Ra đời vào khoảng từ nửa sau thế kỷ XVI đến nửa sau thế kỷ XVIII, tuy La Bông là một trong những làng xuất hiện khá sớm ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nhưng đình làng La Bông chỉ mới được tái thiết. Hạ tuần tháng 12-2019, có một đêm hát tuồng diễn ra trong lễ khánh thành đình để tưởng nhớ gánh hát bội lẫy lừng một thuở của làng.
Chính đình (ảnh trái) và đêm diễn tuồng mừng khánh thành đình làng La Bông. Ảnh: V.T.L |
Làng và đình
Về lai lịch của làng La Bông, ngày nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, tác giả Nguyễn Minh Phương trong luận án tiến sĩ Sử học “Thủ công nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng (1802-1945)” (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, 2017) đã dẫn hai cuốn sách nổi tiếng. Theo Ô Châu cận lục, vào nửa đầu thế kỷ XVI, La Bông không có tên trong 12 làng của thành phố Đà Nẵng trong tổng thể 66 làng của huyện Điện Bàn. Theo sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1775, làng La Bông thuộc tổng Lệ Sơn, huyện Hòa Vang. Như vậy, đến thế kỷ XVIII thì La Bông mới xuất hiện.
Đối chiếu giữa hai tác phẩm trên, tác giả Nguyễn Minh Phương cho rằng, tên làng La Bông ra đời vào khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVI đến nửa sau thế kỷ XVIII.
Trong quá trình điền dã, tác giả qua tiếp xúc với các bậc cao niên trong làng, “được biết, tiền hiền tộc Nguyễn và cũng là tiền hiền của làng La Bông là ngài Nguyễn Phước Diệm, tước Huyền Quận công, gốc đất Bắc đã vào đây khai phá từ thế kỷ XVI. Hiện nay, ngài được thờ tại đình tiền hiền làng La Bông. Dựa vào gia phả của tộc Nguyễn do ông Nguyễn Đình Ty (sinh năm 1881, đời thứ 14) nguyên là quan thất phẩm dưới triều nhà Nguyễn biên soạn thời Duy Tân và con ông là Đại tá Nguyễn Đình Thị (sinh năm 1929) soạn lại và bổ sung thì điều này càng có thêm căn cứ để khẳng định” (Tài liệu đã dẫn, trang 126).
Mới đây, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Hòa Vang, một con dân làng La Bông cho biết, ông Nguyễn Đình Ty là ông nội của mình và theo cuốn Lịch sử tộc Nguyễn Phước làng La Bông thì tên của vị Tiền hiền làng La Bông là Nguyễn Phước Thiệm. Sách này chép, Huyền Quận công theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) vào mở cõi Đàng Trong, được giao coi ngó một vùng đất hoang vu đầy lau lách, rừng núi um tùm, nơi mà mãi về sau này khi có cư dân đến lập nghiệp và khai phá mới có địa danh như: rừng La Bông, rừng Yến Nê, rừng Thạch Bồ; vùng lau lách La Bông, vùng đầm lầy Yến Nê, Cẩm Nê, Cẩm Bình... Bấy giờ, cả một vùng hoang vu “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.
Khó khăn là thế, nhưng tiền hiền Nguyễn Phước Thiệm vẫn quyết tâm ở lại thực hiện công cuộc khai khẩn đất hoang, dựng làng lập ấp.
Vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đình làng La Bông được xây dựng. Theo lời các vị cao niên truyền lại, đình được xây dựng theo kiến trúc cổ 5 gian, 4 mái, hậu tẩm và 3 mái hiên, tường gạch vữa vôi, kèo cột gỗ lim, mái ngói âm dương, chạm trổ, trang trí các họa tiết hoa văn rất sắc nét, tinh xảo. Đình quay mặt về hướng tây, sân lát gạch nung, trước sân có ao trồng sen nở quanh năm.
Thế rồi, đình làng cùng với các di tích văn hóa tâm linh của làng La Bông, qua năm tháng tác động của thiên nhiên và môi trường, nhất là qua 2 cuộc kháng chiến, tất cả đều bị tàn phá, hư hại. Vừa qua, theo lời ông Hùng, UBND thành phố, UBND huyện Hòa Vang, xã Hòa Tiến đã thống nhất cấp đất, cho phép xây dựng mới đình làng cách vị trí đình cũ khoảng 150m.
Vậy là sau bao năm tháng mòn mỏi trông chờ, người dân La Bông đã có một ngôi đình mới khang trang, bề thế, có nơi thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng bổn xứ; cũng là nơi tập họp con dân trong làng để giáo dục truyền thống thờ cúng tổ tiên, giáo dục gia phong, phong tục tập quán làng xã, phục dựng nền văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương.
Gánh hát Sông Cầu
Song song với việc xây dựng các công trình văn hóa tâm linh, dân làng La Bông còn lập một gánh hát bội có tên “Gánh hát Sông Cầu” – cách gọi vắn tắt của sông Tây Tịnh và cầu Đá, ông Hùng giải thích.
Sông đào Tây Tịnh (còn gọi là sông Con hay sông Trong) là một nhánh rẽ của sông Yên, từ An Trạch chảy qua Lệ Sơn, La Bông, Yến Nê và quay lại hòa vào sông mẹ tại cửa khẩu Cẩm Nê. Ngày trước, dân làng La Bông cùng nhau đào sông Tây Tịnh để dẫn thủy nhập điền, dựng xe đạp nước, từ đó hình thành bến nước Xã Chương, bến sông Cây Cốc... Sông Tây Tịnh trở thành nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng trù phú đồng thời làm dịu bớt cơn nóng mùa hè của những cồn cát, xóm rừng cằn cỗi.
Sông nước về làng cũng là lúc hình thành các cầu Bà Điềm, cầu Đá. Việc xây dựng cầu Đá được ghi lại trong một tấm bia đá đặt trước miếu Bà, gần vị trí đình làng cũ. Theo ông Nguyễn Tài, Phó trưởng thôn La Bông, tấm bia này ghi những người đóng góp làm cầu Đá trong làng, chủ công là ông Tri Phán, ông cố của ông, từng làm quan thời nhà Nguyễn.
Đó là cây cầu độc nhất vô nhị, do một người trong làng làm Thơ lại triều Nguyễn là ông Thơ Phong (Nguyễn Đình Phong) vẽ mẫu. Nó được làm hoàn toàn bằng đá theo kiểu đục xuyên trính như sườn nhà gỗ. Ông Tri Phán đặt thợ đá Non Nước làm từng chi tiết cầu, chở ghe bầu lên ghép, ngang 1,2m, dài 10m, có hai mố, hai trụ. Năm 1947 – 1948, cầu bị tháo dỡ để cản trở bước tiến quân của giặc Pháp từ Đà Nẵng lên La Bông.
Gánh hát bội ngày xưa lấy lên Sông Cầu là một cách thể hiện niềm tự hào của các thế hệ người dân La Bông về sông Tây Tịnh và cầu Đá. Ông Hùng kể, gánh hát gắn liền tên tuổi các nghệ sĩ không chuyên như: Tư Nghiêm, Tư Long là hai anh em ruột, phụ trách tư văn, tư lễ ở làng xưa; ông Xã Trúc đóng vai tướng giỏi; ông Ba Quýt là anh em chú bác ruột với ông Hùng... Gánh hát một thời vang tiếng khắp vùng được mời lưu diễn nhiều nơi, sau năm 1975 vẫn còn hoạt động một thời gian trước khi rã gánh.
Đêm trước lễ khánh thành đình La Bông vừa qua, ban tổ chức đã mời Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về diễn vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, một vở tuồng dân gian đề cao gương trung nghĩa, lòng hiếu thảo, sự thủy chung...; không chỉ gởi thông điệp đến với dân làng sống sao cho vẹn đạo nghĩa mà còn tưởng nhớ đến gánh hát Sông Cầu làng mình như lời thưa gởi trước đêm diễn của Trưởng thôn La Bông Nguyễn Trường.
VĂN THÀNH LÊ