"Ông mối" của nhà cách mạng Phan Bội Châu

.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và gian lao của nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 – 1940), trong số nhiều người bạn, đồng chí tâm phúc là người đất Quảng có một nhân vật quan trọng được ông nhắc đến trong các tác phẩm: Phan Bội Châu niên biểu, Ngục trung thư. 

Cụ Hồ Lệ (1848 – 1905)
Cụ Hồ Lệ (1848 – 1905)

Cuốn sách viết bằng máu và nước mắt

Theo cuốn “Ngục trung thư” (in trong Phan Bội Châu - Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2000), tháng ba năm Giáp Thìn (1904), sau chuyến Nam du tìm thăm các hào kiệt, nhà cách mạng Phan Bội Châu trở về kinh đô Huế.

Lúc bấy giờ, Phan Bội Châu có tiếng hay chữ vang dậy chốn kinh đô nên nhiều quan lớn trong triều muốn được ông làm môn hạ cho họ. Ông liền viết một cuốn sách có tựa đề: Lưu Cầu huyết lệ tân thư (Sách mới viết về đảo Lưu Cầu bằng máu và nước mắt).

Lưu Cầu vốn là một vương quốc hải đảo độc lập, thống trị phần lớn quần đảo Ryukyu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Năm 1879, sau cuộc Minh Trị Duy Tân, đế quốc Nhật xâm chiếm, sáp nhập quần đảo này vào Nhật Bản thành tỉnh Okinawa; vua Lưu Cầu bị bắt và phế xuống thành hầu tước.

Thấy hoàn cảnh tương đồng giữa Lưu Cầu và Việt Nam đang bị ngoại bang đô hộ, ông mượn câu chuyện Lưu Cầu bị Nhật xâm chiếm để kể nỗi khổ của nước Việt Nam và gióng lên tiếng chuông gợi lòng yêu nước.

Lưu Cầu huyết lệ tân thư không những cho quốc dân thấy nỗi nhục vong quốc nô mà còn xác định: Để giữ nước có ba điều cần làm, đó là: “Học thuật đổi được thì ta đổi dần; Nhân tài nuôi được thì ta nuôi dần; Dân khí chấn được thì ta chấn dần… Trong ba điều nói trên thì chấn dân khí là trước hết. Nhân tài từ nhân dân mà ra, dân khí chấn thì mới nuôi nhân tài được. Học thuật cốt để nhân dân noi theo, dân khí chấn rồi học thuật mới đổi được”.

Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam: “Tác phẩm này (Lưu Cầu huyết lệ tân thư - NV) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình tư tưởng của Phan Bội Châu, bước chuẩn bị thành lập Hội Duy tân (1904) và hoạt động trong Phong trào Đông du do ông trực tiếp lãnh đạo, tư tưởng chống quân chủ chuyên chế và xác lập quân chủ lập hiến của Phan Bội Châu. Lời văn “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” thống thiết xúc động lòng người, kêu gọi dân tộc đấu tranh khôi phục nền độc lập của đất nước”.

Người dám phổ biến tài liệu “quốc cấm” 

Trong cuốn Phan Bội Châu niên biểu, tác giả viết: “Làm xong sách (Lưu Cầu huyết lệ tân thư - NV), tự đem trình Thượng thư Bộ Binh Hồ Lệ, nhờ Hồ giới thiệu sách ấy đến các bộ, viện. Liền đó Đông các Nguyễn Thảng, Lại Bộ Nguyễn Thuật, thảy có nhắn tôi nói chuyện, nhưng thảy có ý phòng họa riết, tôi quay lại Hồ, nói chuyện với Hồ lâu lắm. Hồ than thở với tôi rằng: “Những lúc còn làm được việc thời chưa gặp được người như anh; bây giờ vạn sự không được chút tự do, còn nói gì được nữa”.

Hai cuốn sách của Phan Bội Châu có nhắc đến “ông mối” Hồ Lệ.
Hai cuốn sách của Phan Bội Châu có nhắc đến “ông mối” Hồ Lệ.

Tuy nhiên, khác với các quan đại thần đương triều, “khi Hồ thượng binh đã thấy được bản sách ấy thời khiến môn lại thuộc hạ thảy sao chép và cho các đồng hương thân sĩ xem tất. Các bạn học Nam Ngãi cũng tranh nhau biên đọc. Các ông chí sĩ như cụ Tây Hồ (tức Phan Châu Trinh), cụ Thai Xuyên (tức Trần Quý Cáp), cụ Thịnh Bình (tức Huỳnh Thúc Kháng) nhân lúc đó mới thành bạn tâm phúc tôi. Cho đến những đồng chí như Ngũ Lang (tức Trần Trinh Linh), Ấu Triệu (tức Lê Thị Đàn) thảy đến lúc ấy mới biết tôi. Mà sở dĩ tôi được gặp bạn như ở trên cũng là do sách Lưu Cầu huyết lệ tân thư giới thiệu cho vậy”.

Vậy Hồ Lệ là ai mà được Phan Bội Châu trang trọng nhắc đến trong các tác phẩm: Phan Bội Châu niên biểu, Ngục trung thư của mình?

Hồ Lệ tự Hữu Trạch, hiệu Kim Khanh, biệt hiệu Song Mỹ, sinh năm Mậu Thân (1848), người làng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Dân gian quen gọi cụ bằng danh xưng trìu mến: “Ông Thượng Phú Mỹ”.

Nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, Hồ Lệ đỗ Tú tài năm Tự Đức thứ 21 (1868), hai năm sau đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Tròn 30 năm ở chốn quan trường, trải qua 7 đời vua, cụ từng được giao nhiều chức vụ quan trọng: Bố chánh Thủ hiến Phú Yên, quyền Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc Bình Phú, Tổng đốc An Tĩnh, Kinh diên Giảng quan (giảng sách cho vua nghe), Khâm sai Đại thần, Đại thần Cơ mật viện, Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh...

Cụ là danh thần nhà Nguyễn nổi tiếng liêm khiết, cương trực, “công pháp bất vị thân”, không bao giờ ăn của đút lót, hối lộ và nhận quà biếu xén. Trong dân gian từng có câu truyền: “Làm quan mà chẳng tham tiền/ Như ông Hồ Lệ chẳng phiền chi ai”.

Cụ Hồ Lệ rất nghiêm khắc, chỉnh tề và trừng trị tức thì kẻ thiếu lễ ở chốn cung môn. Các quan từng truyền nhau 4 chữ: “Triều Lệ, Các Lân”, nghĩa là ai có việc vào triều gặp cụ Hồ Lệ phải củ soát lời ăn tiếng nói và cả trang phục; ai có việc gặp cụ Phạm Phú Lân ở nội các cũng phải nghiêm túc như khi gặp cụ Hồ Lệ vậy.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu từng đánh giá: “Hồ là người có khí phách trong đám quan trường”. Khi ông đem sách Lưu Cầu huyết lệ tân thư trình Hồ Lệ là lúc cụ đang giữ quyền sinh sát trong tay với chức Thượng thư Bộ Binh (thay Nguyễn Thân) kiêm Đô sát viện trưởng (cơ quan giám sát các quan và cả can gián vua).

Thiết nghĩ, ở địa vị quyền cao chức trọng như cụ Hồ Lệ, lại trong hoàn cảnh “không được chút tự do” bởi tai mắt rình mò của thực dân và tay sai trong triều mà dám cho sao chép một tài liệu “quốc cấm” như Lưu Cầu huyết lệ tân thư rồi phổ biến cho các quan đồng triều và đồng hương thân sĩ quả là việc làm can đảm và hiếm có. Bởi, theo Phan Bội Châu trong cuốn Ngục trung thư, tình trạng chung của quan lại lúc bấy giờ là “ruột gan của họ chỉ biết có sự phú quý của thân họ, nhà họ. Trước việc thì họ chỉ ngồi ngó thành bại, sau việc thì họ lựa sóng theo chiều”.

Chỉ có hành động dũng cảm của “ông mối” - đại thần người Quảng Hồ Lệ mới giúp chí sĩ họ Phan may mắn tìm được những “con cọp”, những “hạt châu” - đó là những người bạn tâm phúc đồng hành trên con đường cứu nước, cứu dân thoát vòng nô lệ: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…

Vân Trình

;
;
.
.
.
.
.