Làng Tân Hạnh xưa có hai người bạn cùng đi làm cách mạng, đồng cam cộng khổ với nhau qua nhiều hoàn cảnh khó khăn, gian khó. Một trong những công việc họ làm ích nước lợi nhà ngay tại quê hương mình là lập nên ngôi trường làng để đưa con em thoát cảnh mù chữ.
Bà Nguyễn Thị Nhớ thắp nén nhang tưởng nhớ cha mình, ông Nguyễn Ngọc Kinh. |
Khơi dậy tinh thần yêu nước
Ông Nguyễn Ngọc Kinh (còn gọi là Kỳ) sinh năm 1895, lớn hơn ông Nguyễn Ngọc Cầu 8 tuổi. Nhà hai ông cách nhau một cánh đồng nhỏ. Tuy cùng làng, cùng họ, cùng tên lót, nhưng cả hai không có quan hệ họ hàng, chỉ là hai người bạn tâm giao cùng chung con đường cách mạng.
Trong một lần chuyện trò với người viết 15 năm trước ngay tại nhà mình, ông Cầu kể rằng cuối những năm 20 thế kỷ 20, làng Tân Hạnh - nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - có 3 người đi học ở Trường Pellerin Huế bị bãi khóa quay về làng. Qua 3 người học trò về từ đất cố đô này, ông biết đến phong trào cách mạng của cụ Phan Bội Châu.
Năm 1927, ông Kinh đưa cho ông Cầu tập 1 cuốn Pháp Việt đề huề chính kiến thư của Phan Bội Châu, trong đó cụ Phan yêu cầu Pháp trả lại chủ quyền cho Việt Nam, thực tâm giúp Việt Nam tiến bộ văn minh. Bấy giờ, sách báo có nội dung tiến bộ bị nhà đương cuộc kiểm soát gắt gao nên phải một thời gian sau ông mới được ông Nguyễn Trác ở Hà Thanh - nay thuộc xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn - đưa cho mình tiếp tập 2. Ông Nguyễn Thúy ở La Thọ (cũng thuộc xã Điện Hòa) đưa ông quyển Tiếng chuông truy hồn của Trần Huy Liệu...
Mãi đến năm 1929, ông Phạm Trần từ Hà Thanh xuống cho ông quyển Tờ cớ mất quyền tự do của Trần Hữu Độ. Ngoài ra, bất cứ văn bản, thư tịch, thơ ca, hò vè nào có nội dung đề cao tinh thần yêu nước đều được các ông chuyền tay nhau. Từ đó, một luồng tư tưởng cách mạng nhen nhóm rồi bùng lên trong tim, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn dân tộc, các ông không đành lòng ngồi yên nhìn người trong làng mình thất học.
Tháng 5 năm 1930, ông Phạm Trần đem một gói truyền đơn và 2 lá cờ búa liềm đến nhà ông Cầu, bảo ông cảnh giới để ông ấy treo cờ ngay trên cây sộp Hà Thanh, xong rải truyền đơn từ đó xuống Tân Hạnh, Nhơn Thọ. Tiện đường ngang qua Nhơn Thọ, ông quăng một nắm truyền đơn vào sân nhà Đội Lâm - một cai đội tham gia với thực dân Pháp. Xong, các ông trở ra treo cờ ở cầu Ba Sa, nơi giáp ranh giữa 3 làng Tân Hạnh, Nhơn Thọ, Hà Thanh.
Cuối năm 1930, cả hai người ở Hà Thanh là ông Trần và ông Trác bị Pháp bắt.
Cùng lúc đó, ông Kinh ở Sài Gòn về, đem theo truyền đơn và một cái máy hát chạy đĩa, tới nhà bảo ông Cầu đi vận động người đến nghe máy. Ông Cầu đến nhà ông Phạm Dục - một thầy thuốc kiêm thầy dạy nhạc ở Hà Thanh, nghe ông Dục thổi kèn chơi trong 2 đêm, xong rủ ông này cùng với 5 người nữa xuống nhà ông Kinh nghe máy hát. Sau đó ông còn qua các làng Hà Thanh, Tân Hạnh, Quá Giáng rủ thêm nhiều người đến nhà ông Kinh, trước nghe máy hát, sau nghe các ông tuyên truyền những tư tưởng tiến bộ.
Tháng 2-1931, ông Kinh bị phủ Điện Bàn đưa người lên bắt dẫn về tỉnh đường. Ông Cầu thấy lính tráng rầm rập tới làng đưa bạn mình đi, bèn cúi xuống bào cây, giả vờ như không hay biết gì. Tối hôm đó ông xuống nhà ông Kinh, lén lấy mấy bó truyền đơn đưa ra giấu ngoài miễu Tam Vị trong làng. Từ đó, ông cất công dò la mãi mà ông Kinh vẫn bặt vô âm tín.
Mãi đến năm 1933, ông mới nhận được tin bạn mình bị Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An và nhắn ông xuống thăm. Ông đến, ông Kinh dặn ông về làng thành lập một tổ chức khoảng 10 người lấy tên là “Tân Lương phổ”, nghĩa là “Hội làm việc lành mới” để dễ dàng tổ chức hoạt động nhằm nâng cao dân trí.
Trường làng thành nơi tập luyện quân sự
Hội “Tân Lương phổ” được thành lập, ông Cầu làm hội trưởng. Ban đầu Hội lo việc thăm viếng người ốm đau, phúng điếu người chết trong làng. Bấy giờ còn có lệ đãi đằng khách đến viếng đám ma, nhưng các thành viên của Hội chỉ đến lo trợ tang, còn các khoản ăn uống thì từ chối tất. Thấy Hội hoạt động theo chiều hướng tiến bộ, nhiều người xin vào ngày một đông. Dần dà, Hội nghĩ thêm việc tổ chức học chữ quốc ngữ cho con em trong làng. Một ông kêu ông Kinh bằng dượng được mời lên dạy học. Học sinh lúc đầu chỉ mươi lăm người, sau lên gần bảy mươi, ngồi kín khắp mấy dãy chiếu trải suốt 2 gian 2 bên đình làng Tân Hạnh. Tuy ăn uống kham khổ, nhưng thầy vẫn tích cực dạy. Hằng tháng, bà con kẻ ít người nhiều góp lại trả công thầy vài đồng.
Đầu năm 1935, ông Kinh mãn hạn tù về, vận động đưa ông Cầu lên làm lý trưởng để dễ bề hoạt động cách mạng mà việc ưu tiên hàng đầu là xin mở trường học.
Sau khi nắm ấn triện “lý trưởng” trong tay, ông Cầu làm đơn xuống Đốc học ở Hội An xin lập trường, Đốc học không cho. Lên tỉnh, tỉnh đồng ý, nhưng bảo không có ngân sách. Quan huyện Hòa Vang mới bày ra kế “bán chức” cho những ai có tiền muốn mua chức tước để vừa lấy oai với bàn dân thiên hạ, vừa khỏi phải đi xâu.
Thế là, nhờ gần 300 đồng “mua quan bán chức”, cộng với số tiền ủng hộ của hiệu sách Việt Quảng ở Đà Nẵng, làng Tân Hạnh khởi công làm trường. Chính quyền Nam triều chính thức công nhận trường và bổ nhiệm giáo Hạng (Phan Hạng) về phụ trách giảng dạy. Học sinh con em nhà nghèo theo học ngày một đông.
Cuối năm 1936, Ban Tỉnh ủy Quảng Nam được thành lập ngay tại nhà ông Kinh, do ông Nguyễn Trác làm Bí thư.
Một đêm vào đầu năm 1945, làng Tân Hạnh ra mắt Hội Truyền bá quốc ngữ. Đầu tháng 8-1945, Huyện ủy Hòa Vang công bố quyết định đổi “Hội Truyền bá quốc ngữ” ở Tân Hạnh thành “Ủy ban Khởi nghĩa cướp chính quyền”.
Từ đó, các lớp học chữ quốc ngữ ở trường Tân Hạnh đều tạm dừng việc học, chuyển sang tập luyện quân sự. Để tăng thêm thanh thế, ngày 5-8-1945, ông Cầu lấy cờ đỏ sao vàng ở nhà mình treo trước trường Tân Hạnh.
Sáng ngày 17-8-1945, nhân dân làng Hà Thanh kéo đi cướp chính quyền, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng trống mõ, phèng la dậy trời. Ngay lập tức, nhân dân làng Tân Hạnh do ông Lê Tích dẫn đầu cũng tập trung xếp hàng ngay ngắn tại trường Tân Hạnh, gậy tre cầm trên tay, dây dừa buộc trên đầu gậy, hừng hực khí thế cách mạng. Sau khi tiếp nhận ấn triện lý trưởng do ông Cầu giao nộp, đoàn biểu tình thôn Tân Hạnh kết hợp với đoàn biểu bình thôn Trà Kiểm kéo xuống làng Nhơn Thọ (nay là cơ quan UBND xã Hòa Phước) để cướp chính quyền tại đây.
Từ lớp học biến thành nơi tập luyện quân sự chuẩn bị cướp chính quyền, trường làng Tân Hạnh đã đi vào lịch sử cách mạng địa phương, trong đó công đầu thuộc về hai người bạn làng Tân Hạnh.
VIÊN PHÚC QUÂN