Ngôi đình bên ngã ba Cây Thông

.

Cách không xa ngã ba Cây Thông, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, có một ngôi đình cổ đã mấy lần trùng tu, tôn tạo. Đình phía bắc tựa vào núi vững vàng như bàn thạch, phía nam nhìn xuống dòng sông Túy Loan thơ mộng, một vị trí được người xưa cho là rất hợp với thuật phong thủy.

Theo gia phả tộc Đỗ làng Thái Lai và nội dung các văn cúng tế còn lưu đến ngày nay, sau khi theo vua Lê Thánh Tông bình Chiêm và mở rộng bờ cõi về phương Nam, các ông Mai Đại Lang, Nguyễn Văn Đợi, Đỗ Văn Mân xin ở lại một vùng đất nằm phía bắc sông Túy Loan, khai canh khai cư, lập nên làng mạc và đặt tên là làng Bàu Trai.

Vào năm Gia Long thứ mười (Tân Mùi – 1811), hậu duệ của 3 vị tiền hiền nói trên là Mai Văn Vít, Nguyễn Văn Máy và Đỗ Văn Từ tiếp tục lập bộ khai cơ, cải xã hiệu thành làng Thái Lai với ý nghĩa là “an vui, tốt đẹp”. Đình Thái Lai chính thức được xây dựng trong năm này tại một khu đất về sau có tên là Thổ Đình (đất dựng đình) ở Xóm Ngoài. Dần dà có nhiều phái tộc đến Thái Lai lập nghiệp như: Lê Văn, Lê Duy, Trần Văn, Nguyễn, Nguyễn Đăng, Phan, Huỳnh, Đặng… Làng mạc ngày một phồn vinh, đông đúc; văn hóa làng phát triển mạnh mẽ. Năm Tự Đức thứ hai (Mậu Thân – 1848), đình làng được chư phái tộc dời về Xóm Gò xây dựng lần thứ hai với quy mô kiên cố hơn.

Nhìn cảnh quan của đình làng quê mình, ông Đỗ Hữu Thanh, Trưởng ban Quản lý đình làng Thái Lai, cho biết theo quan niệm phương Đông, đình làng phải được xây dựng nơi danh thắng cát địa, nơi hội tụ của khí thiêng trời đất, nơi giao hòa của ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đình Thái Lai phía bắc tựa vào núi vững vàng như bàn thạch, phía nam nhìn dòng sông Túy Loan hiền hòa, thơ mộng, đó là vị thế “Nhâm sơn Bính hướng” theo quan niệm của người xưa.

Tương truyền, khi xây dựng xong đình Thái Lai thì bỗng nhiên có một gò đất nổi lên phía trước đình trông như một nghiên mực, dân làng gọi là Gò Nổi. Cạnh đó có một gò đất dáng dấp nằm nghiêng như một ngọn bút, gọi là gò Ông Siêu. Xa xa phía bên phải, bên trái đình đều có núi non, làng xóm vòng ra ôm ấp tạo thành hai tay ngai với thế “long triều hổ phục” (rồng chầu cọp nấp). Phía trước đình có Bàu Trai, Bàu Sếu tiếp nước sông suối khắp nơi đổ về, bốn mùa xanh trong, là nơi “minh đường tụ thủy” (khoảng không gian trước đình có nước tụ) nuôi dưỡng khí thiêng cho đình làng.

Khi làng mạc phát triển, nhận thấy lối kiến trúc ban đầu quá thấp và hẹp, đến năm Thành Thái thứ mười chín (Đinh Mùi – 1907), chư phái tộc làng Thái Lai tiến hành xây dựng đình lần thứ ba với lối kiến trúc 3 gian, 2 chái, phía sau có hậu tẩm. Sườn nhà bằng gỗ mít, các chi tiết được chạm trổ công phu, mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng đá ong. Hai bên đình có hai miếu lộ thiên, bên tả thờ Thần Nông – Hậu Tắc, bên hữu thờ Bạch Hổ Sơn Thần.

Các vị cao niên kể rằng, thời kháng chiến chống Pháp, năm 1948, Pháp đóng đồn tại Gò Nổi cách đình khoảng 100 mét và cách miếu thờ Cao Cát Quảng Độ Đại Vương khoảng 150 mét. Đây là những vị trí mà các chiến sĩ du kích, bộ đội thường ẩn nấp, quan sát và bắn tỉa giặc Pháp. Chính vì vậy, chúng không chỉ phá hủy ngôi miếu lấy gỗ làm đồn mà còn thỉnh thoảng đột nhập, bắn pháo vào ngôi đình làm hư hỏng tường và mái ngói trầm trọng.

Năm 1959 (Kỷ Hợi), đình Thái Lai được tu sửa lần thứ tư. Điều này được cụ Đỗ Hữu Thông ghi lại trong bài thơ “Làng tôi” với lời lẽ xót xa nhưng tự hào: “Làng tôi Pháp trước đóng đồn/ Miếu đình bị bọn ác ôn phá rồi/ Thanh bình miễu trắng tường vôi/ Đình làng xây lại như hồi năm xưa/ Quê tôi nhuần gội gió mưa/ Quê tôi vui thú cày bừa chăm lo”.

Năm tháng trôi qua, đình Thái Lai vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa cùng với nét đẹp thuần phong mỹ tục được lưu truyền qua mấy thế kỷ trong đời sống người dân. Từ bao đời nay người làng Thái Lai có lệ không tổ chức đãi đằng khi gia đình có tang lễ, gia đình nào có người đỗ đạt cao đều đến dâng lễ tạ ơn tổ tiên và hoan hỉ với dân làng tại đình.

Ông Đỗ Hữu Minh, một con dân của làng Thái Lai, cho rằng việc tế lễ tại đình chủ yếu mang ý nghĩa kính trọng, biết ơn tiền nhân hơn là mang ý nghĩa thần quyền, mê tín. Bức hoành phi ghi 4 chữ Hán đại tự “Chính nghị minh đạo” treo giữa chính điện đình thể hiện tinh thần dân chủ và nhân văn trong sinh hoạt văn hóa của dân làng Thái Lai: “Cùng nhau bàn bạc chân chính, đúng đắn để làm sáng tỏ đạo lý và con đường tốt đẹp”.

Ngày nay, đình Thái Lai thể hiện bản lĩnh của một địa phương biết bảo lưu cái cũ đồng thời dung hòa cái mới, thức thời chứ không bảo thủ. Ông Minh đơn cử như ngày trước làng tổ chức lễ Tế Xuân – Cầu An vào ngày 12-3 âm lịch nhưng từ năm 2001 đến nay dân làng nhất trí đổi lại ngày 10-3 âm lịch để kết hợp Giỗ Tổ Hùng Vương và Cầu An, có cả hình thức lễ và hội. Hay việc đổi Lễ Tế Thu ngày 12-8 vốn được tổ chức linh đình thành ngày 15-7 âm lịch nhằm mùa Vu Lan báo hiếu, lễ được tổ chức đạm bạc chủ yếu là tinh thần tưởng niệm, nhớ ơn tiền nhân các chư phái tộc.

Kiến trúc đình làng và thuần phong mỹ tục của vùng đất Thái Lai đã được Nhà nước ghi nhận qua việc UBND thành phố xếp hạng đình làng Thái Lai là Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố vào ngày 22-12-2009. Đúng 10 năm sau, do tác động của thời gian và chiến tranh, đình xuống cấp trầm trọng, thành phố đã nhất trí cấp kinh phí 2,5 tỷ đồng để lần thứ năm trùng tu, tôn tạo đình Thái Lai khang trang, bề thế hơn.

Đứng trước ngôi đình mới, dân làng Thái Lai, những người đang sinh sống ở quê nhà hay làm ăn sinh sống nơi xa luôn cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương. Dù ngã ba Cây Thông giờ không còn cây thông nào cả nhưng đình làng Thái Lai gần đó, với bề dày lịch sử - văn hóa của mình, vẫn xứng đáng là làng văn hóa kiểu mẫu của nông thôn mới, xứng đáng là làng sinh thái môi trường được UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng.

NHƯ HẠNH
 

;
;
.
.
.
.
.