Chuyện 'đất có Thổ Công'…

.

Ở thành phố Hội An hiện có một ngôi miếu được bảo quản, giữ gìn và tồn tại cùng với tín ngưỡng của bà con xứ sở, quê hương. Sự ra đời của ngôi miếu, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tinh thần trong đời sống cộng đồng còn có một nguyên nhân khác nữa. Đó là việc bảo vệ ranh giới, lãnh thổ của làng.

Miếu Ông Địa. Ảnh: T.M
Miếu Ông Địa. Ảnh: T.M

Nằm sát bên đường Lý Thái Tổ, có rặng tre xanh bao quanh ven cánh đồng Trường Lệ, miếu Thổ Công (còn gọi miếu Thổ Địa, miếu Ông Địa) được tạo dựng từ lâu, không chỉ nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần cho một bộ phận người dân phố Hội mà còn ẩn chứa một sự kiện lịch sử lâu đời về vùng đất này.

Khi “cột mốc” ranh giới là... miếu thờ

Chuyện xưa kể rằng, vùng đất nay thuộc khối phố Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, là nơi giáp ranh giữa ba làng: Sơn Phô, Cẩm Phô và Minh Hương. Bấy giờ do chưa có tính pháp lý ràng buộc nhất định nên các cuộc tranh giành đất đai, lãnh thổ giữa ba làng luôn xảy ra liên tục. Các cuộc đụng độ, xung đột của dân chúng làng này với làng khác trong vùng đều có sự điều hành, phát động của người đứng đầu mỗi làng nên không có sự thỏa hiệp, nhân nhượng một tấc đất nào cho làng này hoặc làng kia.

Một hôm, người đứng đầu làng Sơn Phô liền tập hợp các cụ bô lão để trưng cầu ý kiến hay nhằm giữ đất, kiên quyết không để dân hai làng Cẩm Phô, Minh Hương chiếm giữ địa phận của mình. Bàn lui, tính tới, cuối cùng các cụ quyết định dựng một ngôi miếu làng thờ Thổ Công. Mưu kế của các cụ làng Sơn Phô rất thuyết phục, bởi trải qua bao đời, quan niệm của người Việt thì bất cứ vùng đất đai nào cũng có một vị thần đứng đầu cai quản, đó chính là thần Thổ Công.

Khi miếu thờ Thổ Công làng Sơn Phô được xây dựng ở sát vùng giáp ranh để làm “cột mốc”, dân làng tổ chức cúng tế rình rang, chiêng trống, cờ xí giăng kín đường thôn thì hai làng còn lại mới tá hỏa bởi ý thức về tín ngưỡng, tâm linh luôn đồng hành trong cuộc sống con người. Niềm tin về sự vô hình ấy đã làm cho dân hai làng còn lại nhận ra một lẽ đương nhiên là: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Họ rất tôn trọng về phong tục dân gian và thấu hiểu câu thành ngữ ấy là sự khẳng định đất đai là quyền “kiểm soát” của thần Thổ Công còn sông suối là là “quyền hành” của thần Hà Bá.

Từ đó, vùng đất bấy lâu tranh chấp đã chính thức có chủ nhân của nó, đó là làng Sơn Phô, tuyệt đối không được đụng chạm đến thần linh. Sau khi có sự hiện diện của ngôi miếu này, sóng gió từ các cuộc tranh giành lãnh thổ giữa dân chúng ba làng cũng dần dà lặng im, mọi người dân trong các làng trở lại quan hệ, giao lưu bình thường, cuộc sống êm ả của làng quê luôn ấm áp, thân thương hơn bao giờ hết…

Vị thần gần gũi với đời sống nông dân

Đã từ lâu rồi, miếu Thổ Công, dân gian quen gọi là miếu Ông Địa, được dân làng Sơn Phô phối thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền để tỏ lòng thành kính, biết ơn tiền nhân đã lập làng, làm cho vùng đất vốn nghèo khó này trở nên trù phú.

Theo tài liệu lưu giữ của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích văn hóa Hội An, trước năm 1945, vị trí tọa lạc của miếu Ông Địa nằm trên địa phận của xã Sơn Phô, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ  sau năm 1956, khu vực này thuộc địa phận xã Cẩm Châu, thị xã Hội An. Còn hồi cố của các cụ cao niên trong làng thì năm 1949, ngôi miếu bị sập đổ hoàn toàn nên được dân chúng xây lại nhỏ hơn và có sự thay đổi nhiều so với hiện trạng ban đầu.

Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1958 tại ngôi miếu này thường xuyên mở các lớp bình dân học vụ ban đêm, giúp nhiều người mù chữ trong vùng biết đọc, biết viết. Thanh xà cò và tấm bia đá của miếu Ông Địa là di vật lâu năm nhất còn lưu giữ lại ở đây. Cũng chính nhờ thanh xà cò này mà hậu thế mới biết thời gian hình thành của miếu bởi dòng chữ Hán: “Khải Định Nhâm Tuất niên, nhuận ngũ nguyệt cát nhật, Sơn Phô xã, bổn xã, bổn ấp, bổn phổ đồng trọng kiến”. Nghĩa là: Khải Định năm Nhâm Tuất (1922), ngày lành tháng Năm nhuận, xã Sơn Phô, xã ta, xóm ta cùng kính cẩn dựng nên.

Cũng theo các cụ ở thôn Trường Lệ, ngày trước mỗi khi đến mùa gặt, ở miếu Ông Địa luôn rộn rã tiếng cười đùa vui vẻ của bà con nông dân trong làng. Mảnh sân rộng của miếu là nơi tập trung phơi phóng, giê lúa vào mỗi chiều hây hẩy gió đông, nơi xúm xít chuyện trò, giao lưu, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Họ coi Ông Địa là vị thần gần gũi với bà con nông dân nhất, ông không bao giờ vỗ ngực tỏ vẻ quan cách bề trên mà trái lại luôn thể hiện một vị thần lởi xởi, bình dân, mập mạp, bụng phệ, quần áo xuề xòa, lắm lúc cởi trần trùng trục, tay cầm quạt mo, lúc nào cũng nở nụ cười rạng rỡ, rất thích đùa nghịch, vui chơi cùng trẻ con.

Với bản tính dễ dãi như thế nên việc thờ cúng Ông Địa cũng đơn giản, không cầu kỳ như một số vị thần khác, đôi khi chỉ cần đặt lên bàn thờ ông một nải chuối thôi là ông đã… cười tít mắt. Vì thương yêu con trẻ nên cứ mỗi dịp múa lân hoặc mùa Trung thu trăng sáng đều xuất hiện bóng hình ông nhảy múa, vui đùa với các em. Tùy theo phong tục, có nơi sau khi cúng Ông Địa xong thì gia chủ phải lấy một thứ gì đó để trên bàn thờ ăn trước cho ông thấy thì ông mới… dám ăn bởi theo một số sự tích thì Ông Địa chết do bị kẻ xấu đầu độc nên rất sợ bị chết lần nữa.

Năm 2017, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích văn hóa Hội An đã tiến hành dựng bia, cắm mốc bảo vệ miếu Ông Địa để giữ gìn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian, năm 2018 miếu được làm mới như hiện nay. Hằng năm, khối Trường Lệ đều cử người đại diện luân phiên trông coi, hương khói miếu. Cứ xuân-thu nhị kỳ, rằm tháng Giêng và tháng Bảy, dân làng đều tổ chức lễ cúng, cầu mong vị thần đức độ Thổ Công - Ông Địa phù hộ cho mọi người được ấm êm, no đủ bởi mọi thứ ở trên đời này đều sản sinh từ đất.

Thái Mỹ
 

;
;
.
.
.
.
.