.

Ngôi chùa "nhập thế"

.

Ở thành phố Hội An có một ngôi chùa thờ Phật nằm giữa khu dân cư đông đúc lại rất gần cảng sông và chợ, thể hiện tinh thần “nhập thế” rất cao của giới tu hành. Trong lịch sử của chùa lại có một vị trụ trì được nhân dân tôn là “Phật tử xuất thế”. Đó chính là chùa Quan Âm và Hòa thượng trụ trì Minh Giác.

   Cổng chùa Quan Âm với câu kệ của ngài Huệ Năng.
Cổng chùa Quan Âm với câu kệ của ngài Huệ Năng.

Chùa Quan Âm

Chùa Quan Âm hiện nằm trên đường Nguyễn Huệ, phường Minh An, thành phố Hội An. Chùa mang nhiều tên. Lúc đầu có tên là Di Đà, sau đó nhập với chùa Chiên Đàn nên còn có tên là Chiên Đàn Lâm. Chùa do người Minh Hương xây dựng cùng những thiết chế văn hóa khác của làng nên được nhiều người gọi là Minh Hương Phật tự. Hiện nay, chùa có tên chính thức là Quan Âm Phật tự (theo công bố của Ban Quản lý di sản Hội An). Còn dân chúng quen gọi là chùa Bà (để phân biệt với chùa Ông thờ Quan Công gần đó).

Niên đại chính thức xây chùa chưa rõ. Theo tư liệu còn lưu lại ở chùa Long Tuyền Hội An thì: “Chùa Di Đà (tức Chiên Đàn Lâm - Minh Hương Phật tự) do người Minh Hương xây dựng năm Kỷ Mùi 1679 dưới thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Tần”. Nhưng trên văn bia ở Quan Thánh miếu lập năm Khánh Đức thứ 5 (Lê Thần Tông 1753) lại cho biết: “Quan Thánh Đế miếu, Quan Âm Phật tự bổn hương đỉnh kiến bách hữu dư niên hỹ”. (Tạm dịch: Miếu Quan Thánh Đế, chùa Phật Quan Âm của làng ta đã lập nên hơn trăm năm rồi vậy). Như vậy so với mốc 1769, chùa được xây dựng sớm hơn ít nhất là 24 năm, từ năm 1653. Với niên đại này, chùa Quan Âm được xem là ngôi chùa thờ Phật đầu tiên được xây ở Hội An, có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam của các tổ sư Trung Hoa và Việt Nam.

Quan Âm Phật tự còn nhiều điều “đặc biệt” khác:

Nhiều vị cao tăng từng sống ở chùa Quan Âm sau này trở thành các vị sư trụ trì đầu tiên của các ngôi chùa lớn khác ở Hội An: Tổ Minh Hải (người đi theo Thích Đại Sán), đã tu tại đây một năm, năm sau (1697) ra xây dựng chùa Chúc Thánh; Tổ Minh Lượng cũng ở tại đây đến bốn năm, đến năm 1700 mới ra khai sơn chùa Vạn Đức; Tổ Minh Giác cũng từ đây rồi mới về dựng chùa Phước Lâm (Cẩm Hà).
Năm 1795, Thích Đại Sán (Sư Thạch Liêm) nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đến nước ta hoằng pháp, đã ở tại chùa 2 lần (lúc đến và về). Lần thứ hai ngài đã mở đàn tại đây để truyền giới cho 300 người. Sách Hải ngoại ký sự cho biết: “Sáng bữa sau (tức mồng 2 tháng Bảy) trú ở chùa Di Đà. Nhà chùa chật hẹp, không đủ chỗ chứa đông người, phải phân tán ở Quan Âm Đường và các nơi khác” “Tăng tục luôn luôn đến xin truyền giới. Nhơn nghĩ còn 10 ngày nữa mới khai thuyền, bọn chúng đã thành tâm khẩn cầu, tiếc chi khó nhọc hai ba ngày không thành tựu cho vẹn toàn công đức; bèn truyền rao xa gần hẹn đến ngày mồng 7 truyền giới. Đến ngày kỳ hẹn, chúng giới tử trên 300 người đều thụ giới hoàn tất”. (Viện Đại học Huế, 1958, trang 154, 158).

Chùa Quan Âm là nơi còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, khoa học, văn hóa và nghệ thuật. Đáng chú ý nhất là 5 tấm bia (có 2 tấm ký gửi) cho biết danh tánh những người công đức trong các lần trùng tu cũng như những lần đổi tên chùa (1904 đổi tên từ Di Đà sang Chiên Đàn; 1943 từ Chiên Đàn Lâm sang Minh Hương Phật tự). Ngoài ra, còn có nhiều bức hoành phi đẹp, sơn son thếp vàng có ý nghĩa thâm diệu như: Từ ân vĩnh trì (Ơn lành độ trì mãi), Viên đạo giáo (Đạo tròn đầy); hay câu kệ của Ngài Huệ Năng: Bồ đề bản vô thụ/ Minh kính diệc phi đài/ Bổn lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai (Bồ đề chẳng phải cây, Gương sáng chẳng phải đài, Tự tánh không một vật, Bụi bặm bám vào đâu). Và nhất là các tác phẩm điêu khắc gỗ rất tinh xảo do các nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng thực hiện, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc gỗ của xứ Quảng.

Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại của khu phố cổ, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ rất sớm (1991) nhưng lại là ngôi chùa từ nhiều năm nay không có các tăng sĩ tu đạo và vì thế không có một vị trụ trì (nhiều năm chùa được dùng làm trụ sở UBND phường rồi Bảo tàng, nơi trưng bày các hiện vật về Di tích lịch sử văn hóa Hội An).

Việc ngôi chùa thờ Phật nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc, rất gần chợ và bến cảng là một hiện tượng độc đáo, thể hiện tinh thần “nhập thế” rất cao của người sáng lập, tu hành phải luôn gắn bó với đời thường.

Một vị sư trụ trì “độc đáo”

Vào đầu thế kỷ XIX, ở chùa Di Đà diễn ra một sự kiện đặc biệt. Tăng sĩ của chùa và tín đồ đã rước người quét rác ở chợ Hội An về chùa tôn là Minh Giác Hòa thượng và đưa lên vị trí trụ trì chùa.

Chuyện kể, Minh Giác Hòa thượng có tên tục là Võ Đức Nghiêm người huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi. Từ 12 tuổi đã xuất gia đầu Phật, sau đó đi vân du khắp nơi, đến tu tại chùa Phước Lâm, làng Thanh Hà (nay là phường Cẩm Hà, thành phố Hội An). Tu tại đây 10 năm, ông trở về làng cũ. Khi người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi nổi dậy, ông rời chùa gia nhập quân đội. Lập được nhiều chiến công, làm đến chức chỉ huy. Dẹp giặc xong ông cởi áo lính, quay lại Hội An và phát nguyện lãnh việc quét chợ trong suốt 20 năm. Dù công việc nhọc nhằn bẩn thỉu nhưng lúc nào cũng vui vẻ. Nhân dân trong vùng biết đó là một nhân vật phi thường nên rất mực kính trọng. Tiếng đồn lan rộng, chùa Di Đà liền rước ngài về tôn làm Hòa thượng và mời làm trụ trì. Giới tăng sĩ ở Hội An rất kính nể, xem ngài là bậc chân tu.

Hòa thượng Minh Giác qua đời ở chùa Di Đà năm 80 tuổi. Nhân dân và tín đồ Phật giáo vô cùng thương tiếc gọi ngài là “Phật tử xuất thế”. Một nhân sĩ ở Hội An đã vinh danh ngài bằng câu đối viếng:

Bình man, tảo thị, lưỡng độ gian lao; xuất gia kỳ, phát nguyện vưu kỳ, bát trật sinh thiên thành chính quả/ Tạo tự, chú chung, nhị thung công đức; cách cựu hảo, đỉnh tân cố hảo, thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng.

(Tạm dịch: Dẹp giặc, quét chợ, mấy độ gian lao; xuất gia lạ, phát nguyện càng thêm lạ, hưởng thọ tám mươi thành chính quả/ Làm chùa, đúc chuông, biết bao công đức; sửa cũ tốt, làm mới lại càng tốt, dạy đời muôn thuở sáng như đèn).

Ngôi chùa “giữa đời” và vị sư “xuất thế” quả là hiện tượng “độc đáo” trong việc hành đạo, đã gắn đạo với đời một cách cụ thể.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.