Đình Thạch Tân, xã Kỳ Anh (nay thuộc thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ), không chỉ là nơi ghi dấu một thời cha ông khai canh lập nghiệp, còn là địa chỉ mang nhiều dấu ấn lịch sử như một huyền thoại của thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do.
Đình Thạch Tân được xem là đầu mối quan trọng cho hệ thống địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: P.V.B |
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XV, trong đoàn quân binh theo vua Lê Thánh Tông vào Nam mở cõi có tiền nhân của các tộc Nguyễn, Lê, Trần, Phạm từ vùng đất Thanh Hóa - Nghệ An. Họ dừng chân tại một vùng đất hoang sơ nhưng đầy tiềm năng khai thác nông nghiệp, thủy sản để khai cơ lập nghiệp (về sau được đặt tên là làng Thạch Tân). Trong quá trình cộng cư, kinh tế ngày càng phát triển, nhằm nhớ ơn tiền nhân, họ xây dựng đình làng để thờ tự những người đã có công khai phá vùng đất này. Buổi ban đầu, đình chỉ là tranh tre, mái lá; đến thế kỷ XV, dần dần cuộc sống ngày càng khá lên, cư dân trong làng chung nhau xây dựng đình ngày một bề thế hơn. Trải qua nhiều lần trùng tu, đình được khang trang và giữ nguyên hiện trạng cho đến nay.
Từ tiền hiền khai khẩn đến hậu hiền khai cơ, tính đến nay cả làng có trên 22 họ tộc. Tất cả đều chung sức chung lòng giữ cho đình Thạch Tân còn nguyên giá trị nghệ thuật điêu khắc của thời kỳ nhà Nguyễn với bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng mộc Vân Hà (nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Đây là di tích khá hiếm còn được lưu lại trên đất Tam Kỳ, không những là biểu trưng cho việc thờ cúng tổ tiên, tri ân tiền nhân đi mở đất mà còn lưu dấu tiếng tăm một thời của những nghệ nhân nghề mộc cổ truyền của Quảng Nam.
Theo các vị bô lão trong làng, tiền nhân của họ khi vào khai cơ lập nghiệp ở vùng đất mới này đã mang theo nghề dệt chiếu cói của cha ông để vừa giải quyết một phần lao động vào những lúc nông nhàn, đem lại thu nhập cho đời sống gia đình, vừa giữ cho nghề truyền thống không bị mai một.
Cây lác (còn gọi là cói), ban đầu mọc tự nhiên trên các bờ rạch, ruộng triền sông, dần dần cư dân Thạch Tân khai thác những mảnh đất ven sông ấy thành những mảnh ruộng chuyên canh cây lác. Những chiếc chiếu được dệt ra từ làng Thạch Tân tuy không đẹp bằng chiếu làng nghề Nga Sơn (Thanh Hóa), nhưng rất bền, được người dân nông thôn Quảng Nam ưa chuộng. Nghề chiếu nơi đây là phụ và cũng không có nhà thờ Tổ nghề. Vì vậy, đình Thạch Tân, nơi thờ những tiền nhân của họ, những người đã đem cái nghề ở phương Bắc vào nên họ xem đình làng cũng là nơi lưu giữ linh hồn nghề chiếu lác của cha ông.
Hiện nay, kinh tế phát triển, cùng với những sản phẩm chiếu sợi ni-lông dễ dùng và đẹp, lại nữa tiền thu nhập cho một sản phẩm chiếu không được là bao, nên nghề dệt chiếu ở Thạch Tân có phần lắng xuống, nhưng không vì thế mà người dân nơi đây đánh mất đi nghề truyền thống cha ông của mình đã lưu lại từ hàng trăm năm.
Trong thời chống Mỹ, đình Thạch Tân được xem là đầu mối quan trọng cho hệ thống địa đạo Kỳ Anh ra đời vào năm 1965. Đình là nơi linh thiêng, bên cạnh đình có cây Trâm Bà hàng trăm năm tuổi, lối vào đình và chung quanh khu vực đình cây cối rậm rạp, biết bao câu chuyện thần linh huyền bí được người dân tạo ra, làm cho khu vực đình thêm linh hiển. Sát móng đình phía bên trái có một ô cửa nhỏ vừa cho một người chen vào, có nắp đậy ngụy trang. Ô cửa dẫn vào trong lòng móng đình, ở đó có một khoảng trống chia làm hai ngăn, một ngăn dùng làm hầm cứu thương và trú ẩn cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng chẳng may bị thương; một ngăn cất giấu lương thực, thực phẩm của đồng bào đóng góp cho cách mạng trước khi chuyển về căn cứ phía tây Tam Kỳ. Từ đình, có thể đi lại khắp các ngõ ngách trong hệ thống địa đạo mà không sợ bị địch phát hiện.
Thời gian cứ trôi đi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đình Thạch Tân sau bao mưa bom bão đạn vẫn đứng vững cùng năm tháng. Các thế hệ con cháu nối tiếp nhau sống trên mảnh đất Thạch Tân vẫn xem ngôi đình là nơi ghi dấu công ơn của tiền nhân và là minh chứng lịch sử oai hùng của một thời đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ quê hương của những người con yêu nước trên mảnh đất Kỳ Anh anh hùng năm xưa. Và hôm nay, đình Thạch Tân là một trong những điểm du lịch về nguồn rất hấp dẫn cho du khách có dịp ghé thăm địa đạo Kỳ Anh - di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Hiện nay, cứ vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng ba âm lịch hằng năm, bà con nội ngoại của làng tập họp về đây để dâng lễ tế đình và tưởng nhớ tiền nhân; qua đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, cần cù lao động sáng tạo và hiếu học.
PHẠM VĂN BÍNH