Chuyện xưa Xứ Quảng

Bí ẩn của tấm bia cổ trong gốc đa

.

Một tấm bia đá nằm giữa gốc đa cổ thụ ở Hội An được phát hiện khá lâu rồi với những đánh giá, nhận xét bước đầu khác nhau của các nhà nghiên cứu. Hiện tại cũng có nhiều người cho rằng tấm bia cổ này vẫn còn gói ghém, chôn vùi, ẩn giấu nhiều điều bí mật lạ lùng và đang cần những lời giải thật thuyết phục của các nhà nghiên cứu, khảo cổ.

Tấm bia bằng đá còn nguyên hình, không bị sứt mẻ, hư hỏng chút nào. Ảnh: T.M
Tấm bia bằng đá còn nguyên hình, không bị sứt mẻ, hư hỏng chút nào. Ảnh: T.M

Qua các đợt sưu tầm, năm 1985, Ban quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản Hội An) phát hiện một tấm bia lạ bên trong gốc cây đa cổ thụ ở cuối đường Phan Châu Trinh, nay thuộc khối 4, phường Cẩm Phô, TP. Hội An, Quảng Nam.

Nghiên cứu sơ bộ bước đầu, cơ quan quản lý di tích nhận định đây là tấm bia có ảnh hưởng rất lớn về tín ngưỡng đời sống dân gian đầy huyền bí, song chưa có cơ sở kết luận một cách chính xác nó được tiền nhân dựng lên với mục đích gì. 

Những dòng chữ được viết theo lối trấn yểm huyền bí

Mãi đến ngày 22-11-1991, Ban quản lý Di tích Hội An tiến hành chặt phá các bụi rễ cây đa bu bám và vây kín mít tấm bia cổ cao chừng 1 mét, rộng 0,6 mét, dày 0,2 mét để nghiên cứu. Tấm bia bị rễ đa um tùm bu bám, cho thấy tấm bia này đã xuất hiện rất lâu đời, có thể lúc đó chưa có cây đa cao lớn như bây giờ.

Bao bọc quanh tấm bia là cái am nhỏ được xây bằng gạch thẻ gồm nhiều kích cỡ đặt chồng, xếp lên nhau nhưng không có hồ kết dính như cách xây gạch thông thường, song bên ngoài phần tường có vết tích của vôi vữa.

Các thông tin được chạm khắc trên tấm bia đá từng bước được đưa ra nhiều giả thuyết. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, để bảo vệ tấm bia, con người thuở xưa đã xây dựng cái am nhỏ hình vòm trông giống như một cái hang, mặt tiền để trống còn xung quanh xây kín.

Cái am “che chở” cho tấm bia này nằm dưới gốc đa qua hàng trăm năm nên đã bị rễ cây phủ kín. Tấm bia bằng đá còn nguyên hình, không bị sứt mẻ, hư hỏng chút nào. Các dòng chạm khắc bằng chữ Hán-Nôm bị lu mờ, song dùng bột trắng chà xát thì có thể đọc được.

Nội dung văn bia được các nhà nghiên cứu khảo cổ đánh giá đây là tấm bia khá đặc biệt. Họ chia nội dung chạm khắc trên tấm bia ra làm 3 phần, cụ thể như sau:

Phía trên cùng được khắc 3 vòng tròn, dưới cái vòng tròn chính giữa là một hàng chữ khắc sâu hơn, rõ nét “Bắc đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo”. Tuy viết theo kiểu chữ Nôm nhưng vì người xưa viết theo lối trấn yểm huyền bí nên rất ít người hiện tại có thể dịch được cũng như diễn giải ý nghĩa của dòng chữ này.

Lúc đó, Ban quản lý di tích Hội An đã mời một sử gia tên tuổi đọc giúp hàng chữ trên và người này cho biết đại khái rằng đây là một câu của người phương Đông theo đạo Lão dùng với mục đích trấn yểm. 

Dưới vòng trong bên trái của tấm bia khắc hình sao Bắc Đẩu thẳng đứng. Dọc theo thân bia khắc 7 vòng tròn nối nhau bằng một vạch thẳng. Đây là hình tượng của sao Nam Tào. Tiếp đến phía dưới nữa là hàng chữ “Án ma ni bát mê hồng”.

Phía dưới khắc 3 đạo bùa, lá giữa hình vuông, hai lá hai bên nhỏ hơn hình chữ nhật. Các nhà nghiên cứu cho rằng những lá bùa này rất giống với các lá bùa ém yểm được ghi trong sách của các đạo sĩ, thầy phù thủy, thầy địa trước đây.

Phần dưới cùng là hàng chữ “Thái Nhạc sơn”. Với 3 chữ này, các nhà nghiên cứu cho đây là biểu tượng về sự to lớn, là Thái Sơn Bắc Đế, nơi cư ngụ của thần Bắc Đế.

Bao giờ mới “vén màn” bí mật?

Căn cứ vào nội dung được chạm khắc trên tấm bia, một số nhà nghiên cứu đã tạm thời kết luận: Đây là một tấm bia mà người xưa dùng trấn yểm thủy đạo để bảo vệ cộng đồng cư dân trong vùng Tú Lễ, xã Cẩm Phô, Hội An ngày trước.

Ngày xưa, hướng bắc của tấm bia có một đầm nước khá rộng, là nơi tiếp nhận dòng nước từ khe Ồ Ồ và các lạch nước từ sông Đế Võng cũng như đầm Trà Quế đổ về theo hướng bắc-nam. Đầm nước hồi trước chạy dài từ đường Nhị Trưng bây giờ cho tới ngã ba Tin Lành (nơi giao nhau giữa 3 con đường Hùng Vương - Trần Phú và Phan Châu Trinh, điểm tọa lạc của nhà thờ Tin Lành hiện tại).

Ngày xưa, người dân vùng hạ lưu rất coi trọng việc trị thủy. Có nhiều khả năng những lạch nước đầm lầy này gây ra lũ lụt kinh hoàng nên dân làng đã dựng bia trấn yểm nhằm trị thủy, cầu mong cuộc sống luôn bình yên.

Các nhà nghiên cứu cũng cho đây là tấm bia yểm có liên quan về tín ngưỡng, tâm linh đến việc thờ phụng thần Bắc Đế. Ở phố cổ Hội An, vị thần này còn được gọi bằng các tên khác nhau như Bắc Đế Trấn Võ, Huyền Thiên Đại Đế. Đây chính là vị chủ thần đang được thờ cúng tại chùa Cầu, là vị thần chủ về phương Bắc.

Theo thuyết ngũ hành, phương Bắc ứng với hành thủy, có sức mạnh diệt trừ thủy quái. Quan niệm này được khởi nguyên từ Trung Hoa cổ đại và nền văn hóa của Hội An từ lâu đời đã kết hợp bằng các luồng văn hóa Hoa, Nhật, Ấn Độ, Việt nên tấm bia này cũng đã thể hiện khá rõ nét sự giao lưu đó.

Về niên đại của tấm bia cũng chưa có ai đưa ra mốc thời gian được. Có ý kiến còn cho rằng đây là tấm bia do người Nhật đặt để yểm cái đuôi của con cù. Bia được dựng cùng năm các thương gia Nhật Bản góp tiền xây dựng chùa Cầu... 

Một dạo, có những lời đồn thổi hoang đường làm cho những người hiếu kỳ gần xa nườm nượp lui tới đây. Hiện tại, tấm bia đang nằm trong gốc đa phía bên trong một khu đất rộng, nếu đi ngoài đường Phan Châu Trinh không thể phát hiện.

Được biết khu đất này đã chuyển quyền sử dụng cho tư nhân, chưa có cổng ngõ chắc chắn nên người ra vào cổng rất tự do. Đây là tấm bia cổ đang còn những ẩn số kỳ bí, vì vậy việc bảo vệ tấm bia cũng cần phải tính đến khi nó chưa được giải mã một cách chính xác.

THÁI MỸ
 

;
.
.
.
.
.
.