.

Chuyện về "Chín xã Sông Con"

.

Địa danh “Chín xã Sông Con” ngày xưa gồm các xã: Hà Tân, Hoằng Phước, Trúc Hà, Trung Đạo, Mậu Lâm, Thạnh Đại, Đại Mỹ, Chấn Sơn (còn gọi là Non Tiên) và An Điềm; trải dài từ xã Đại Lãnh tới xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Làng Hà Tân – một trong Chín xã Sông Con ngày nay. Ảnh: N.H.T
Làng Hà Tân – một trong Chín xã Sông Con ngày nay. Ảnh: N.H.T

Theo nhiều nhà nghiên cứu, câu ca “Ai về Chín xã Sông Con/ Hỏi thăm Tú Đĩnh có còn hay không?” ra đời từ những giai thoại dân gian gắn liền với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thời bấy giờ.

Năm 1887, phong trào Nghĩa hội do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo chống Pháp đã tới hồi cao trào. Nghĩa hội đã lấy động Hà Sống (xã Đại Đồng ngày nay), vùng giáp với Ba Khe (xã Đại Lãnh) án ngữ cho Chín xã Sông Con phía tây Đại Lộc, tạo một vùng căn cứ vững chắc để tổ chức kháng chiến lâu dài bởi nơi đây địa thế hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là sông sâu. Tán tương Quân vụ Trần Đĩnh (Tú Đĩnh) khi đó là thành viên của phong trào Nghĩa hội, được Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu phân công lãnh đạo nghĩa quân cánh bắc (miền tây Đại Lộc và Hiên, Giằng), là người trực tiếp chỉ huy xây dựng căn cứ Sông Con. Đây là căn cứ địa thứ hai của Nghĩa hội. Căn cứ địa thứ nhất ở Trung Lộc, huyện Quế Sơn, còn gọi là Tân Tỉnh.

Tú Đĩnh (còn có tên gọi Tán Thừa) quê làng Gia Cốc, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, nay thuộc thôn Đông Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc.

Căn cứ địa Sông Con có ưu thế là nằm sâu trong rừng núi phía nam và tây bắc của tỉnh Quảng Nam. Từ đây có thể vào miền núi Gia Lai, Kon Tum hoặc ra Thừa Thiên, Quảng Trị. Nghĩa quân Nghĩa hội đã phát huy thế hiểm trở của động Hà Sống và biến nơi đây thành một phòng tuyến vững chắc để bảo vệ căn cứ Sông Con. Tuyến phòng ngự này gồm hai khu vực: dưới sông và trên đèo. Nghĩa quân dùng tre, mây, gỗ đóng chắn ngang; dùng bẫy đá treo lơ lửng dọc sông để ngăn chặn quân Pháp và quân Nam Triều tiến vào căn cứ địa theo đường sông. Trên đèo thì đào hào, ngụy trang kín; bố trí nghĩa quân sử dụng gươm, giáo, đoản côn, súng hỏa mai để phát huy chiến thuật cận chiến… trên động còn bố trí súng thần công để có thể bắn đi xa hoặc bắn thẳng xuống sông nếu quân địch dùng thuyền tiến vào khu căn cứ. Phòng tuyến xây dựng xong, nhân dân trong vùng thực hiện phương châm “vườn không nhà trống”. Ban đêm ở nhà, ban ngày đi sản xuất hoặc vào căn cứ luyện tập cùng với nghĩa quân sẵn sàng đánh địch.

Từ căn cứ địa Sông Con, với phòng tuyến động Hà Sống, nghĩa quân Nghĩa hội đã nhiều lần ngăn chặn được các cuộc tiến công của quân Pháp và Nam Triều vào căn cứ. Cũng từ nơi đây, dưới sự chỉ huy của Tán tương Quân vụ Trần Đĩnh, nghĩa quân đã xuất kích, tổ chức những trận đánh Pháp oanh liệt như trận trên cánh đồng Gia Cốc (vùng B Đại Lộc) và Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), làm cho quân giặc nhiều phen ăn ngủ không yên, chúng xem căn cứ Sông Con như cái gai trong mắt và dốc sức tìm mọi cách để đánh dẹp.

Từ năm 1886, phong trào Nghĩa hội lần lượt gặp tổn thất dẫn đến tư tưởng hoang mang dao động trong nghĩa quân và cả người chỉ huy là Tú Đĩnh. Khi có chiếu dụ chiêu hàng của vua Đồng Khánh, ông cho rằng việc trá hàng để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ mới là thượng sách và mạnh dạn đề đạt ý kiến của mình với Hội chủ. Ý kiến của Tú Đĩnh bị Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu nghi ngờ cho là phản bội và triệu ông về Trung Lộc xử chém. Mất người chỉ huy, căn cứ Sông Con như rắn mất đầu và nhanh chóng tan vỡ. Đến nay, trong dân gian vẫn còn truyền khẩu câu ca: Tiếng đồn Tú Đĩnh Sông Con/ Nghe lời Đồng Khánh lên non mất đầu…

Đến giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhờ địa thế hiểm trở “núi dựng sông ngăn”, vùng Chín xã Sông Con và những khu lân cận lấy vách ngăn từ động Hà Sống trở về phía tây trở thành vùng tự do của quân dân ta. Nơi đây, chính quyền cách mạng và các đoàn thể nhân dân được xây dựng vững mạnh để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Thời kỳ này, khu căn cứ ở vùng Chín xã Sông Con được lấy tên là huyện Đỗ Ngọc Mai, tên một chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa, quê làng Chấn Sơn. Với tinh thần bất khuất kiên cường, ông đã hy sinh lẫm liệt trong nhà tù của thực dân (dẫn theo tài liệu của ông Phạm Duy Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc).

Năm 1947, quân Pháp trở lại Đại Lộc. Vào ngày 26-3-1947 địch mở cuộc tấn công lớn về phía tây hòng chiếm lại vùng tự do của ta. Trung đoàn 96 bộ đội chủ lực tỉnh phối hợp với dân quân du kích địa phương tổ chức trận địa phục kích tại Ba Khe, cách Hà Sống 1,5km về phía tây, ta đã diệt gọn hai trung đội địch, thu nhiều vũ khí. Từ chiến thắng này có câu hát: “Ba Khe nấm mồ năm xưa còn đó…”. Đây là một trong những trận đánh đạt hiệu quả cao của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cũng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, kẻ thù còn nhiều lần tấn công lên khu căn cứ miền tây Đại Lộc nhưng đều bị quân ta chặn đánh ở phía đông động Hà Sống. Ta đã bảo vệ vững chắc vùng tự do cho mãi đến khi cuộc kháng chiến thành công vào năm 1954.

Từ căn cứ “Chín xã Sông Con”, những giai thoại dân gian vẫn còn được truyền tụng trên vùng đất phía tây Đại Lộc và đến khi trở thành khu căn cứ cách mạng trong chín năm kháng chiến chống Pháp đã trở thành một khúc ca oai hùng của cha ông trên quê hương một thời giữ nước!

NGUYỄN HẢI TRIỀU

;
.
.
.
.
.