Phần địa dư chí trong các sách soạn vào thế kỷ XVIII, XIX ghi nhận, vùng đất phía đông đường thiên lý qua huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa, Quảng Nam xưa, là nơi có nhiều sông, đầm, cửa biển. Địa hình sông nước ấy đã được mô tả khá tỉ mỉ.
Sông Tam Kỳ ở phía nam lỵ sở huyện Hà Đông xưa, nay đã có cầu bắc qua. Ảnh: V.T.L |
Một câu ca liệt kê địa danh từ phía nam trở ra của huyện Hà Đông xưa (nay thuộc huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được nhiều người còn nhớ: Kể từ Ông Bộ trở ra/ Cây Trâm, Trà Lý, bước qua Bầu Bầu/ Tam Kỳ, Chợ Vạn, Thầu Đâu/ Bước qua đường cái thấy cái lầu ông Tây/ Chiên Đàn, Chợ Mới đâu đây…
Gắn liền với các tên được kể trong câu ca đó là nhiều địa danh sông nước được các tư liệu xưa như Phủ biên tạp lục (PBTL) của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn khoảng nửa sau thế kỷ XIX mô tả tỉ mỉ (*).
Đầu tiên hãy nói về dòng sông Tiên Quả nơi có cây cầu Ông Bộ bắc qua. ĐNNTC ghi “Sông Tiên Quả ở cách huyện Hà Đông 45 dặm về phía nam, ra từ phía đông, qua cầu Ông Bộ vào đầm An Hòa rồi đổ ra cửa biển Đại Áp”.
Cách về phía bắc 15 dặm là sông Bầu Bầu. ĐNNTC mô tả: “Sông Bầu Bầu ở cách huyện Hà Đông 30 dặm về phía nam, có hai nguồn: một nguồn từ phía nam núi Bà Ti, một nguồn từ phía bắc núi Mã Yên, qua xã Đức Bố làm sông Bầu Bầu, đổ vào hạ lưu sông Tam Kỳ”.
Từ điểm hạ lưu mà sông Bầu Bầu đổ vào, quay ngược về hướng bắc - tây bắc là ba nhánh sông Tam Kỳ. ĐNNTC chép: “Sông Tam Kỳ ở cách huyện Hà Đông 4 dặm về phía nam, ra từ phía tây bắc nguồn Hữu Bang, qua sông Trúc Tân thuộc xã Phú Lân Trung, chuyển về phía đông qua xã Tam Kỳ đổ ra cửa biển Đại Áp”. Vào thời điểm ấy chưa có cầu Tam Kỳ; việc lưu thông qua sông này chủ yếu bằng đò như ĐNNTC chép: “Đò Tam Kỳ, đò Bến Ván: hai đò đều ở huyện Hà Đông”.
Từ sông Tam Kỳ, ngược ra phía bắc gần lỵ sở huyện Hà Đông xưa hiện diện một vụng nước lớn có tên là đầm Chiên Đàn - mà sách PBTL ghi nhận vào hạ bán thế kỷ XVIII - đã là nơi có nguồn lợi khá lớn với tiền thuế hằng năm là “67 quan 5 tiền 30 đồng”.
ĐNNTC ghi: “Đầm Chiên Đàn ở xã An Thái huyện Hà Đông có tên nữa là đầm An Thái, một thửa liên tiếp cả ba man và ba giáp”. Theo mô tả trên thì đến thời Nguyễn, địa giới đầm Chiên Đàn phía bắc giáp xã An Thái (nay thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình), nam giáp làng Chiên Đàn (nay thuộc các xã Tam Đàn và Tam An, huyện Phú Ninh), phía tây trải dài đến các vùng sơn cước và phía đông giáp vùng cát ven sông Phước Yên (nay gọi là Trường Giang).
Các đầm hói khác ở vùng Hà Đông cũng được ĐNNTC xác định vị trí địa lý rất rõ như đầm Tam Kỳ, đầm Phú Hưng, đầm Diêm Phổ (còn có tên là Vịnh Hoạch), đầm Phú Lân, đầm Đông Hải… trong đó đầm An Hòa được mô tả với rất nhiều chi tiết mà đến nay người địa phương nhìn quang cảnh cũng có thể hình dung được “đầm rộng ước vài ba ngàn mẫu, trong đầm có bãi Thi, bãi Sò, bãi Cò trắng, phía nam đầm là thôn Phú Xuân thượng và xã Diêm Trường, phía bắc đầm là xã An Hòa; phía đông đầm, nước chảy vào cửa biển Tiểu Áp, về phía đông nam đầm chảy ra cửa biển Đại Áp; xung quanh đầm ruộng đất màu mỡ, vì dân cư gần đấy tranh nhau nên bỏ thành ruộng hoang không khai khẩn”.
Một dòng sông ở cực nam Hà Đông cũng góp phần làm nên sự đặc biệt của lịch sử vùng này, được ĐNNTC ghi tên là sông Bản Tân (nay là sông An Tân) với các dòng mô tả: “Ở cách huyện Hà Đông 52 dặm về phía nam, có hai nguồn: một nguồn từ núi Ô La nguồn Hữu Bang, một nguồn từ núi Nha Não, chạy về phía đông qua ấp Tân An, thì hai dòng hợp nhau làm sông Bản Tân (Bến Ván) rồi chảy về phía đông bắc vào đầm An Hòa, đổ ra cửa biển Đại Áp”.
Cửa biển Hiệp Hòa là tên khác của cửa biển An Hòa mà trước đó sử xưa gọi là Đại Áp. ĐNNTC viết về cửa này như sau: “Ở cách huyện Hà Đông 62 dặm về phía đông, lại có tên là cửa biển Hiệp Hòa, là chỗ hai dòng sông Bến Ván và Tam Kỳ ra biển, cửa lạch rộng hơn 40 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc. Đầu đời Gia Long đặt một viên thủ ngữ và một viên hiệp thủ với thủ binh để tuần phòng ngoài biển. Lại có cửa biển Tiểu Áp cách cửa biển Đại Áp chừng 7 dặm, khoảng đời Minh Mạng bị cát lấp nên thủ sở hợp vào với thủ sở Đại Áp”.
ĐNNTC cũng còn ghi chú thêm về tên cũ của các cửa biển này: “Sử chép vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sai bọn du kích tướng quân Lê Hi Cát đem châu sư nhân đêm ra cửa biển Cựu Tọa vào Sa Kỳ để chặn đường về của giặc; vua lại đem châu sư ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ Thiên tử, binh sĩ nổi trống hò reo tiến vào cửa biển Thái Cần. Tân Áp, Cựu Tọa tức là Đại Áp, Tiểu Áp bây giờ”. Cửa Tiểu Áp được người địa phương gọi là Cửa Lở. Cửa biển này sâu cạn không thường do khi lở khi bồi và vị trí vùng lở dịch chuyển theo thời gian; nay thì nó chỉ cách cửa biển An Hòa (thường gọi là cửa Kỳ Hà) bởi núi Bàn Than.
Bàn Than được ĐNNTC gọi là núi Phú Xuân đồng thời mô tả rất rõ nét về vùng núi mà cũng là bán đảo này “Núi Phú Xuân: có tên là núi Bàn Than ở cách huyện Hà Đông 50 dặm về phía đông nam, nằm kề bãi biển cửa Đại Áp về phía bắc; mạch núi nguyên từ núi Chủ sơn kéo về chia ra, quanh co các xã Hòa Vấn và Phú Hòa đến thôn Phú Xuân hạ thì nổi vọt lên một ngọn hình lớn mà tròn, sắc đá đen như than, đứng xa thấy đỉnh núi bằng mà đen, như cái mâm than, nên gọi tên thế; phía đông nam có một dải lũy cổ dấu vết vẫn còn, lại ngoài bãi biển về phía đông nam kết thành nhiều đảo, có hòn Măng, hòn Rùa, hòn Dương”.
Sách PBTL chỉ ghi rõ về các đội thuyền binh có tên Hùng thủy và Thắng thủy trấn giữ các đồn binh ở cửa biển (còn gọi là Tấn biển) Đà Nẵng và Đại Chiêm mà không thấy ghi tên đội thuyền trấn giữ Tấn biển Đại Áp. Có thể vào thời đó, cửa biển này chưa có thuyền bè ghé đến nhiều như hai cửa biển kia chăng? Hay là các đội binh thuyền Hùng thủy và Thắng thủy này đã kiêm quản luôn việc canh phòng ở cửa An Hòa - nơi mà nay là cửa ngõ từ biển vào Khu kinh tế Chu Lai sầm uất?
PHÚ BÌNH
(*) Các trích dẫn trong bài rút ra từ bản dịch của các vị trong Tổ phiên dịch - Viện Sử học Hà Nội: Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh (PBTL, NXB Khoa học, Hà Nội - 1964); Phạm Trọng Điềm (ĐNNTC, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1970)