Trên một ngọn đồi cây cối rậm rạp ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, có Lăng mộ Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan, một nhân vật lịch sử nổi tiếng của thời Tây Sơn và triều Nguyễn.
Toàn cảnh lăng mộ (ảnh trái) và mộ Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan. Ảnh: T.M |
Theo sử sách lưu truyền, Lê Văn Hoan, sinh năm 1758 tại Hòa Vinh, nay thuộc thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đầu thế kỷ XVIII, ông được Nguyễn Huệ chiêu mộ làm binh sĩ thuộc quyền, chuyên huấn luyện đội tượng binh với hàng trăm con voi. Do có công quản tượng binh rất giỏi nên ông được vua Quang Trung phong chức Đô đốc Quản doanh Tượng binh. Chính ông đã trực tiếp chỉ huy đội tượng binh hơn 100 con cùng với Đô đốc Hữu quân Lê Văn Long và Đô đốc Đặng Xuân Bảo, hai danh tướng triều Tây Sơn tiến quân thần tốc ra đất Bắc để đại phá quân Thanh xâm lược.
Ngày mồng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, các cánh quân của nghĩa binh Quang Trung đã đánh chiếm nhanh chóng các đồn Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Văn Điển và Yên Quyết. Các tướng của giặc Thanh như Trương Triệu Long, Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng đều tử trận. Với khí thế hừng hực tấn công, Đô đốc Quản doanh Tượng binh Lê Văn Hoan cùng với Đô đốc Hữu quân Lê Văn Long dẫn quân đánh chiếm đại đồn Khương Thượng. Trước sức mạnh như thác lũ của quân Tây Sơn, đồn Khương Thượng thất thủ, chủ tướng giặc Thanh là Sầm Nghi Đống run sợ phải treo cổ trên cành cây đa tự vẫn. Xác giặc Thanh ngổn ngang, chất cao thành đống bên cạnh gốc cây đa nên ngay tại chiến trường này sau đó dân gian thường gọi là gò Đống Đa.
Mồng 5 tháng Giêng Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Huệ cùng với đội tượng binh của Lê Văn Hoan và các danh tướng nhà Tây Sơn tiến vào kinh đô Thăng Long như lời của vua Quang Trung tuyên bố từ ngày 20 tháng Chạp năm trước. Sau khi đánh dẹp giặc Thanh, Đô đốc Quản doanh Tượng binh Lê Văn Hoan trở về tiếp tục cuộc đời binh nghiệp cho nhà Tây Sơn.
Tháng 8-1792, vua Quang Trung băng hà, con trai thứ là Nguyễn Quang Toản lên ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Năm 1799, nhà Tây Sơn mạt vận, vua Nguyễn Quang Toản nhu nhược để triều thần náo loạn, tranh giành, chém giết, sát hại lẫn nhau. Nhận biết vương triều nhà Tây Sơn đang trên đà hấp hối, suy tàn, Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) lợi dụng cơ hội này xua quân tiến đánh và quân của triều Cảnh Thịnh bị lâm vào thế cô lập hoàn toàn. Trước tình thế đó, Đô đốc Quản doanh Tượng binh Lê Văn Hoan quyết định tạm gác binh đao nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho các binh sĩ dưới quyền rồi quay trở về quê hương. Đàn voi của nhà Tây Sơn bị triều Nguyễn thu giữ.
Năm 1802, do không thể tìm được người có tài năng để chỉ huy đội binh tượng quá hung hãn nên vua Gia Long bèn phải xuống chiếu triệu hồi tha tội chết cho Lê Văn Hoan đồng thời lưu dung vị tướng này để tiếp tục cai quản, huấn luyện đàn voi chiến cho triều Nguyễn. Lúc đó ông mới ngoài 40 tuổi, vì quá nặng lòng, thương xót đàn voi mà ông đã dày công chăm sóc, nuôi dưỡng và tập luyện mới trở thành đội tượng binh thiện chiến, nên ông đành nhận lời vua Gia Long để được quản binh tượng.
Đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820) ông được thăng chức Thị nội Vệ úy, trông coi 3 cơ tượng quân, rồi tiếp tục thăng chức Chưởng cơ, vẫn trông coi 3 cơ tượng như cũ. Năm 1825, vua xuống chiếu cho ông chỉ huy 5 cơ tượng và thăng thự Tượng quân Thống chế, chuyên cai quản cơ Hùng cự và Ngũ kích.
Tháng 7-1827, quân Xiêm La xâm phạm nước Ai Lao (Lào) rồi tiến đánh chiếm cả Lạc Hoàn, Kỳ Sơn, Nghệ An. Vua Minh Mạng liền cử Đô đốc Quản doanh Tượng binh Lê Văn Hoan đem đội binh tượng ra Nghệ An trấn giữ biên giới, đánh dẹp giặc. Sau khi đánh đuổi được quân Xiêm La ra khỏi bờ cõi nước nhà trở về, Lê Văn Hoan được vua Minh Mạng trọng thưởng và thực thụ chức Đô thống chế Chưởng phủ sự.
Ngày 7-4 Mậu Tý (1828), Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan lâm bệnh qua đời. Ghi nhận công trạng của ông, vua liền ban thưởng cho gia đình ông 200 lạng bạc tiền tuất, 5 cây gấm hoa, con trai ông là Lê Văn Tạo được bổ chức Cai đội Thí sai Thị tượng quản cơ. Thi hài ông được con trai đưa về an táng tại quê nhà.
Tấm văn bia giữa lăng mộ của ông được chạm khắc các dòng chữ nho cũ kỹ, bị phai mờ theo lớp bụi thời gian với nội dung là “Minh Mạng cửu niên thất nguyệt thập tứ nhật” nghĩa là (lăng mộ) được lập ngày 14 tháng 7 năm Minh Mạng thứ chín (1828). Cũng căn cứ theo văn bia thì lăng mộ của ông do con trai Lê Văn Tạo lập, ghi rõ chức Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan.
Ông Thái Bá Cân, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của UBND xã Hòa Phong, dẫn lời các vị cao niên trong làng Cẩm Toại kể rằng, dân làng ngày trước đã từng nhìn thấy trong các buổi sáng sương khói giăng mờ một vị tướng mặc áo gấm hoa, dáng mạo oai phong, lẫm liệt ung dung trên bành voi từ trên đồi cao đi xuống… Có lẽ những câu chuyện huyền bí ấy cũng chỉ là sự ngưỡng mộ của dân làng bởi hình ảnh về vị tướng đức độ, tài năng ấy luôn ở trong lòng dân chúng!
Lăng mộ của Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan tọa lạc trên khu đất khá rộng, xung quanh rất thưa thớt mộ, nép mình dưới những tán bạch đàn cao vút, cỏ cây lút cả lối đi tìm. Đứng nấp sau hai trụ biểu là tượng hai con voi đứng uy nghi đối đầu với nhau. Hình ảnh này cho thấy, người nằm dưới nấm mộ chính là danh tướng binh tượng của hai triều đình đối nghịch nhau. Riêng phần nấm mộ thì lấp xấp sát mặt đất. Năm 1961, dân làng Cẩm Toại góp công, góp của tu sửa lại lăng mộ, song do mộ tạo dựng cách đây đã gần 200 năm nên bị xuống cấp trầm trọng và đang trong tình trạng hoang phế...
THÁI MỸ
Nguồn: Dẫn theo tư liệu của nhà nghiên cứu Lê Duy Anh trong bài viết “ Mộ Lê Thống tại Cẩm Toại chính là Tướng công Lê Văn Hoan” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng ( Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng) số 6-2015, trang 88-91.