Thủy tổ tộc Mạc làng Trà Kiệu

.

Thủy tổ của tộc Mạc làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là Mạc Cảnh Huống (1542 - 1677). Theo gia phả tộc Mạc xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên), họ Mạc quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương; nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng.

Khu lăng mộ của Thống thủ Mạc Cảnh Huống nhỏ hẹp nằm trong khu dân cư.  Nguồn: duyxuyenrt.vn
Khu lăng mộ của Thống thủ Mạc Cảnh Huống nhỏ hẹp nằm trong khu dân cư. Nguồn: duyxuyenrt.vn

Mạc Cảnh Huống là con út của Thái Tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang, là em của Hiển Tông Mạc Phúc Hải, Minh Vương Mạc Phúc Tư, Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Năm 1564, Mạc Cảnh Huống kết hôn với bà Nguyễn Thị Ngọc Dương, là em gái của phu nhân Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng.
Năm 1568 dưới thời vua Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592), ông đưa gia đình vào Đàng Trong lập một làng mới ở vùng Cửa Tùng, tổng Minh Lương, huyện Minh Linh (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng lấy tên là làng Cổ Trai. 

Sau khi Nguyễn Hoàng trở vào Thuận Hóa lần thứ hai năm 1600 và lên ngôi chúa thì Mạc Cảnh Huống cùng Nguyễn Ư Kỷ và Tống Phước Trị trở thành bộ ba phụ tá đắc lực cho chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tháng 10 năm Quang Hưng thứ 3 (1580), Khiêm Vương Mạc Kính Điển qua đời, hai người con gái của ông là Quận chúa Mạc Thị Giai lúc bấy giờ mới 15 tuổi cùng em là Quận chúa Mạc Thị Lâu rời bỏ quê hương vào Đàng Trong tìm người chú ruột là Mạc Cảnh Huống để nương thân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dương vừa là thím của Quận chúa Mạc Thị Giai vừa là dì ruột của Nguyễn Phúc Nguyên, nhờ mối quan hệ đó mà Quận chúa Mạc Thị Giai đã được tiến cử vào hầu nơi tiềm để (ngôi nhà của vị vua lúc chưa lên làm vua - ĐNCT) của Thái tử Nguyễn Phúc Nguyên, sau trở thành hậu của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.

Mạc Cảnh Huống có tài quân sự, ông đã hoạch định chiến lược quân sự cho chúa Nguyễn, góp phần củng cố nền thống trị của nhà Nguyễn buổi ban đầu. Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, ông đã đóng góp nhiều công lao trong cuộc Nam tiến đánh chiếm Đồng Xuân và Tuy Hòa của Champa vào năm 1611, mở rộng biên cương về phía Nam. Để ghi nhớ công lao của ông, năm 1617 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tấn phong ông chức Nguyên huân Sư Thống thủ Thống Thái phó.

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái trưởng của mình là Nguyễn Phúc Ngọc Liên cho con trai trưởng của Mạc Cảnh Huống là Mạc Cảnh Vinh, sau đó ban quốc tính Nguyễn Phước cho ông và gia đình.

Trải qua 3 đời chúa từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, qua chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên rồi đến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, suốt 38 năm liên tục (từ năm 1600 đến 1638), Mạc Cảnh Huống là người chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, là người vạch ra chiến lược quân sự chống quân Trịnh ở phía Bắc và bình định quân Chiêm ở phía Nam.

Vì thế, sử sách nhà Nguyễn đã đánh giá cao sự đóng góp của ông trong việc xây dựng vương triều Nguyễn buổi sơ khai: “Khi Thái tổ Hoàng Đế vào Nam trấn Thuận Hóa, Tống Phước Trị sớm dâng bản đồ sổ sách trong xứ, lại cùng Uy Quốc công Nguyễn Ư Kỷ, Thống binh Mạc Cảnh Huống đồng tâm tận lực phụ tá vương thất, thật có công trạng trong thời quốc sơ vậy.

Cảnh Huống dần dần làm quan tới chức Thống binh, góp mưu nơi màn trướng công lao phụ tá buổi quốc sơ ngang với Nguyễn Ư Kỷ, Tống Phước Trị”. (Đại Nam liệt truyện tiền biên, tr.130, 132)
Năm Mậu Dần (1638), Mạc Cảnh Huống (96 tuổi), ông xin về hưu, chọn làng Trà Kiệu để định cư và trở thành thủy tổ của tộc Mạc của làng này. Tộc Mạc Trà Kiệu đổi theo quốc tính Nguyễn Phước được 5 đời, đến thời Tây Sơn phải đổi thành họ Nguyễn Trường và giữ họ này cho đến nay.

Vua Duy Tân lên ngôi (1907 - 1916) ngày 24-12 năm Duy Tân thứ nhất (1907) đã ban sắc phong truy tặng Mạc Cảnh Huống là Khai quốc công thần. Sắc phong ghi:

“Triều trước Thống binh Thái phó được truy phong Nguyên huân Nguyễn Trường Huống, chí lớn nuốt trôi sao Đẩu, dũng khí cầm ngang ngọn giáo, coi khinh mưu lược Vệ Khanh, Anh Bố, hoài nhớ tài cao Quản Trọng, Khổng Minh... Nay đặc cách truy tặng Khai quốc công thần Đặc tiến Tráng võ Tướng quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự”.

Mạc Cảnh Huống rất sùng đạo Phật nên khi vào Đàng Trong, lúc ở làng Cổ Trai (Quảng Trị) ông đã xây dựng Lam Sơn Phật tự, đến khi nghỉ hưu định cư ở làng Trà Kiệu, ông trùng tu ngôi chùa trên đồi Bảo Châu là Bảo Sơn Phúc (Bảo Châu sơn tự) và trụ trì với pháp danh Thuyền Cảnh Chân Tu.

Tại đây, ông thực hành các phương pháp Thiền Phật giáo, tương truyền ông đạt đến trạng thái trở về hoàn toàn bản lai; nhờ thế, ông đã thọ đến 135 tuổi, được nhân dân trong vùng và dinh Quảng Nam tôn vinh như vị Phật sống (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương).

Mạc Cảnh Huống là bậc Khai quốc công thần đã đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng vương triều Nguyễn ở buổi sơ khai. Ông là thủy tổ của tộc Mạc ở Trà Kiệu, với công đức tu hành ông được nhân dân ở đây thờ phụng, tôn kính là vị Phật sống, là phúc thần bảo hộ cho làng.   

     Châu Yến Loan

;
.
.
.
.
.
.