Năm 1899, vua Thành Thái có đạo Dụ thành lập huyện Đại Lộc, trực thuộc phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tính đến nay, danh xưng “Đại Lộc” đã tròn 120 tuổi. Một trong những ý nghĩa của danh xưng này gắn liền với câu chuyện xưa…
Hình tượng cây Nam trân (loòng-boong) được khắc ở tầng trên của Nhân đỉnh. |
Từ vùng đất của những huyền tích...
Tương truyền, vào tháng Giêng năm Ất Mùi, Cảnh Hưng thứ 36 (1775), tướng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc kéo quân vào đánh chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Định vương Nguyễn Phúc Thuần thua chạy vào Quảng Nam, đưa cháu là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm Đông Cung Thế tử, trấn giữ ở đây. Phúc Dương là con Thế tử Nguyễn Phúc Hiệu, cháu nội của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, là em con chú của Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh).
Mùa hè năm ấy, Đông Cung bị quân Tây Sơn vây đánh, phải chạy lên vùng thượng nguồn sông Ô Gia (Đại Lộc). Giữa lúc ấy bị đói gặp trái loòng boong, hái và lấy tay bấm thử thấy mềm, ăn vào thơm ngon, nhờ đó, Đông Cung và thuộc hạ qua khỏi cơn đói.
Khi lên ngôi, vua Gia Long đã đặt tên cho trái loòng-boong (boòng-boong) là “Nam trân”, có nghĩa là ngọc quý ở phương Nam. Loòng- boong còn có tên gọi khác: Phụng Quân Mộc (cây gặp vua). Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho hay, trái loòng-boong cùng với trái chanh là hai phẩm vật của tỉnh Quảng Nam phải cung tiến vua. Triều đình còn ban hành quy chế riêng đối với các khu rừng loòng-boong và đặt chức Quản Nam Trân để quản lý vườn cây trái thiên nhiên này, có quyền huy động dân đinh ba xã: Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh (thuộc địa bàn phía tây huyện Đại Lộc ngày nay) canh giữ vườn trái.
Không dừng ở đấy, năm Ất Mùi (1835), khi tổ chức đúc bộ Cửu đỉnh “để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã trụ lại..., để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, đời truyền đời sau”, vua Minh Mạng cho khắc hình tượng cây Nam trân ở tầng trên của Nhân đỉnh (đỉnh này nằm hàng thứ nhất bên trái tại sân chầu Thế Tổ Miếu trong Đại nội Huế, tượng trưng cho lòng nhân ái).
Theo truyền thuyết dân gian địa phương, làng Chấn Sơn (nay thuộc thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, Đại Lộc) còn lưu lại những địa danh - chứng tích một thời chúa Nguyễn chạy lánh nạn quân Tây Sơn trong những ngày binh biến. Khi đoàn quân chúa Nguyễn chạy qua núi Chấn Sơn về phía tây chừng non cây số, vừa mệt vừa đói, đành đóng quân nghỉ lại, dân chúng thấy vậy nên nấu chè thết đãi, từ đó nơi này có tên gọi là Hóc Chè. Chỗ Chúa dựng lều đóng trại có tên gọi là Hóc Tướng, cách một quãng không xa có một mô đất cao ráo, gọi là gò Tôn Dương - nơi chúa Nguyễn Phúc Thuần phong cháu ruột của mình là Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung Thế tử.
Còn ở làng Trúc Hà, cũng thuộc xã Đại Hưng, có truyền thuyết về miếu Ngũ hành Tiên nương cũng gắn với Chúa Nguyễn. Chuyện rằng, quân chúa Nguyễn bị truy đuổi gắt gao, từ Hóc Tướng vượt qua sông thì gặp một cánh đồng có năm người phụ nữ đang cấy lúa, được họ chỉ đường đi theo hướng tây. Lúc quân Tây Sơn đến tra hỏi, năm bà lại chỉ theo hướng ngược lại. Truy tìm không có kết quả, biết đã bị lừa, quân Tây Sơn quay lại giết chết năm bà trước khi tiếp tục cuộc truy đuổi. Sau này, khi thống nhất giang sơn, nhớ ơn những người đã cứu mạng, vua Gia Long sắc phong cho năm bà là Ngũ hành Tiên nương, cho xây một ngôi miếu tại nơi họ bị giết có kiểu kiến trúc như Ngọ Môn quan ở kinh đô Huế và cho dân làng hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch tổ chức cúng tế long trọng.
… đến danh xưng “Đại Lộc”
Năm Thành Thái thứ 11 (1899), triều đình cắt đất của 2 tổng Đại An và Mỹ Hòa thuộc huyện Diên Phước và 3 tổng Đức Hòa, An Phước và Phú Khê của huyện Hòa Vang để lập thành huyện Đại Lộc, trực thuộc phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo Đại Nam nhất thống chí (Bản chữ Hán do Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xưng và Trần Xán biên soạn năm 1909), huyện Đại Lộc nằm về phía tây của trị sở phủ Điện Bàn, từ đông đến tây là 51 dặm, từ nam đến bắc là 38 dặm lẻ. Phía đông giáp giới với huyện Diên Phước; phía tây giáp giới với Man động (tức là vùng cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số); phía nam giáp giới với huyện Duy Xuyên; phía bắc giáp giới với huyện Hòa Vang. Đại Lộc có 5 tổng, 109 xã, thôn, phường, châu.
Sự kiện thành lập huyện Đại Lộc năm Thành Thái thứ 11 (1899) được đề cập trong Đại Nam nhất thống chí (biên soạn đời vua Duy Tân). |
Lâu nay có các cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của danh xưng “Đại Lộc”. Trong bài “Lịch sử ra đời huyện Đại Lộc”, Tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá (nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế) trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Nam như sau: “Trong sách Đại Nam nhất thống chí, tên gọi của huyện “Đại Lộc” được viết bằng chữ Hán gồm hai chữ 大 (Đại) và 祿 (Lộc), vốn có nghĩa là “phúc lớn”, là “sự tốt lành lớn”, hay là “bổng lộc lớn”; chứ không có nghĩa là “chân núi lớn” như cách giải thích của các tác giả biên soạn sách “Địa chí Đại Lộc” (NXB Đà Nẵng, 2000, trang 71). Bởi nếu là “chân núi lớn” thì nó phải được viết bằng chữ “Lộc” như thế này “麓”. Với nghĩa là “phúc lớn”, là “sự tốt lành lớn” hay là “bổng lộc lớn”, danh xưng Đại Lộc thể hiện niềm mơ ước tốt đẹp về một miền quê thanh bình và sung túc trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn!”.
Tác giả Vũ Giang trong bài viết: Danh xưng “Đại Lộc huyện” (Tập san Xuân Đại Lộc - 2002) cho rằng, chính tại vùng đất - sau này là huyện Đại Lộc - chúa Nguyễn đã hưởng phúc lớn, lộc lớn. Do vậy, việc năm 1899 vua Thành Thái ban danh xưng “Đại Lộc” (với nghĩa phúc lớn, lộc lớn) không phải là ngẫu nhiên, càng không phải là sự tùy tiện mà chính là đã nghiên cứu rất kỹ càng và xét đến công lao, đến sự che chở của vùng đất này cho cha ông mình trong cái thế “nghìn cân treo sợi tóc” trên bước đường “tẩu quốc” 124 năm trước đó.
Thiết nghĩ, các thế hệ hậu sinh cần được hiểu đúng về ý nghĩa của danh xưng “Đại Lộc” xuất hiện từ 120 năm trước để trân trọng tấc lòng của cha ông và tự hào hơn về vùng đất có hai dòng sông lớn của đất Quảng chảy qua (Thu Bồn, Vu Gia), nơi có trái Nam trân nổi tiếng mà hình tượng độc đáo còn lưu lại muôn đời trên Cửu đỉnh (Huế).
Vân Trình