Cuốn địa bạ hơn 200 năm tuổi

.

Ở làng Tứ chánh An Hà xưa - nay thuộc khối phố An Hà Trung, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ - một trong những ngôi làng cổ nhất của vùng Nam Quảng Nam, có một gia đình còn giữ được tập tư liệu quý: đó là cuốn sổ bộ ruộng đất của làng này được lập và được triều Nguyễn công nhận cách nay hơn 200 năm.
 

Trang đầu cuốn địa bạ làng Tứ chánh An Hà.
Trang đầu cuốn địa bạ làng Tứ chánh An Hà.

Cuốn địa bạ viết trên 80 trang hai mặt chữ Nho này là sổ bộ ruộng đất chính thức của làng Tứ chánh An Hà được hoàn thành vào năm Gia Long thứ 13 (1814) và được lưu vào kho lưu trữ địa bạ cả nước tại triều đình Huế, về sau một số bản chính (gọi là bản Giáp) còn được tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Các bản chính địa bạ cả nước nói trên đã được một nhóm nghiên cứu - chủ trì là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - tra cứu, dịch, chú thích, hệ thống trong khoảng từ năm 1978 và giới thiệu cùng xuất bản các bản “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn” từng phần trong thập niên từ 2000-2010.

Phần nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn phạm vi tỉnh Quảng Nam - được xuất bản thành hai tập dưới tên “Dinh Quảng Nam I” và “Dinh Quảng Nam II” do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản tháng 11 năm 2010, nhà nghiên cứu nói trên đã giới thiệu:

Xã (xưa còn gọi là làng) Tứ chánh An Hà được phân tháp vào địa giới tổng Hưng Thịnh hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam thời đầu triều Nguyễn.

Xã/làng này có tổng diện tích là 135 mẫu, 2 sào, 7 thước, 8 tấc với tứ cận như sau: “Đông giáp xã Quảng Phú (tổng Hưng Thịnh hạ huyện Lễ Dương), xã Ngọc Sơn (thuộc Liêm hộ, huyện Hà Đông) lấy bờ gò làm giới. Tây giáp xã An Thái (tổng An Thái trung, huyện Lễ Dương) lấy thủy đạo làm giới. Nam giáp xã Quảng Phú, xã An Thái lấy bờ ruộng làm giới. Bắc giáp xã An Thái lấy bờ ruộng làm giới” (sđd trang 283).

Các chi tiết trên hoàn toàn có thể tìm thấy trong phó bản (gọi là bản Bính) lưu trên 200 năm (1814-2018) ở làng Tứ chánh An Hà. Điều hay là qua các thời kỳ chiến tranh từ 1947-1954 rồi 1960-1975, cuốn sổ này vẫn được bảo quản nguyên vẹn.

Mãi đến khi cụ Ngô Duy Trí (1925-2015), gốc người làng này, tập kết ra Bắc năm 1955, hồi hương sau ngày thống nhất năm 1975, bắt tay vào việc nghiên cứu gia phả các tộc họ trong làng thì bản địa bạ lâu đời này mới được tìm thấy. Sau khi cụ Trí qua đời, con trai cụ là thầy giáo hưu trí Ngô Tấn Dũng tiếp tục bảo quản địa bạ tại ngôi nhà thờ thân phụ của mình.

Do không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp trên lĩnh vực ruộng đất - nhất là trong bối cảnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp từ sau năm 1975 đến khoảng năm 1990 - cụ Ngô Duy Trí không để tâm nghiên cứu cuốn địa bạ này.

Mãi đến năm 2013, khi chúng tôi (NV) tìm đến thì cụ chỉ mới vừa đọc xong và hệ thống tên cùng diện tích tổng quát của từng xứ đất được kê trong cuốn địa bạ nói trên chứ chưa đối chiếu được với bản chính thức được lưu ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia TP. Hồ Chí Minh (sau được biết là đã chuyển về lưu trữ ở Hà Nội).

Sau khi cụ Trí qua đời, chúng tôi được người bảo quản cho phép tiếp cận cuốn sổ bộ ruộng đất nói trên để tiếp tục tìm hiểu - trên cơ sở một số điểm cụ Trí đã ghi chú từ trước. Có thể tóm tắt diện mạo bản Bính - địa bạ làng Tứ chánh An Hà như sau:

Cuốn địa bạ này được ký duyệt vào ngày 27 tháng 2 âm lịch niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814) gồm 80 tờ viết hai mặt giấy. Cuối cuốn địa bạ có ba văn bản của hào lý các xã Quảng Phú ký ngày 15-9-1812, xã Ngọc Sơn ký ngày 12-1-1812 và xã An Thái ký ngày 16-10-2012 xác nhận giới hạn tiếp giáp địa lý giữa ba làng này với làng Tứ chánh An Hà. Đó là cơ sở pháp lý - còn gọi là xác nhận tứ cận - rất quan trọng mà bất cứ giấy tờ ruộng đất nào, tư cũng như công, cần phải có.

Tất cả 80 trang địa bạ và ba văn bản đính kèm trên đều được đóng dấu kiềm giáp lai của một ty phụ trách việc lập bộ. Dấu kiềm này có bốn chữ triện “Lệnh ty chi kiềm”. Đây là con dấu của Ty Lệnh sử thuộc Bộ Hộ thời vua Gia Long.

Trên trang gần cuối của bản địa bạ này có ghi mấy chữ “Phó chấp bằng” tức là bản phó được giao về địa phương lưu giữ. Bản này cũng được đóng ấn của Bộ Hộ; trong ấn có ghi năm chữ “Hộ Bộ đường chi ấn” (ấn triện của Bộ Hộ). Bộ này là cơ quan chuyên trách cao nhất của triều đình lo về nhân khẩu, ruộng đất, thuế khóa, kho tàng, định giá lương thực và điều hòa nguồn của cải nhà nước….

Qua kết cấu hình thức văn bản địa bạ được trình bày trên, những người muốn tìm hiểu – khi chưa có điều kiện tiếp cận ở cơ quan lưu trữ trung ương - có thể biết được diện mạo một cuốn sổ bộ ruộng đất xưa được thực hiện kỹ như thế nào.

Cũng qua nội dung cuốn địa bạ nói trên, có thể biết xã Tứ chánh An Hà xưa có 6 xứ đất là: Xuân Đăng, Thao Lao, Cây Chay, Đồng Lanh, Đông Núi Trọc và Cọp Voi. Mỗi xứ đất đều ghi cụ thể diện tích ruộng đất các hạng và tên các chủ ruộng - bao gồm người trong làng (xưa còn được gọi là “chính canh” hoặc “phân canh”) và ngoài làng (xưa còn được gọi là “phụ canh”).

Có thể kê tên các làng, thôn, phường  có dân sở hữu ruộng ở An Hà như sau: Tú Tràng, Chiên Đàn, Phú Quý hạ, Quảng Phú, Vĩnh Phước, An Mỹ tây, Thạnh Mỹ, Vĩnh An, Phước Lâm, Đức Phú, Hòa Mỹ tây, Tỉnh Thủy, Ngọc Sơn, An Thái, Tây An, Yên Đàn, Phước An, Mỹ Cang, Tam Kỳ (nay là các xã/thôn ở vùng Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành).

Đặc biệt có dân ở địa phương khá xa như Tuân Dưỡng, Vân Đóa (nay là vùng Thăng Bình) cũng có ruộng được ghi trong địa bạ này. Không có dân chính và dân phụ canh nào sở hữu nhiều ruộng
đất - có nghĩa là không có tình hình ruộng đất tập trung nhiều vào tay một số người trong hoặc ngoài làng.

Từ đó, có thể biết được - trên cơ sở tra cứu thêm tập “Nghiên cứu địa bạ dinh Quảng Nam I và II” - tình hình phân bổ ruộng đất vùng Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung vào đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX).

Phú Bình

;
.
.
.
.
.
.