.

"Gia Long tẩu quốc" trên đất Đại Lộc

.

Năm Thành Thái thứ mười một (1899), vua ban chiếu chỉ cho phép lấy một phần đất đai của huyện Diên Khánh và phủ Điện Bàn để thành lập huyện mới Đại Lộc. Phải chăng khi đặt tên cho vùng đất có nghĩa là “lộc lớn” này, Triều Nguyễn muốn ghi ơn con người, đất đai nơi đây đã từng cưu mang, bảo vệ vị chúa cuối cùng của Đàng Trong những tháng ngày “ngàn cân treo sợi tóc” trước khi đại nghiệp thành công, sáng lập ra triều đại Nhà Nguyễn?

Miếu Ngũ hành Tiên nương ở thôn Trúc Hà (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) được cho là thờ 5 người phụ nữ đã từng cứu chúa Nguyễn thuở trước. Ảnh: N.H.T
Miếu Ngũ hành Tiên nương ở thôn Trúc Hà (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) được cho là thờ 5 người phụ nữ đã từng cứu chúa Nguyễn thuở trước. Ảnh: N.H.T

Dân gian kể rằng, sau khi quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy đánh chiếm Phú Xuân (Huế), Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Quảng Nam bằng đường bộ thì gặp cánh quân của Tây Sơn do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy truy sát. Tàn quân chúa Nguyễn men theo triền núi phía bắc của một con sông nhỏ (sau này là sông Con) lên đến núi Dương Thành. Tại đây, Định Vương phong cho Nguyễn Phúc Ánh làm Đông cung Thế tử. Về sau, nơi này hình thành hai địa danh gò Tôn Vương và Hóc Tướng để ghi dấu chuyện xưa. Người dân Trúc Hà kể rằng, cứ đêm về thường nghe tiếng ngựa hí, quân reo, người già thường không cho trẻ nhỏ đi chăn trâu hoặc nô đùa nơi đây vì rất linh thiêng.

Bị truy đuổi gắt gao, quân chúa Nguyễn từ Hóc Tướng vượt qua sông thì gặp một cánh đồng (thuộc làng Trúc Hà bây giờ), có năm người phụ nữ đang cấy lúa trên ruộng. Quân chúa Nguyễn hỏi đường thì được họ chỉ đi theo hướng tây để thoát nạn.

Quân Tây Sơn tiếp sau tới hỏi đường thì họ lại chỉ sang hướng khác. Khi qua Hóc Lầy, nơi có những vũng sình sâu đến lút đầu người, do không để ý, một vị đô đốc họ Lương bị sa ngựa và tuẫn mạng tại đây (sau này người dân lập miếu thờ, gọi là miếu Ông Lương, đến nay còn di tích). Biết mình bị đánh lừa, quân Tây Sơn quay lại giết chết năm người đàn bà trước khi tiếp tục cuộc truy đuổi. Về sau, khi thống nhất giang sơn, nhớ ơn kẻ đã cứu mạng mình, vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) sắc phong cho năm bà là Ngũ hành Tiên nương; cho xây một ngôi miếu tại nơi năm người bị giết có kiểu kiến trúc như Ngọ Môn ở kinh đô Huế và cho dân làng hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch tổ chức cúng tế long trọng.

Chuyện “Gia Long tẩu quốc” tiếp tục. Xã Đại Sơn nằm dựa lưng vào một nhánh núi đổ dài qua ngã Đại Lãnh, trên đỉnh núi có một con đường mòn mà chẳng biết tự khi nào, dân địa phương gọi là “đường Gia Long”, được cho là nơi chúa Nguyễn từng đi qua trên bước đường bôn tẩu của mình.

Sau khi được năm người đàn bà chỉ đường, đám tàn quân của chúa Nguyễn men dọc theo cánh đồng hoang vu, nhiều sình lầy, lau lách để chạy về phía tây. Gặp một dãy núi chắn ngang, chúa lệnh cho thuộc hạ gấp rút vượt qua, núi không cao nên chỉ một thời gian ngắn đã lên tới đỉnh rồi theo đường dốc đổ qua ngõ sông Cái (đầu nguồn Vu Gia). Vừa đến một bãi cát rộng ven sông thì trời tối mịt nên buộc phải dừng lại dựng trại trú qua đêm. Đêm ấy, trong giấc chiêm bao, Nguyễn Phúc Ánh nằm mơ thấy vị thần Núi hiện ra bảo rằng: “Ngươi có chân mệnh thiên tử. Cứ theo đường núi về phía tây sẽ thoát nạn. Thần linh sẽ trợ giúp ngươi!”.

Sáng ra, lúc quân Tây Sơn gióng trống thúc chiêng đuổi phía sau, chúa Nguyễn cho thuộc hạ tìm cách qua sông. Thuyền chẳng có. Chặt nứa kết bè thì không kịp. Chúa ngửa mặt lên trời than rằng: “Chẳng lẽ mệnh đế vương của dòng họ ta đã đến lúc cáo chung rồi sao?”. Bỗng nhiên trời nổi cơn gió lớn, hàng chục con trạnh (một loại sinh vật họ rùa sống ở các dòng sông đầu nguồn) lớn như những chiếc nong phơi lúa nổi lên làm thuyền đưa mọi người qua sông vừa lúc quân Tây Sơn nạp tới!

Qua được bên kia sông, chúa cho quân tiếp tục tiến về phía tây như điềm báo mộng. Sau này, người dân địa phương đặt tên nơi chúa Nguyễn trú qua đêm là “bãi Quả Nhân” (quả nhân là từ mà vua dùng để tự xưng một cách khiêm tốn - ĐNCT), sau nói gọn lại là Bãi Quả. Còn bên kia sông là Bãi Trạnh, đến nay địa danh vẫn còn.

Tiếp tục cuộc hành trình của chúa Nguyễn. Khi vượt đường rừng áng chừng nửa ngày đường thì bị lạc vào một vùng núi rậm rạp toàn những cây cao, thân có trái chín từng chùm màu vàng óng, hương thơm lan tỏa khắp rừng. Chúa lệnh cho thuộc hạ hái xuống, ông lấy móng tay bấm thử thấy vỏ mềm, cơm trắng; nếm thử mùi vị ngọt lịm. Biết là trái quý, nên cho quân hái ăn qua cơn đói dài ngày, lấy lại sức lực trước khi tiếp tục cuộc hành trình may rủi.

Sau này, khi lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, vua ban tên cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ là Nam Trân (trái quý ở phương Nam), được khắc hình vào một trong Cửu Đỉnh ở kinh đô Huế.
Truyền thuyết, giai thoại có thể chỉ là sự hư cấu trong dân gian để làm cho đời sống tinh thần của con người thêm phong phú. Thế nhưng, thật lạ lùng, những địa danh, di chỉ có thực và tồn tại trên vùng đất phía tây Đại Lộc lại gắn với chuyện bôn ba một thời của chúa Nguyễn. Nghiên cứu vấn đề này cũng thú vị lắm vậy.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

;
.
.
.
.
.