Một tấm bia đá cổ bị vùi lấp trong lòng đất lâu năm được tìm thấy bên đình Mỹ Xuyên Tây với các văn tự Hán-Nôm. Tấm bia này không phải ghi nhớ thanh danh, công trạng, chức tước các quan lại thời xa xưa mà để nhớ tới hai người quả phụ bên lũy tre làng. Vậy họ đã làm gì để được tạc bia?
Đình Mỹ Xuyên Tây (ảnh trên) và tấm bia cổ đặt trước sân đình. Ảnh: T.M |
Trải qua nhiều thế hệ sinh sống tại địa phương, song không ai biết đình làng Mỹ Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hình thành từ bao giờ bởi không có gia phả để lại. Ai cũng phỏng đoán đình được xây dựng cách đây nhiều trăm năm, gắn với tên tuổi của vị tiền hiền xứ Thanh Lê Quý Công đã theo vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành từ năm 1471 rồi khai canh, lập cư ở vùng đất nơi đây.
Do tường rào bao bọc xung quanh đình lâu năm bị thời gian tàn phá, hư hỏng nặng, năm 2015 các tộc họ trong làng bàn tính thống nhất tiến hành sửa chữa lại tường rào. Trong lúc đào bới, một nhóm thợ xây phát hiện và trục lên một tấm bia cổ bằng đá sa thạch bị chôn vùi trong lòng đất. Nghĩ tấm bia này chẳng có gì quan trọng nên nhóm thợ định bỏ xuống hố sâu lấp lại thì ông Trần Châu ở xóm Mỹ Thành, khối phố Xuyên Tây 2, thành viên của ban trị sự đình làng hay tin liền đến hiện trường xem tấm bia và không cho thợ chôn trở lại.
Sau đó ông Trần Châu cho người cọ rửa sạch sẽ các văn tự bằng chữ Hán trên tấm bia và tìm người dịch giải nội dung. Tấm bia được chạm khắc 102 chữ nhưng chỉ dịch được 91 chữ, số còn lại bị sứt mẻ, không nhận rõ mặt chữ. Nội dung chủ yếu của văn bia ca ngợi phong cảnh tươi đẹp của làng quê Mỹ Xuyên Tây và ghi công ơn của hai bà quả phụ tộc Nguyễn đã cúng 100 quan tiền để dân làng xây dựng “Nhà Hội hương” (nhà hội họp của dân làng) sát bên ngôi đình Mỹ Xuyên Tây. Tấm bia được lập vào một ngày tốt của tháng tư năm Kỷ Tỵ 1869, Tự Đức thứ 22.
Theo một số tài liệu ghi chép thì hai làng Mỹ Xuyên Tây và Mỹ Xuyên Đông ngày xưa là chung một làng quê yên ả bên dòng sông Thu Bồn. Đây là vùng đất được Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công, vị tướng quê gốc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, khai phá khi vua Lê lập ra đạo Thừa Tuyên thứ 13 Quảng Nam. Sau khi bình Chiêm, vua cử vị tướng này ở lại khai khẩn, lập cư nên ông được coi là tiền hiền của vùng đất Mỹ Xuyên và ngôi mộ của ông đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Văn bia cũng không thể hiện được tên thật của vị tướng tiền hiền, bởi ngày trước tên Lê Quý Công là cách gọi thể hiện sự tôn kính, là tên viết theo dạng kỵ húy chứ không phải tên thật.
Khi làng, xã từng bước phát triển, đình làng cũng theo đó hình thành. Về sau, dân làng chung tay xây dựng đình Mỹ Xuyên Tây. Khi nội dung trên tấm bia cổ được tìm thấy trong khuôn viên đình Mỹ Xuyên Tây được làm rõ thì các cụ cao niên của làng chợt nhớ tới câu chuyện truyền miệng mà họ đã từng nghe kể lại rằng ngày xưa mặt tiền ngôi đình Mỹ Xuyên Tây nhìn về hướng Bắc, nơi có mộ tiền hiền Lê Quý Công để tỏ lòng biết ơn công lao dựng làng của ngài. Do đình làng nhỏ hẹp, không thể tập trung hết dân trong làng mỗi khi có việc chung nên một góa phụ xinh đẹp, giàu có tộc Nguyễn đã hiến cúng 100 quan tiền để xây dựng một ngôi nhà gọi là “Nhà Hội hương” sát bên mái đình để dân chúng tề tựu mỗi khi có hội làng.
Song tại cột số 7 của văn bia lại ghi công tới hai người đàn bà quả phụ tộc Nguyễn nhưng không rõ tên đã “đồng phụng nhất bách quan tiền” (một trăm quan tiền) để dân làng dựng nhà Hội hương. Theo nhà giáo Trần Văn Hảo ở khối phố Mỹ Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước, người dịch rất chuẩn văn tự trên tấm bia nhận định do hai người đàn bà tộc Nguyễn nào đó đã tự nguyện đóng góp 100 quan tiền xây dựng ngôi nhà công cộng để làng hội họp nên dân làng biết ơn lập bia ghi công đức của hai bà. Đó là nội dung chủ yếu của tấm văn bia cổ.
Những người cao tuổi đang còn sống trong làng không ai biết cái nhà Hội hương đó như thế nào, chứng tỏ nó bị mai một từ rất lâu rồi. Năm 1930, đình Mỹ Xuyên Tây được xây dựng lại theo nguyên trạng, mặt đổi về hướng Nam như bây giờ. Trước năm 1975, xung quanh đình làng có nhiều mồ mả, sau năm 1975 mới được di dời về nghĩa địa Gò Khoai để mở rộng khuôn viên đình. Năm 2017, dân làng sơn sửa lại đình Mỹ Xuyên Tây.
Tấm bia cổ ghi công hai người đàn bà tộc Nguyễn cúng 100 quan tiền để xây nhà Hội hương được đặt trang trọng trong nhà bia trước sân đình, bởi tấm bia không chỉ là dấu tích về sự nhớ ơn những người dâng hiến của cải, vật chất cho làng mà còn là một minh chứng rõ hơn về đình làng Mỹ Xuyên Tây được hình thành rất lâu đời, một ngôi đình mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của vùng đất được lập làng từ rất sớm.
Thái Mỹ