Chuyện xưa xứ Quảng

Ông già say làng Ô Gia

07:19, 04/07/2015 (GMT+7)

Vào ngày 2-5-1911 (nhằm mồng Bốn tháng Tư năm Tân Hợi), tại Lao Bảo, một nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp, người con tài hoa của Đại Lộc, Quảng Nam, một chí sĩ yêu nước, một chiến sĩ chiến đấu không mệt mỏi của hai phong trào Cần Vương và Duy Tân đã tuẫn tử sau bảy ngày tuyệt thực để giữ tròn khí tiết của mình.

Đó là Đỗ Đăng Tuyển. Ông sinh năm 1856, tại làng Ô Gia, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc; là con thứ hai của ông Đỗ Đăng Bộ và bà Nguyễn Thị Hà. Ông còn có tên là Đăng Các, hiệu Thi Đào, biệt hiệu Túy Am. Những đồng chí trong Hội Duy Tân còn gọi ông là Trình Hiền, Sơn Tẩu hay Trình Ô Gia.
Xuất thân trong một gia đình không mấy khá giả, nhưng song thân ông cảm nhận ở ông là đứa con trai có tư chất thông minh, sáng dạ nên bán cả gia sản để tạo điều kiện cho ông ăn học đến nơi đến chốn. Tính tình điềm đạm nhưng cương quyết, ngay thẳng.

Rất ghét những kẻ cậy quyền thế ức hiếp dân nghèo. Dù là người học rộng nhưng ông lại lận đận trong thi cử, phạm húy trong kỳ thi Hương. Đến cuối đời Tự Đức (1883), ông mới được triều đình mời ra giữ chức quan nhỏ với hàm Chánh lục phẩm, làm chủ sự chuyên viết các đạo dụ, sắc bằng của triều đình.

Phải đợi đến sau sự kiện Pháp đánh chiếm Thuận An (20-8-1883) và Hiệp Hòa ký hòa ước Quý Mùi nhục nhã (25-8-1883), Đỗ Đăng Tuyển mới rời Huế trở về Quảng Nam, có mặt trong hàng ngũ sĩ phu, cùng Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Huy, Trần Đỉnh, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành, Nguyễn Hanh, Ông Ích Thiện,… thành lập Nghĩa hội tiến hành cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và vua bù nhìn Đồng Khánh. Ông giữ chức Đội biện Quân lương, công việc chủ yếu là lo vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội. Theo đánh giá của Quốc sử quán Triều Nguyễn, ông là một nhân vật trọng yếu của Nghĩa hội Quảng Nam.

Sau khi Nghĩa hội bị tổn thất nặng, tuân theo mệnh lệnh cuối cùng của Hội chủ, những chiến sĩ Cần Vương phân tán lực lượng về sống ẩn dật trong nhân dân để chờ cơ hội mới. Trong số 865 người thuộc hàng ngũ Nghĩa hội ngưng chiến đấu, có Tán tương Đỗ Đăng Tuyển. Nuốt cái nhục hàng giặc, trở về làng như chẳng còn thiết tha với thời cuộc. Chỉ muốn cùng chén rượu ngâm nga thơ phú để tiêu dao cùng ngày tháng. Đỗ Đăng Tuyển đã khéo che mắt bọn giặc. Ông vốn giỏi thơ ca Nôm lẫn Hán, nên nay có sa đà thơ rượu như một kẻ bất đắc chí thì cũng là lẽ tự nhiên. Tóc bạc sớm, mới ngoài ba mươi mà nhiều người lầm tưởng ông đã ngoại ngũ tuần. Bọn tay sai theo dõi, thấy yên tâm vì vị Tán tương ngày nào nay chỉ còn là “lão túy ông” (ông già say).

Nhờ điều kiện đi đây, đi đó của nghề bốc thuốc, chọn đất chôn cất, chọn hướng làm nhà,… ông đã âm thầm liên lạc với những đồng chí cũ, mưu tính một lần quật khởi mới.

Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu liên kết hào kiệt bốn phương từ Bắc vào Nam để mưu cầu việc giải phóng dân tộc. Đến Quảng Nam, Phan Bội Châu tìm đến các sĩ phu đã từng tham gia Nghĩa hội, trong đó có Đỗ Đăng Tuyển.

Thật không thể nói hết sự kỳ thú của những lần gặp gỡ giữa hai người anh hùng tài hoa của xứ Nghệ và xứ Quảng. Sau những lần gặp gỡ, bàn bạc đó, vị Tán tương Nghĩa hội mười mấy năm trước đó đã trở thành sáng lập viên một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước vào đầu thế kỷ XX.

Có thể nói một phần thời gian trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu luôn gắn liền với sự hỗ trợ đầy hiệu quả của Đỗ Đăng Tuyển. Khi Phan Bội Châu cần một khoản lộ phí để vượt biển sang Nhật tìm đường cứu nước, chỉ trong thời gian ngắn, bằng năng lực và uy tín của mình, Đỗ Đăng Tuyển cùng với Nguyễn Thành đã lo liệu được ba nghìn đồng, một khoản tiền không nhỏ vào thời bấy giờ. Tháng Chạp năm Ất Tỵ (1905), Đỗ Đăng Tuyển tham gia một cuộc họp khá quan trọng tại nhà Nguyễn Thành nhằm phân công nhiệm vụ cho các hội viên trọng yếu trước khi Hội chủ Phan Bội Châu xuất dương. Đây là lần cuối cùng Đỗ Đăng Tuyển gặp Phan Bội Châu. Buổi chia tay đầy bịn rịn, người đi kẻ ở không ai cầm được nước mắt nhưng đều cùng chung quyết tâm: Sớm trả thù nhà, đền nợ nước.

Việc duy trì hoạt động của Hội ở các tỉnh phía Nam kinh đô Huế, yểm trợ cho Đặng Thái Thân ở Nghệ Tĩnh và Phan Bội Châu ở nước ngoài đã chứng tỏ tài năng của Đỗ Đăng Tuyển. Trong những năm từ 1908 đến 1910, ông cùng với Thái Phiên đảm nhận công việc điều hành Hội Duy Tân thay cho Nguyễn Thành và giúp Đặng Thái Thân ở Nghệ Tĩnh.

Kẻ thù ra sức truy lùng các đồng chí của Phan Bội Châu. Năm 1910, Hội Duy Tân chịu thêm một tổn thất lớn: Ngày 11-3, Đặng Thái Thân đang hoạt động ở Phan Thôn (Nghi Kim, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), thì bị giặc bắt. Quân Pháp thu được một số giấy tờ và tiếp tục truy tìm các hội viên khác. Thời gian sau, một số hội viên của Hội cũng bị bắt, trong đó có Đỗ Đăng Tuyển.

Đỗ Đăng Tuyển bị giam ở nhà lao Hội An và sau đó bị giải ra Nghệ Tĩnh với tội danh: “Ám thông tin tức, xuất của quyên trợ, đồng mưu phản nghịch”, bị phạt khổ sai 10 năm; thu sắc bằng, áo mũ; tịch thu gia sản. Bị giải đi Lao Bảo, đến nơi, ông tuyệt thực 7 ngày rồi chết để giữ tròn khí tiết của mình khi mới 55 tuổi.

Đặng Đoàn Bằng và Phan Bội Châu có chép tiểu sử ông trong “Việt Nam nghĩa liệt sử” với bài thơ điếu bằng chữ Hán, được Tôn Quang Phiệt dịch: Mưa gió liền năm dài/ Càn khôn sót một già/ Đánh thù lòng như đá/ Lo nước tóc thành tơ/ Thơ rượu sầu thần thánh/ Non sông mộng ngày thơ/ Suối vàng khoe với bạn/ Hơn Di - Tề ngày xưa…

Đến năm 1934, trong thời gian bị giặc Pháp quản thúc tại Huế, Phan Bội Châu lại có thêm bài thơ viết về Đỗ Đăng Tuyển: Đau đời nên phải nhớ tiên sinh/ Ưu quốc xưa nay bậc lão thành/ Tay trắng đỡ liều vai gánh nặng/ Lòng son đưa trước bạn đầu xanh/ Bội Châu không bác e vô sự/ Lao Bảo nhờ ông mới có danh/ Tiếc bác lấy gì an ủi bác/ Một chung rượu lạt máu thần minh…

NGUYỄN HẢI TRIỀU

.