.

Hệ thống phòng thủ ở Sơn Trà dưới thời Nhà Nguyễn

.

Dưới thời Nhà Nguyễn, Sơn Trà (và cả Ngũ Hành Sơn) mặc dù là thắng cảnh, nhưng cấm không cho người nước ngoài lui tới. Năm 1830 vì để một người Pháp tự tiện lên núi mà vua Minh Mạng đã khiển trách Tuần phủ Quảng Nam và cách chức ngay hai viên thủ ngự của thành An Hải và Điện Hải. Hệ thống phòng thủ trên Sơn Trà là phần quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, được xem là hệ thống phòng thủ kiên cố nhất trong các cửa biển của nước ta.

Bản đồ hệ thống phòng thủ vịnh biển Đà Nẵng thời Nhà Nguyễn (theo Võ Văn Dật).
Bản đồ hệ thống phòng thủ vịnh biển Đà Nẵng thời Nhà Nguyễn (theo Võ Văn Dật).

Núi Sơn Trà

Sơn Trà là ngọn núi thuộc địa phận phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Núi có diện tích độ 65km2 (dài 13km, rộng 5km), với ba bộ phận. Phía đông là Hòn Nghê, phía tây là hòn Mỏ Diều, phía bắc là hòn Cổ Ngựa. Đỉnh Bàn Cờ ở giữa cao nhất với khoảng 700 mét. Đây là ngọn núi độc đáo vì là bức chắn địa hình để kết hợp cùng núi Hải Vân tạo thành vịnh biển Đà Nẵng, là cơ sở cho việc hình thành thành phố cảng Đà Nẵng. Ngọn núi gần như nằm trong lòng thành phố, gần gũi với người dân qua bao đời nay: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà. Lòng ta nhớ bạn nước mắt và lộn cơm. Hay Đời ông cho chí đời cha. Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa…

Nhiều thư tịch cổ đã đề cập đến ngọn núi đặc biệt này. Đất Quảng Nam vốn có nhiều núi. Nhưng sách Đại Nam nhất thống chí chỉ giới thiệu có 59 ngọn núi, Sơn Trà là một trong số ấy: “Ở cách huyện Diên Phước 32 dặm về phía đông, hình thế chót vót cao chục tầng mây, mây mù tự đấy mà ra, cây cối um tùm, hươu nai thành đàn, mùa thu mùa đông nếu cầu vồng hiện ở trước núi thì lụt; nếu mây đặc phủ trên đỉnh núi thì mưa, người địa phương thường trông thấy mà chiêm nghiệm. Phía đông liền biển, phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là hòn Nghê. Tương truyền trên núi có ngọc, đêm đến thường chiếu sáng xuống biển. Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây, phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sững ở cửa biển. Phía tây cửa biển là vũng Trà Sơn là chỗ trú ẩn cho tàu thuyền” (NXB Thuận Hóa, 2006, trang 345, 346).

Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng cho biết: “Núi Trà Sơn ở địa phận các xã Mân Quan, Nam Thọ, Tân An. Núi mọc giữa vùng đất bằng, cao lớn nguy nga, mây mưa nổi lên ở đây, là ngọn núi trấn giữ phía ngoài cửa biển Đà Nẵng, các nước đều biết tiếng” (NXB Thuận Hóa, 2006, trang 1454).

 Núi Sơn Trà ngày nay. Ảnh: V.T.L
Núi Sơn Trà ngày nay. Ảnh: V.T.L

Hệ thống phòng thủ ở Sơn Trà

Việc phòng thủ Đà Nẵng là mối ưu tư hàng đầu của các vị vua triều Nguyễn trước sự dòm ngó của phương Tây, trong khi cửa biển Đà Nẵng là “cổ họng” để xâm nhập trung tâm quyền lực quốc gia là kinh đô Huế. Sự phòng thủ ở Đà Nẵng được tăng cường đến mức tối đa, hơn bất cứ cửa biển nào của nước ta. Các vị vua Thiệu Trị, Tự Đức đã cử những chuyên viên hàng đầu về quân sự như Tham tri Bộ Công Nguyễn Công Trứ (1840), Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Tri Phương, Hữu Đô thống Mai Công Ngôn (1847), Thượng thư Bộ Hộ Tôn Thất Cáp (1857)… vào Đà Nẵng để nghiên cứu, bổ sung việc bố phòng Đà Nẵng.

Trước khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1-9-1858), hệ thống phòng thủ đặt trên Sơn Trà khá dày đặc. Trên đỉnh núi là đồn Trấn Dương xây năm 1857, có khả năng quan sát từ xa việc ra vào cảng Đà Nẵng của tàu thuyền các nước và ngăn không cho đối phương có thể chiếm đỉnh cao về mặt chiến lược để tấn công hệ thống đồn lũy ở chân núi. Dưới chân núi Sơn Trà ở mũi Mỏ Diều có pháo đài Phòng Hải, được Nguyễn Tri Phương xây năm 1841, có hình tròn đường kính 36 mét, chia làm 2 tầng. Tầng trên đặt 8 đại bác bằng đồng, tầng dưới đặt 19 đại bác bằng gang. Pháo đài có một cửa, một kỳ đài, bên trong có kho thuốc súng, kho lương và trại lính.

Nói về pháo đài này, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Pháo đài Phòng Hải: ở phía đông bắc tấn Đà Nẵng trên ngọn núi Diên Chủy (Mỏ Diều - ĐNCT) thuộc xã Mân Quan, huyện Diên Phước, đài rộng 9 thước, cao 6 thước 3 tấc, mở một cửa dựng 1 kỳ đài và 19 sở pháo đài, xây năm Minh Mệnh thứ 21, năm Thiệu Trị thứ 7 sửa lại” (sđd, trang 371). Pháo đài Phòng Hải cùng pháo đài Hỏa Phong (trên đảo Sơn Trà nhỏ) và pháo đài Định Hải (trên núi Hải Vân, phía bắc cửa sông Cu Đê) sẽ hợp đồng tác chiến để ngăn mọi tàu thuyền vào cửa sông Hàn.

Tiếp theo pháo đài Phòng Hải là Trấn dương thất bảo (bảy pháo đài giữ cửa biển) do Đô thống Mai Công Ngôn đề nghị xây năm 1847. Năm 1850, Chưởng vệ Đào Trí đề nghị bỏ bớt ba bảo chỉ giữ lại 4 bảo để việc phòng thủ được cơ động hơn. Các bảo này được ghi trong Đại Nam nhất thống chí: “Bốn bảo Trấn Dương: Ở phía hữu tấn Đà Nẵng. Bảo thứ nhất ở hòn Diên Chủy, chu vi tường 23 trượng, cao 4 thước; bảo thứ hai ở hòn Cô, chu vi 41 trượng, cao 4 thước 3 tấc; hai bảo thứ ba và thứ tư ở phía tây chân núi Trà Sơn, chu vi 8 trượng, cao 2 thước 7 tấc. Kính xét: Năm Thiệu Trị thứ 7 đắp 7 bảo, đúc đại bác chia đặt ở các bảo, gọi là 7 bảo Trấn Dương; năm Tự Đức thứ 3 triệt 3 bảo thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chỉ để 4 bảo thứ nhất, thú hai, thứ ba, thứ tư” (sđd, trang 371).

Cũng thuộc hệ thống phòng thủ Sơn Trà, nằm dọc theo bờ đông sông Hàn là 3 thành An Hải, các đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị. Thành An Hải (nằm ở vị trí An Đồn ngày nay) phối hợp cùng thành Điện Hải ở bờ tây (khu vực Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay) là hai “cứ điểm phòng thủ” lớn nhất của Đà Nẵng thời đó. Thành có chu vi 165 mét, bờ thành cao 4,5 mét, hào lũy sâu 4 mét. Đồn có 2 cửa, một kỳ đài và 22 súng đại bác. Thành được đắp bằng đất năm 1814, xây lại bằng gạch năm 1835.

Hai đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị kết hợp cùng các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián và Nại Hiên ở bờ tây sông Hàn có nhiệm vụ ngăn không cho tàu nước ngoài đổ bộ vào đất liền nếu hệ thống tiền phương trên Sơn Trà và Hải Vân không ngăn được.

Dưới góc nhìn quân sự thời đó, hệ thống phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng nói chung và trên núi Sơn Trà nói riêng là hết sức chặt chẽ và hùng hậu. Rất tiếc, do vũ khí quá sức lạc hậu, quân đội Nhà Nguyễn không ngăn được liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công và đổ bộ lên chiếm bán đảo Sơn Trà suốt 1 năm, 6 tháng 22 ngày (từ 1-9-1858 đến 23-3-1860). Nhưng để làm được việc đó Pháp cũng phải trả giá rất đắt. Nghĩa trang Y Pha Nho ở Mỏ Diều trên bán đảo Sơn Trà, nơi vùi thây hơn 1.500 hài cốt của lính Pháp và Tây Ban Nha với dòng chữ ngậm ngùi: “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault De Genouilly. Bị chết trong những năm 1858-59-60 và đã được an táng tại đây” do Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, Paul Doumer viết năm 1895, là một bằng chứng cụ thể!

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.