.

Chuyện cũ làng Bích Ngô

.

Làng Bích Ngô (tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ) nay là các thôn Bích Ngô Đông và Bích Ngô Tây của xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Những người lớn tuổi ở đây còn nhớ nhiều chuyện kể về lai lịch cũng như đặc điểm của làng.

Đường dẫn lên các làng Thạch Kiều và Bích Ngô xưa. Ảnh: P.B
Đường dẫn lên các làng Thạch Kiều và Bích Ngô xưa. Ảnh: P.B

Đầu tiên là chuyện tên làng. Những người lập làng có quê gốc từ miền Nghệ An đến đây từ thời các chúa Nguyễn. Thấy nơi định cư có nhiều cây vông đồng, họ đặt tên nơi mới khai phá là “thôn Cây Vông”; sau đổi sang tên chữ Nho là “Bích Ngô” cho văn vẻ (bích = xanh; ngô = cây vông). Thôn này - cùng với Thạch Kiều, Đức Bố nằm ở ven sông Bến Trảy - là nơi dừng chân của dân đào đãi vàng khắp nam Quảng Nam trước khi lên vùng Bồng Miêu tìm thứ kim loại quý này để nạp thuế cho Nội phủ chúa Nguyễn.

Tiếp theo là chuyện “lửa dậy”. Xưa, thôn này thường có những đám cháy thình lình bất kể đêm ngày - kể cả vào mùa đông. Lửa không phát ra từ trong bếp, cũng không phát ra từ cơn sấm sét mà từ lòng đất vọt lên làm cháy nhà, cháy vườn tược, cây cối, hoa màu… Người địa phương cho đó là “lửa dậy”. Để tránh hỏa tai, họ nhiều năm lập đàn cầu cúng “Bà Hỏa” nhưng không hiệu nghiệm. Vì thế, về sau họ không cầu cúng nữa mà đặt ra điều khoản “ngừa hỏa hoạn” có ghi trong hương lệ; có người còn nhớ một số khoản như: Dập tắt bếp trước khi ra đồng; Làm chòi/chái bếp xa nhà; Không được tự tiện vào nhà người khác xin lửa; Dụng cụ đánh lửa gồm bùi nhùi và đá cuội phải được đặt ở nơi an toàn...

Được nhớ nhiều là chuyện “ngựa Hố Vàng”. Phía tây làng Bích Ngô có cánh đồng khá rộng ven rừng, giữa rừng có khe nước chảy khoét đất thành vũng sâu; vì thế có tên Hố Vàng. Trên cánh đồng này, mỗi lúc cuối ngày, người đi làm đồng về thấy xuất hiện dưới ánh chiều tà hình một con ngựa vàng phi như bay. Những đêm mùa hè, cũng thường thấy ngựa vàng hiện ra, dường như đang gặm cỏ; có khi ngựa xuất hiện ở dòng sông nhỏ cuối cánh đồng. Chuyện kể, ngựa thần thường liếm vào những phiến đá nằm rải rác trên đồng; ở những chỗ nó liếm vào, nước dãi (nước miếng) ngựa thấm trên mặt đá đọng thành hình những đường chỉ vàng sáng rực. Những người tò mò đập vỡ một vài cục đá ấy ra, cũng thấy bên trong những đường vân vàng như thế; họ cho đó là do nước dãi ngựa vàng thấm sâu vào trong lòng đá. Ngựa vàng xuất hiện không thường xuyên; dân làng tin rằng: năm nào có ngựa vàng xuất hiện, năm ấy sẽ được mùa.

Cũng ở cánh đồng nói trên, có ông thầy đồ họ Nguyễn thường ôn bài cho học trò ngay trong khi trò giúp thầy việc đồng áng. Chuyện kể, có lần, một học trò lớn tuổi giúp thầy bừa đất ngoài đồng; đang khi đứng yên trên bừa cho đôi bò kéo đi bỗng nghe thầy hỏi về một câu trong Kinh Thi đã học “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu nghĩa là chi?”. Khi đó, bừa kéo đất vang rào rào; trò nghe không rõ nên không trả lời. Sẵn roi cày trong tay, thầy giận quất vun vút vào không khí; bò nghe tiếng roi lệnh, vọt nhanh tới trước khiến trò trượt chân ngã ngay giữa hai thanh bừa. Trò bị xây xước khắp người vì bị răng bừa cào sau khi bị bò lôi đi một đoạn. Thầy điếng hồn! Từ đó bỏ hẳn chuyện “ôn bài giữa đồng”.

Chẳng bao lâu sau, triều đình bỏ thi chữ Nho, học trò chuyển sang học chữ Quốc ngữ thì thầy cũng bỏ việc dạy chữ thời xưa. Có điều hay là, chẳng rõ thầy đồ họ Nguyễn âm thầm học loại chữ mới khi nào, nhưng sau đó ít lâu, khi viết giúp văn cúng, văn bia hoặc dịch gia phả cho nhà nào, thầy không dùng chữ Nho mà dùng chữ Quốc ngữ. Khi về già, thầy chọn sẵn huyệt mộ cho mình và dặn người nhà cùng học trò: Sau khi thầy qua đời, chỉ được làm mộ đất và dựng tấm bia xi-măng (đầu thế kỷ XX đã có xi-măng) viết bốn chữ Quốc ngữ “Nao bản hâu cai” trên mặt bia trước khi ghi chi tiết cũng bằng Quốc ngữ về người nằm trong mộ. Mọi người thắc mắc về ý nghĩa của bốn chữ rất lạ kia, thầy trả lời: Đó là nói lái bốn chữ (hai chữ Nho và hai chữ Nôm) “nan bảo (khó giữ) hai câu” để nhắc mọi người về sau nhớ hai câu trong sách xưa “Vị quy tam xích thổ, nan bảo bách niên thân/ Ký quy tam xích thổ, nan bảo bách niên phần” (Chưa chết để được chôn dưới ba tấc đất, khó ai đoán là mình có thể sống lâu tới trăm năm hay không?/ Nằm dưới ba tấc đất rồi, khó đoán mộ của mình sẽ tồn tại được đến trăm năm hay không?)

Đến nay, tuy chưa tìm được dấu tích tấm bia trong câu chuyện (có thể là giai thoại) trên, nhưng tại mộ một ông Tiền hiền tộc Nguyễn làng Bích Ngô ở phía nam nghĩa trang Gò Trầu xã Tam Xuân 1 có một bài thơ về sự tích lập làng rất hay - được cho là do ông thầy đồ họ Nguyễn nói trên viết giúp: “Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ thần thánh mới làm đình/ Đào ao đắp đập phòng trời hạn/ Lọc cát bòn vàng nạp thuế thanh/ Lịch sử vì đâu lưu lạc mất/ Tám câu xin ứng nghĩa đồng thanh”. Đây là bài thơ miêu tả hết sức chân thực hoàn cảnh ban đầu các lưu dân từ phía Bắc đến khai phá rồi tạo dựng làng Bích Ngô - mà cũng là hoàn cảnh chung của các lưu dân ở kim hộ thuộc (đơn vị hành chính quy tụ dân đào đãi vàng ngày trước) - sống ở khắp vùng nam Quảng Nam xưa.

Đến vùng ven các con sông Tam Kỳ, Bà Bầu và Bến Trảy sẽ tìm thấy nhiều dấu tích của việc “đào ao đắp đập” để trồng lúa; tìm thấy nhiều câu chuyện lưu truyền trong các họ tộc về việc ông bà họ đi “lọc cát bòn vàng” để nộp thuế. Đình làng Bích Ngô nay không còn nữa nhưng tên các xứ đất, tên các cánh đồng được người xưa “khẩn ruộng” vẫn được nhiều người còn nhớ. Ở thôn Bích Ngô, hiện không còn nhiều tư liệu ghi chép về lịch sử làng cũng như lịch sử gia tộc đúng như câu kết trong bài thơ được cho là của ông thầy đồ họ Nguyễn “Lịch sử vì đâu lưu lạc mất?”.

Trong quá trình đi tìm hiểu về làng xã ven các con sông ở vùng Tam Kỳ xưa, người viết được nghe kể các câu chuyện trên từ hồi ức của các vị cao niên ở địa phương và từ ghi chép của ông Lê Văn Phu - giáo viên hưu trí ở xã Tam Xuân 2. Cùng với đó, chúng tôi đã đến tận nơi tra cứu các văn bia của cư dân thôn Bích Ngô xưa và may mắn chép lại được một ít chi tiết về lịch sử làng cùng bài thơ rất giá trị trên.

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.