Đi tìm dấu tích một ngôi thành

.

Thành An Hải là “người anh em sinh đôi” với thành Điện Hải trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng thời nhà Nguyễn. Hiện nay, thành Điện Hải đã trở thành di tích lịch sử đặc biệt, còn thành An Hải đã mất dấu theo thời gian.

Thành An Hải trong Bản đồ hệ thống phòng thủ Đà Nẵng thời Nhà Nguyễn (theo Võ Văn Dật).
Thành An Hải trong Bản đồ hệ thống phòng thủ Đà Nẵng thời Nhà Nguyễn (theo Võ Văn Dật).

Bảo, đồn hay thành?

Thành An Hải nằm ở phía hữu ngạn sông Hàn, một trong hai vị trí quan trọng nhất của hệ thống phòng thủ Đà Nẵng thời nhà Nguyễn. Đây là ngôi thành chịu nhiều dâu bể với đầy đủ các các chức năng của một đơn vị phòng thủ ngày xưa: bảo, đài, thành, đồn và cả pháo đài theo cách gọi của người Pháp (người Pháp gọi An Hải là Pháo đài Đông - Fort de l’Est để phân biệt với Điện Hải là Pháo đài Tây - Fort de l’Ouest).

Thành An Hải được xây dựng vào năm 1814, cùng thời điểm với việc xây thành Điện Hải và bắt đầu chỉ bằng tên “bảo An Hải”. Sách Đại Nam Thực lục viết: “Quý Dậu, Gia Long năm thứ 12… tháng 2… Đắp đài Điện Hải và bảo An Hải ở Quảng Nam (đài bên tả cửa biển Đà Nẵng, bảo bên hữu). Sai Nguyễn Văn Thành đi coi công việc. Công việc xong để lại 500 quân đóng giữ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo dục, 2004, tập 1, quyển XLVI, trang 858).

Bảo An Hải được nâng lên thành thành vào năm 1834 do vị trí quan trọng của nó, nhất là khi dã tâm xâm lăng của người Pháp ngày càng trở nên rõ rệt, trong khi Đà Nẵng lại là cửa ngõ để tiến vào kinh đô Huế. Đại Nam Thực lục viết: “Trấn Hải đài ở Kinh và Điện Hải đài, An Hải đài ở Quảng Nam đều cho đổi là thành. Vua cho rằng các đài này đều có thành trì trấn ngữ hùng mạnh ở bờ biển khác hẳn với các pháo đài khác nên đặc cách cho gọi là thành. Sau đó sai đổi phát ấn đồ ký bằng đồng cho ba thành nói trên” (Sđd, tập 4, quyển XLVII, trang 137).

Do vị trí quan trọng của thành An Hải nên vua Minh Mạng cho bố trí thường xuyên ở đây 200 quân gồm cả bộ binh và thủy binh dưới quyền chỉ huy một viên phó vệ úy.

Năm 1836, thành được tăng cường thêm một số đại bác gồm: 6 cỗ Đại luân xa thảo nghịch tướng quân, 21 cỗ Quá sơn đồng pháo, 24 cỗ Hồng y cường pháo. Lại cho thành xây dựng một kho lương thực có thể tích trữ thường xuyên 50 phương gạo và 400 hộc thóc. Cũng năm này, nhà vua giao cho thành đảm nhận luôn công tác “hải quan” kiểm tra các tàu thuyền của triều đình đi công vụ về cập bến nhằm đề phòng việc buôn lậu.

Năm 1840, Nguyễn Tri Phương khi đến nhậm chức Tuần phủ Quảng Nam đã nghĩ ngay đến việc chọn thành An Hải là nơi quan sát tàu thuyền trên vịnh Đà Nẵng và là nơi đầu tiên truyền thông tin cấp báo cho các nơi bằng cách treo cờ hiệu.

Theo đó, “Khi binh sĩ quan sát bằng thiên lý kính, thấy ngoài biển xuất hiện tàu thuyền có nhiều dây (chỉ loại tàu buồm cỡ lớn) mà chưa phân biệt được đó là tàu nước ta hoặc tàu ngoại quốc và nếu chỉ có 1 vài chiếc thì treo cờ đỏ, nếu 3-4 chiếc trở lên thì treo cờ gấm đỏ trắng. Đến khi nhận diện được là tàu của nước ta thì hạ cờ đỏ xuống, treo cờ vàng lên.

Còn nếu là tàu nước ngoài thì treo cờ gấm lam trắng…”. (…) “Trên Hải Vân quan khi nhìn thấy trên đồn An Hải có treo cờ gấm đỏ trắng hoặc lam trắng thì phải làm sớ hỏa tốc cho phu trạm chạy về cấp báo cho kinh đô. Mặt khác thành Điện Hải cũng có bổn phận phi báo về dinh Tuần phủ Quảng Nam (ở Vĩnh Điện) trong trường hợp như vậy”. (Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, NXB Nam Việt, trang 179, 180).

Trận chiến năm 1858, An Hải là một trong những mục tiêu được người Pháp chú ý hàng đầu. Họ đã tấn công vào đây ngay từ ngày đầu (ngày 1-9). Tuy nhiên, phải ngày hôm sau họ mới chiếm được thành mặc dù phần lớn các vị trí phòng thủ khác ở bờ đông sông Hàn đều thất thủ một cách chóng vánh. Người Pháp đã cho 2 đại đội lính Pháp và nửa đại đội lính Tây Ban Nha đóng tại đây mãi đến ngày 21-3-1960 mới rút đi.   

Năm 1862, thành An Hải đã được đổi lại thành đồn để giảm bớt gánh nặng về quân số và trang bị khi không còn lo sợ người Pháp quay lại tấn công vì triều đình đã ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) cho phép người Pháp được tự do buôn bán ở Đà Nẵng.

Năm 1864, khi triều đình Huế có ý định rút bớt quân và súng ở các vị trí phòng thủ tại Đà Nẵng thì 2 quan Hộ đốc Nguyễn Hiên và Bang biện Phạm Truân tấu trình nên để lại lính và súng ở đồn An Hải như cũ vì đây là vị trí quan yếu: “… Sau Hiên và Truân phúc tấu nói: đồn bảo ở nơi ấy có 10 nơi trong đó có 7 nơi quan yếu (Điện Hải, An Hải, Hóa Khuê thủy, Hóa Khuê cạn, Mỹ Thị, Cẩm Lệ và Phước Trạch) xin để lại lính và súng đóng giữ như cũ” (Sđd, tập 7, trang 868).

Vị trí thành An Hải

Nhiều người hiện nay vẫn băn khoăn thành An Hải mất dấu từ bao giờ và ngôi thành này nằm ở vị trí nào.

Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng cho biết: “Khác với thành Điện Hải ở bên tả ngạn, quân Pháp vẫn giữ nguyên, còn thành An Hải đã bị phá ngay sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng (2-1860)”. Nhưng như thông tin đã dẫn ở trên, mãi đến năm 1864, 4 năm sau khi Pháp rút quân thì quân triều Nguyễn vẫn còn đồn trú ở đây. Vậy thì ngôi thành (đồn) phải mất dấu sau năm 1864 nhưng vào thời điểm cụ thể nào thì không rõ!.

Về vị trí của ngôi thành đã mất dấu ta có thể dựa vào các nguồn sau:

Thứ nhất là các bản đồ của Pháp và triều Nguyễn về trận chiến Đà Nẵng năm 1858.

Thứ hai là thông tin từ Đại Nam nhất thống chí: “Thành An Hải ở phía hữu tấn Đà Nẵng thuộc xã An Phúc, huyện Diên Phúc”.

Thứ ba là từ nhận định khi Nguyễn Tri Phương bàn về việc quan sát tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Nẵng: “Cứ ở cột cờ thành An Hải trông ra là thấy (tàu thuyền vào vịnh Đà Nẵng) tuy về phía tây bắc có vướng núi Trà Sơn nhưng đã có pháo đài Phòng Hải có thể thấy được cũng đủ để gọi báo đáp ứng lẫn nhau” (Đại Nam thực lục, tập 5, trang 759).

Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng (NXB Nam Việt, 2007) cho rằng, đồn An Hải ngày xưa nằm ở vị trí An Đồn ngày nay. Chữ An Đồn là cách đọc gọn của chữ đồn An Hải!

Nền móng của ngôi thành cổ chắc chắn còn chôn dấu đâu đó ở khu vực An Đồn nhưng việc khai quật để tìm lại “dấu xưa” chưa nghe một tổ chức nào nói đến!

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.