Hóa Khuê, ngôi làng đặc biệt ở Đà Nẵng

.

Hai phường thuộc hai quận khác nhau và gần như đối diện nhau qua sông Hàn của thành phố Đà Nẵng là Khuê Trung và Khuê Mỹ, gợi nhớ về một ngôi làng đặc biệt của Đà Nẵng xưa: Hóa Khuê!

Hai tấm bia Chăm ở làng Hóa Khuê Tây (bia Hóa Quê và bia Khuê Trung).
Hai tấm bia Chăm ở làng Hóa Khuê Tây (bia Hóa Quê và bia Khuê Trung).

Làng Hóa Khuê

Làng Hóa Khuê xưa trải dài từ sân bay Đà Nẵng đến tận Ngũ Hành Sơn ngày nay thuộc hai phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) và phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Phần lớn tài liệu đều ghi là Hóa Khuê thỉnh thoảng có chỗ lại ghi là Hóa Quê. Sự sai lệch này có lẽ do cách phát âm của người Quảng. Đây là một trong những làng cổ của Đà Nẵng, được ghi trong hầu hết các tư liệu cổ có đề cập đến các làng xã của vùng Quảng Nam, Đà Nẵng.

Trước hết, Hóa Khuê là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của xứ Thuận Hóa được Dương Văn An liệt kê trong Ô châu cận lục năm 1555, một tài liệu tương đối đầy đủ nói về các làng xã của hai xứ Thuận Quảng!

Có lẽ do sự bất tiện vì bị chia cắt bởi sông nước nên dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775), làng được tách thành hai. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), cho biết có hai địa danh Hóa Khuê là Hóa Khuê Đông (ở phía Đông) và Hóa Khuê Tây (ở phía Tây) sông Hàn, thuộc tổng Lỗ Giáng, huyện Hòa Vang.

Đồng Khánh địa dư chí soạn trong khoảng 1887-1890 chỉ tìm thấy một địa danh có liên quan là xã Hóa Khuê Trung tây, thuộc tổng Bình Thới Hạ, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Có lẽ đây là cơ sở hình thành địa danh Khuê Trung sau này!

Theo Đạo dụ ngày 15-1-1901 của vua Thành Thái, làng Hóa Khuê Tây (gọi là Hóa Quê) được cắt nhượng cho Pháp để mở rộng thành phố nhượng địa Đà Nẵng. Còn làng Hóa Khuê Đông, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương trong cuốn Xứ Quảng - Vùng đất và con người đã dẫn thông tin từ Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) cho biết vào năm 1916 dưới thời Khải Định, đã trở thành làng Quế Đông thuộc tổng An Lưu, huyện Hòa Vang.

Từ 1947, Quế Đông thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang; còn Hóa Khuê Tây (Hóa Quê) thuộc khu Nam của thành phố Đà Nẵng.

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa (1954-1975), Hóa Khuê Đông thuộc xã Hòa Hải, Hóa Khuê Tây thuộc xã Hòa Thuận, cả hai đều thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Sau 1975, Hóa Khuê Tây trở thành phường Khuê Trung, quận Hải Châu, còn Hóa Khuê Đông (Quế Đông) vẫn thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang. Năm 1997 khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính độc lập, Hóa Quê Đông mới trực thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, và từ 2-3-2005 thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

Ngôi làng của những điều đặc biệt

Hóa Khuê là ngôi làng đặc biệt, đặc biệt không chỉ vì là ngôi làng cổ của Đà Nẵng, nằm vắt qua cả hai bên sông Hàn mà còn vì là ngôi làng chứa nhiều điều lạ.

Hóa Khuê vốn là một địa điểm cư trú của người Chăm trước khi người Việt đến cư trú. Tại Hóa Khuê các nhà nghiên cứu đã phát hiện được nhiều hiện vật Chăm, đặc biệt là hai tấm bia cổ.

Tấm thứ nhất được công bố với tên gọi là “bia Hóa Quê” có bốn niên đại 898. Bia được ông Rougier, một công chức Pháp làm việc tại tòa Công sứ Pháp ở Hội An phát hiện vào đầu thế kỷ XX và được Edouard Huber ở Viện Viễn Đông Bác cổ công bố trong bài “Nghiên cứu Đông Dương” trên tạp chí của Viện ở số 11, năm 1911. Bia có kích thước 124x70x33 cm, có khắc chữ trên cả 4 mặt, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội.

Tấm thứ hai được phát hiện hồi thập niên 80, do một người địa phương tình cờ bắt gặp khi đào móng xây nhà. Bia được công bố với tên gọi “bia Khuê Trung” có kích thước 75x4x35cm, khắc minh văn trên cả 4 mặt, nhưng nhiều chỗ đã mòn, sứt vỡ khiến cho việc tái hiện bố cục văn bia gặp khó khăn. Nội dung được viết bằng tiếng Phạn và tiếng Champa cổ, ngợi ca thần Maharudra (hóa thân của thần Siva) và vua Jaya Simhavarman, đồng thời ghi lại việc thiết lập một công trình vinh danh vị thần cùng danh sách đất đai dâng tặng cho một tu viện. Bia được xác định niên đại năm 899 và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ở làng Hóa Khuê Đông (Khuê Mỹ ngày nay) còn một di tích đặc biệt là Miễu Một Cây Da Quỳ được cho là đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Phục, người phụ trách chuyển vận sứ trong đoàn quân Nam chinh của Lê Thánh Tông năm 1471, ông bị hành quyết oan vì chậm trễ việc quân lương. Chuyện kể, Nguyễn Phục được vua Lê cử làm Chuyển vận sứ lo việc chuyển quân lương để phục vụ cho chiến dịch Nam chinh đánh vào thành Đồ Bàn của người Chiêm. Trên đường đi đoàn thuyền lương gặp bão nên phải nằm lại ở cửa Tư Hiền (Thừa Thiên Huế). Khi đến Đà Nẵng trễ mất 10 ngày. Lê Thánh Tông ra lệnh hành hình để giữ nghiêm quân pháp. Khi hối hận nhà vua ra lệnh hoãn xử thì đã… trễ!

Tại làng Hóa Khuê Đông dưới thời nhà Nguyễn có đồn Hóa Khuê, ngôi đồn xa nhất về phía Nam trong hệ thống phòng thủ ở bờ Đông sông Hàn. Dựa vào các bản đồ chiến sự ngày ấy có thể xác định ngôi đồn nằm ở vị trí phía Nam cầu Tiên Sơn ngày nay về phía bờ Đông sông Hàn. Đây là ngôi đồn duy nhất không bị quân Pháp đánh chiếm suốt cuộc chiến từ 1-9-1858 đến 3-2-1860, kể cả trận đánh khốc liệt nhất vào ngày 15-9-1859, buộc Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển phải kéo quân chạy về phía Hải Vân để chỉ cố giữ con đường ra Huế mà thôi!

Đồn Hóa Khuê cũng từng chứng kiến việc quan Phòng triệt (Chỉ huy đồn) của đồn là Hồ Đắc Tú bị vua Tự Đức sai Tham tri Lưu Lãng mang cờ biển vào xiềng tay chân đem tống giam vào ngục vì trong trận chiến ngày 6-10-1858 Hồ Đắc Tú đã đóng chặt cửa đồn không đưa quân đi tiếp viện làm cho Thống chế Lê Đình Lý phải thất trận bị thương và hy sinh sau đó.

Hóa Khuê Đông cũng chính là quê hương của người nông dân Nguyễn Văn Diêu sau này trở thành Chánh quản cơ hương binh, được nhân dân gọi là Quản Điều - với chiếc khăn điều bất ly thân do thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu tặng, một chiến sĩ gan dạ của Nghĩa hội Quảng Nam với nhiều chiến công lẫy lừng làm cho giặc Pháp phải kinh hoàng suốt giai đoạn 1885-1887. Nguyễn Văn Diêu đã bị giặc Pháp bắt, chém và bêu đầu tại chợ Hà Thân nơi ông đã nhiều lần đem quân đốt chợ để triệt nguồn hậu cần của giặc. Sau này ông trở thành một trong hai Nhơn thần của làng!

LÊ THÍ
 

;
;
.
.
.
.
.