Người viết thư nặc danh gửi vợ "chúa ngục" Côn Đảo

.

Chuyện  Lê Bá Trinh tham gia hai cuộc duy tân, từng nếm mùi tù Côn Đảo và Lao Bảo - hai trường học thiên nhiên lẫy lừng thời đó, thì ai cũng biết. Nhưng chuyện ông từng gửi thư nặc danh cho vợ chúa đảo Côn Lôn thì ít người biết!

Tù nhân vụ kháng thuế cự sưu ở Trung Kỳ năm 1908 bị đày ra Côn Đảo. (Ảnh tư liệu)
Tù nhân vụ kháng thuế cự sưu ở Trung Kỳ năm 1908 bị đày ra Côn Đảo. (Ảnh tư liệu)

Người của 2 cuộc duy tân

Lê Bá Trinh hiệu là Hàn Hải, tự Hải Châu, sinh năm 1875 tại làng Hải Châu, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng), xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha ông là Lê Công Toản, một Chánh bát phẩm văn giai, còn chú ông là Lê Công Liên, làm Chánh Thương biện Hải phòng Đà Nẵng (quan lo việc buôn bán và phòng thủ ở Đà Nẵng). Theo Huỳnh Thúc Kháng thì chú ông “là người có danh tiếng ở đất nhượng địa Hàn (Đà Nẵng), các quan Công khanh đương triều hễ qua lại đất Hàn là ở nhà ấy” (Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường 1939, trang 211).

Lê Bá Trinh đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Canh Tý ở vị trí thứ 4, sau Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh; vì vậy ông thuộc danh xưng Tứ tuyệt Quảng Nam. Thi Hội không đỗ lại chán cái học khoa cử, ông không chịu ra làm quan (được bổ Tri phủ Điện Bàn) mà vào vùng núi Ngũ Hành Sơn làm nhà ở ẩn, ngày ngày cày ruộng đọc sách. Năm 1904, Trần Quý Cáp ghé thăm và tặng ông hai câu đối:

Hoàn hải sơ khai thiên cổ nhan,/ Cố nhân do ngoại Ngũ Hành Sơn.
(Dịch: Trời mới đã ra mối thế giới,/ Bạn xưa còn núp núi Ngũ Hành).

Thế là “Lê Bá Trinh tỉnh ngộ, bèn ra dạy học tại nhà ông Thương Liên ở Đà Nẵng để cùng anh em gặp gỡ chung lo việc nước. Từ đây về sau, các nhà ái quốc trong Nam ra, ngoài Bắc vào đều lấy chỗ nhà ông Châu Thành và cụ Lê Bá Trinh làm căn cứ”. (Trần Huỳnh Sách, Tiểu sử Trần Quý Cáp, trang 8-9. Dẫn lại Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy tân, NXB Đà Nẵng, 1995, trang 92).

Lê Bá Trinh cùng các đồng môn, đồng khoa, đồng chí lập hội thương, hội nông; mở trường học, diễn thuyết để thực hành “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Lê Bá Trinh cùng học trò đi nhiều nơi để diễn thuyết vận động nhân dân. Ông thường ngâm nga: Lấy thương yêu đồng bào làm tôn chỉ/ Đem chí mình tô điểm cuộc duy tân.

Năm 1908, nhân vụ kháng thuế cự sưu của nhân dân Trung Kỳ, ông bị bắt và kết án khổ sai chung thân đày Côn Đảo. Quan lại Nam triều đã dựa vào câu nói trên của ông mà kết tội.

Sau 6 năm ở Côn Đảo, năm 1914, được thả về, Lê Bá Trinh lại liên lạc với các bạn tù Côn Đảo như Trần Cao Vân, Trương Bá Huy, Nguyễn Sụy… và có mặt trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, năm 1916.
Khi Thái Phiên thay thế công việc của Nguyễn Thành trong Việt Nam Quang phục hội, thì công tác kinh tài của tổ chức được trao lại cho ông. Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại, ông cùng hai người em bị bắt và đày ra Lao Bảo. Trước khi bị bắt, giấy tờ của tổ chức ông đã thủ tiêu tất cả, nhưng con dấu của tổ chức ông gửi lại cho vị sư ở chùa Thiên Mụ. Sau này con dấu đó được trao lại cho bà Lê Thị Bằng, em gái ông và là vợ của Phan Thúc Duyện. Hiện nay người cháu của ông vẫn còn cất giữ con dấu cẩn thận xem như là vật gia bảo.

Năm 1918, ba anh em ông tham gia sự biến ở Lao Bảo. Ông bị thương, rồi giả chết, bọn cai ngục tưởng ông chết thật nên không để ý. Nhờ một bạn tù cứu thoát, ông về lại quê nhà, trốn trong hang động ở ngọn Hỏa Sơn của Ngũ Hành Sơn. Người dân vẫn gọi hang động này là hang Ông Lê. Lê Trọng Đoàn - em kế ông - hy sinh trong sự cố này, còn em út Lê Thúc Kỳ cũng thoát nạn về quê.

Ông mất năm 1934 tại Đà Nẵng.

Viết thư nặc danh gửi vợ chúa đảo Côn Lôn

Nói về Lê Bá Trinh, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Lê quân về mặt học vấn chưa được uyên súc song phong thể bề ngoài có vẻ hoạt bát, được nhiều người yêu mến, có văn tài và có nhiều việc xuất sắc… rõ là một người đặc sắc trong đám dung thường vậy” (Sđd, trang 211).

Năm 1902, khi vua Thành Thái tuần du Ngũ Hành Sơn, ông đã đón xa giá nhà vua, dâng sớ vạch trần tình trạng nhũng nhiễu, hiếp đáp dân lành của đám quan lại… Nhà vua lấy làm cảm kích!

Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng kể rằng, ở Côn Đảo, một dạo tên chúa ngục (Tham biện) nghe lời viên thầy thuốc ra lệnh tù nhân không dùng thuốc bắc để chữa bệnh. Một người bị bệnh nằm nhà thương chữa không khỏi liền viết thư về nhà bảo gửi thuốc bắc (theo dạng thuốc tể) ra bằng cách giấu trong thùng đựng quà bánh. Bị phát hiện, chúa đảo liền ra lệnh cho tù nhân viết thư về nhà dặn không được gửi thuốc ra và cấm tù nhân nhận quà bằng bưu kiện (tiếng Pháp: colis).

Tù nhân Côn Đảo lấy làm bất bình: “Nguyên tù ra ngoài đảo cách biệt trong đất, bà con anh em không ai ra đến ngoài ấy mà thăm viếng, còn lưu một chút dây tình ái không đến quên hẳn như người đã chết rồi, chỉ một đôi khi có thơ từ thăm viếng và bánh quà gửi gắm thế thôi. Nay cấm hẳn đường ấy thành ra ai nấy đều tuyệt vọng”. (Sđd, trang 211).

Thương cảm hoàn cảnh của “đồng nhân”, Lê Bá Trinh liền viết một lá thư nặc danh gửi cho vợ chúa đảo kể tình cảnh đau xót của tù nhân và xin bà tỏ tình thương can thiệp với chồng để bỏ cái lệnh “vô nhân đạo” kia vì nghĩ bà là người “có đạo” (Công giáo) sẽ có lòng từ bi bác ái.

Chúa đảo cho điều tra và biết Lê Bá Trinh là tác giả của bức thư nặc danh nói trên. Ông bị phạt 30 ngày trọng cấm, biệt giam, xiềng chân trong ngục tối. Vì trận phạt này mà chân ông bị liệt phải đi khập khiểng.

Sau khi được thả ra, Lê Bá Trinh vẫn lạc quan còn làm bài thơ Chiêm bao 30 ngày đọc cho bạn bè và tù nhân nghe. Rất tiếc bài thơ không được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong tập “sử tù” của ông (vì lúc này ông ra làm việc ở phòng giấy không liên lạc được với tù nhân, không trực tiếp nghe mà chỉ nghe nói lại nên quên!).

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.