Cũng theo ông Lê Duy Anh, khác với 2 pháo đài trên được xây dựng bởi Triều Nguyễn, đồn thứ 3 nằm ở khu vực thôn An Nhơn làng An Hải được thực dân Pháp xây dựng vào thời Pháp thuộc, lấy tên Dominique (đặt theo tên người quản lý khu đồn này) và sử dụng làm kho đạn dược, kiểm soát người dân qua lại trong vùng.

Tuy nhiên, người dân làng An Hải mỗi khi ngang qua đây thường quen miệng gọi là đồn Xã Lư vì nó nằm sát nhà ông Xã Lư. Ông người làng Hà Thân, giàu có tiếng, dân gian đồn ông này giàu vì đào được vàng hời và có con gái lấy chồng Tây là Dominique.

Đồn lũy thứ 4 cũng nằm tại thôn An Nhơn làng An Hải được quân đội Mỹ xây dựng ngay khi chiếm đóng Đà Nẵng, đặt tên là đồn Bộ tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ hay còn gọi là trại Horse (trại Ngựa). Sau khi quân đội Mỹ rút quân về nước, đồn được Bộ Chỉ huy 1 Tiếp vận quản lý và sử dụng.

Hậu quả chiến tranh cộng quá trình đô thị hóa, chỉnh trang đô thị tại quận Sơn Trà sau này đã làm “biến mất” những pháo đài kiên cố kể trên. Ngày nay, đến thăm khu vực làng An Hải (nay được tách ra thành các phường An Hải Bắc, An Hải Tây, An Hải Đông) dấu vết những “pháo đài” kể trên không còn, nhưng trong ký ức của những cụ già – người từng trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt của dân tộc – nó vẫn tồn tại trong ký ức như chứng tích một thời cả dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.
.