Làng Vân Dương xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, mấy năm gần đây nổi tiếng với nghề trồng hoa Tết.
Anh Lê Văn Phiếu và một quyển trong bộ sách Bản thảo Cương mục - di vật của ông Tú Vĩ. Ảnh: V.P.Q |
Song, có lẽ ít ai biết rằng đây còn là vùng đất đã sản sinh một vị tú tài mượn nghề dạy học và bốc thuốc để ngầm hỗ trợ các phong trào yêu nước.
Sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang giai đoạn 1928 - 1945” (NXB Đà Nẵng, 1985) chép: “Bọn Pháp nhân dịp này đã kết án rất nặng những sĩ phu lãnh đạo phong trào Đông du, Duy tân mà chúng chưa có chứng cứ để bắt. Trần Quý Cáp bị xử tử ở Nha Trang, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Lê Quang Vĩ (Tú Vĩ)... bị án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo”.
Trong những nhà yêu nước nói trên, có hai vị là người Đà Nẵng. Lê Bá Trinh người làng Hải Châu, huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Hải Châu, nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Lấy thương yêu đồng bào làm tôn chỉ/ Đem chí mình tô điểm cuộc Duy tân”. Lê Quang Vĩ người làng Vân Dương, tổng Hòa An, nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; mượn nghề dạy học và bốc thuốc để ngầm hỗ trợ các phong trào yêu nước.
Theo sách đã dẫn, Lê Quang Vĩ sinh năm 1881 (phổ hệ gia tộc ghi ông sinh năm Canh Thìn 1880), đỗ tú tài Nho học năm Quý Mão 1903, nhưng khước từ chức tri huyện hậu bổ, về nhà dạy học, truyền bá chữ quốc ngữ. Ông tham gia phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Quảng Nam, rồi đứng ra thu mua hàng hóa cho Công ty Đông Thành Xương - một hãng buôn và sản xuất hàng dệt xuyến khổ rộng, chế biến trà uống, giấy hoa tiên, do Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền thành lập ở Hà Nội - nhằm gây quỹ cho Trường Đông Kinh nghĩa thục và chấn hưng kinh tế, dùng hàng nội hóa. Ông bị Pháp bắt bỏ tù hai lần vào các năm 1908 và 1926. Trong lần sau, ông bị kết án 5 năm tù, đày đi Côn Lôn và Sơn La.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ cố vấn Hội Truyền bá quốc ngữ và tư tưởng yêu nước cho thanh niên trong địa hạt. Trên cương vị này, năm 1946, ông vào huyện Thăng Bình, vừa dạy học, vừa cắt thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều vị cao niên nơi này còn nhắc đến ông với những phương hay thuốc quý cứu nhân độ thế. Tháng 1-1947, cụ Huỳnh Thúc
Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trên đường đi kinh lý các tỉnh Nam Trung Bộ có ghé thăm ông.
Ông rất nghiêm khắc với học trò. Một bữa học bài có chữ sủy [揣] (cân nhắc, suy đoán) và chữ đoan [端] (ngay thẳng, chính trực) có nét chữ gần giống nhau, một người học trò tên Phe đọc nhầm sủy thành đoan, thầy quở trách và làm bài thơ rất “nặng đô” để trò nhớ nằm lòng: Học hỏi như mầy chẳng biết lo/ Sủy nói rằng đoan dốt quá bò/ Viết mực của ai đừng cắp lấy/ Họa may dự đặng chút nhà nho.
Ông mất ngày 24-8-1950 (nhằm ngày 1-7 Canh Dần), thọ 71 tuổi, an táng tại Thăng Bình. Đến năm 1958, di cốt ông mới được con cháu đưa về cải táng tại quê nhà ở nổng cát Xóm Bàu, thôn Vân Dương. Khi gia đình vô Thăng Bình đưa di cốt ông về, những vị cao niên nơi này thấy chuyển mộ ân nhân của mình đi cũng tiếc, bèn nhắc lại chuyện ông dạy học, bốc thuốc, truyền bá tinh thần yêu nước thương nòi.
Theo lời họ kể, ngày đó có một lý trưởng nổi tiếng cường hào, hống hách khiến dân làng ai cũng oán than. Lý trưởng mắc chứng bệnh rất lạ kỳ, trong người luôn cảm thấy mỏi mệt, đau nhức như bị ai giần, mặc dù ăn uống không thiếu các thứ cao lương mỹ vị. Bữa nọ đau quá, y bèn tìm tới ông Tú nhờ chữa bệnh. Ông bắt mạch, cho toa hẳn hoi, nhưng y cầm toa đi khắp các tiệm thuốc bắc trong vùng cũng không ai cắt thuốc được vì các vị thuốc lạ hoắc; cuối cùng đành quay lại hỏi ông Tú.
Ông Tú bảo: “Thuốc trong người chứ ở đâu mà đi tìm?!”. Lý trưởng chẳng hiểu ất giáp gì, bèn xuống nước hỏi cặn kẽ. Ông thủng thẳng cắt nghĩa: “Hồi ông đi học kiếm cái chữ, cả cha mẹ ông lẫn dân làng đều để lòng lo lắng, mong ông đỗ đạt làm rạng danh xóm làng. Chừ ra làm quan sao ông vội quên tình nghĩa mà thẳng tay ức hiếp dân lành? Chính sự ta thán của người dân đã trói buộc, trù úm khiến ông luôn cảm thấy bất an. Thuốc ở ngay trong người ông là vậy”.
Lý trưởng hiểu ý, từ đó thay đổi hẳn cách cư xử với dân và bệnh tình cũng dứt hẳn. Cả hai người, ông Tú và lý trưởng, về sau trở thành bạn thân.
Như phần đông các thầy thuốc khác ở thế kỷ trước, ông Tú Vĩ để lại các loại tiền cổ, đồ sứ cổ, đặc biệt là rất nhiều sách thuốc bằng chữ Hán, bên cạnh các loại sách văn thơ, kinh điển phục vụ cho nghề dạy học. Trong đó, có nhiều bộ sách có giá trị như: Khang Hy tự điển in năm Đạo Quang thứ bảy (triều Thanh Tuyên Tông, Trung Hoa), tương đương với niên hiệu Minh Mạng năm thứ tám (1827) ở Việt Nam; Bản thảo Cương mục - một từ điển bách khoa của Trung Quốc về dược vật học được thầy thuốc Lý Thời Trân biên soạn vào thế kỷ XVI đầu thời nhà Minh.
Rất tiếc, trong cơn bão số 8 năm 2005, số sách quý này đã bị nước lụt ngâm ướt. Chắt nội đích tôn của ông Tú Vĩ là anh Lê Văn Phiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Lê Quang Huy, kể rằng năm 2005 mưa không nhiều nhưng nước ngập lên trên thắt lưng, lúc đó anh đang ở cơ quan nên trở tay không kịp. Ngay tối đó, anh chong đèn suốt đêm đem sách ra sấy, rồi tranh thủ nắng đem phơi, nhưng chất lượng và tuổi thọ của sách đã giảm đi rất nhiều.
Trên trang web của cơ sở, anh Phiếu dành riêng một thư mục giới thiệu sách cổ của ông cố mình. Nhiều người biết tin đã tìm tới hỏi thăm, tham khảo các bộ sách quý như Bản thảo Cương mục và Khang Hy tự điển.
VIÊN PHÚC QUÂN