Chuyện 'nan huynh nan đệ'

.

Họ là anh em song sinh, cùng đỗ Tú tài khoa thi Hương năm Bính Ngọ - 1906, đương thời được bạn đồng song ngợi khen là “Nan huynh nan đệ” (Khó có một người anh như thế mà cũng khó có một người em như thế, ý nói cả hai đều là người giỏi).

Đảo Côn Lôn (Côn Đảo) - nơi Tú tài Dương Thạc yên nghỉ năm 1908.
Đảo Côn Lôn (Côn Đảo) - nơi Tú tài Dương Thạc yên nghỉ năm 1908.

“Dậy sóng” trường thi và triều đình              

Sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2011) chép rằng: “Năm ấy (1906 - NV) thi Hương. Sĩ tử có nhiều người làm đơn kêu với Cơ mật viện và Tòa sứ (đều nói quan trường thiên vị cẩu thả, lấy bỏ không tinh, có người đáng được lấy đỗ thì bị đánh rớt, có người bị đánh rớt thì được lấy đỗ, lại thêm chuyện họ hàng của quan trường dự thi). Đến khi ba nha phúc duyệt, bàn bạc truất bỏ và lấy thêm, Khâm sứ đại thần Levecque nói nên đặt hội đồng xét đơn tố cáo các khoản để biết hư thực, Cơ mật viện bèn tâu lên. (…)

Đến khi phiến tấu dâng lên, vua phê: “Ý ta cũng thế. Quan trường là triều đình chọn ra mà còn đáng than thở như thế”. Bề tôi Cơ mật viện bèn bàn bạc theo từng khoản chiểu luật nghĩ xử, chuẩn sao ra cho thi hành.

Chủ khảo Tạ Tương, Phó Chủ khảo Từ Thiệp vì không làm tròn chức trách, lấy bỏ thiếu tinh, chiểu luật Cống cử không đúng người đều đánh 80 trượng, theo phép công giáng hai cấp lưu. Giám sát trường vụ Nguyễn Văn Quỳ vì con trai, con rể dự thi, lạm dự vào hàng sĩ tử mà không biết phát giác tra xét, chiểu lệ Bao che giáng ba cấp rời chức, trở đi không được bổ dụng lại. Hậu bổ Thừa Thiên Phạm Đôn, Tạ Hàm (con Tạ Tương) dụ dỗ sĩ tử lấy tiền, đều chiểu lệ Có việc làm xấu xa, Đôn thì phạt đánh 100 trượng cách chức cho về nguyên tịch, Hàm thì châm chước giảm tội giáng ba cấp lưu, triệt hồi hậu bổ...”.

Người khởi xướng vụ kiện nổi tiếng ấy chính là người anh - Tú tài Dương Thưởng. Theo Phong trào kháng thuế ở miền Trung (NXB Văn học, 2008) của Nguyễn Thế Anh, ông có bài thơ mỉa mai trò hề thi cử này: Thủ khoa Trần Cáp tiếng chưa đồn,/ Ba cậu La Hà cũng một môn./ Tích đã thiệp rồi từ điểm lấp,/ Văn như tương nát tạ khuyên dồn./ Con nên khoa giáp cha mòn trán,/ Em được công danh chị nát trôn./ Băm hai ông cử đà ra dáng,/ Lại khéo lòi ra một cậu Tôn.

Trong đó, câu thứ ba và thứ tư tác giả nêu rõ cả họ tên của hai viên quan ăn hối lộ chốn trường thi một cách trắng trợn (Từ Thiệp và Tạ Tương).

Tú em chết ngoài đảo, tú anh chết ở Lao Bảo

Một năm sau, đến lượt người em - Tú tài Dương Thạc (hiệu Trường Đình) chủ xướng một sự kiện chấn động nữa ở phủ Tam Kỳ, đó là vụ kiện chánh, phó tổng cả 7 tổng của Tam Kỳ và bọn nha lại sách nhiễu dân, ăn hối lộ, lạm thu các khoản.

Trong cuốn Thi tù tùng thoại (NXB Nam Cường, 1951), cụ Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Anh em Dương quân (tức Dương Thạc, Dương Thưởng - NV)… liên hiệp các xã trong huyện làm đơn trần tố các khoản nhũng hoạnh ấy. Bọn chánh, phó tổng cùng nha lại nhiều phương che đậy và vận động đủ cách để ém việc. Nhưng anh em tới Tỉnh tới Bộ, bày tỏ tình trạng, lời lẽ sách hoạch, chứng cớ minh bạch. Việc đương tại án chưa cứu xong thì vừa tấn kịch xin xâu nổi lên (tức Phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở Trung Kỳ, khởi phát từ huyện Đại Lộc - NV). Nhà đương cuộc nghi cho hai anh em Dương quân xúi dân cự thuế, cả hai đều bị bắt giam trong ngục”.

Phủ Phụ chính ngày 18 tháng 6 năm Duy Tân thứ 2 (tức ngày 16-7-1908) kết tội Dương Thạc với mức án “giảo giam hậu” (thắt cổ cho chết nhưng không thi hành án ngay mà giam lại - NV), bị đày ra đảo Côn Lôn cùng lúc với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Dương Thưởng thì bị giảm một bậc, xử trượng 100, đày 3.000 dặm, bị đày lên Lao Bảo.

Di tích Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) - nơi Tú tài Dương Thưởng đền nợ nước năm 1918.
Di tích Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) - nơi Tú tài Dương Thưởng đền nợ nước năm 1918.

Dương Thạc ra Côn Lôn chưa đầy một năm thì cảm bệnh ho thổ huyết qua đời. Trước khi mất, ông có làm bài thơ tự bạch qua đó nhắn gửi đồng chí, đồng bào, nguyên văn chữ Hán, được Huỳnh Thúc Kháng dịch: Hòn đảo mồ côi giữa cõi cùng,/ Đày ra, Nam Bắc kiếp tù chung./ Nước nhà văn hiến còn in cũ,/ Âu hóa phong triều chửa trót công./ Tiếng sóng góc trời rầy giấc điệp,/ Luồng mây núi cũ mến chim hồng./ Thôi đừng rưới lệ Tân Đình nữa,/ E nhuộm Côn Lôn nước biển hồng.

Theo cụ Huỳnh, “tù quốc sự” đày ra Côn Lôn trong 13 năm (1908 – 1921) có trên 10 người mất, song chỉ có “cái chết của Dương Trường Đình Tú tài là vinh dự hơn hết”. Bởi, bạn tù “ai nấy đều soạn câu đối để ghi lòng bi điệu, không khác gì làm lễ kỷ niệm lớn, kể cả có 40 câu đối, khẳng khái lâm ly, có cái quang cảnh như đưa Kinh Kha, khóc Điền Hoành ngày xưa vậy”. Các câu đối ấy được chép thành tập, chuyển về trong nước, truyền tụng khắp nơi, ngay cả học sinh đang du học bên Nhật Bản cũng nhiều người đọc thuộc.

Hay tin Dương Thạc từ trần, cụ Phan Châu Trinh (lúc này cũng đang bị đày ở Côn Lôn) thương tiếc vô cùng, thường đến thăm mộ phần, đem gà rượu cúng và có bài tuyệt cú: Thanh sơn bích thủy ủng cô phần,/ Phong vũ thiên nhai khấp cố nhân./ Vị cảm tận tình quyên huyết lệ,/ Hồi đầu quốc thổ chính trầm luân. Huỳnh Thúc Kháng dịch: Non xanh nước biếc nấm mồ côi,/ Mưa gió thương ai một góc trời./ Chưa dám hết lòng tuôn nước mắt,/ Ngoảnh về nước cũ vẫn chơi vơi.

10 năm sau, đến lượt người anh - Tú tài Dương Thưởng - đền nợ nước. Năm 1918, nhân một vụ phản kháng bọn cai ngục đàn áp tàn bạo các tù nhân nhà lao Lao Bảo, ông bị thảm sát cùng một lần với Lê Cơ, Trương Bá Huy, Lê Trọng Đoàn… và các bạn tù khác. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc ấy còn bị đày ở Côn Lôn, có đôi câu viếng Dương Thưởng nguyên văn chữ Hán, dịch nghĩa: Chuyện xe bò mới đó, có hẹn nhau sao? Em chưa đủ lại chết dồn đến anh, gươm báu cấp đôi tay, giông gió nên trời thêm nặng đám!/ Hồn Hồng Lạc đi đâu, hãy về chăng tá! Sống thế nào không phụ lòng kẻ chết, sân tuồng gióng một vọt, anh hùng lớp trước kể bao tay?

Làng Trường An, tổng Đức Hòa (về sau thuộc tổng Đức Tân), phủ Tam Kỳ, giờ đây đã nằm sâu dưới lòng hồ Phú Ninh. Theo nhà nghiên cứu Lê Đình Cương, vị trí làng này nằm ở khoảng giáp giới các xã: Tam Xuân 1, Tam Trà (huyện Núi Thành), Tam Đại (huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam ngày nay, song tên tuổi của những người con sinh ra từ ngôi làng ấy vẫn mãi ngời sáng trong lịch sử đất Quảng.

Vân Trình

;
;
.
.
.
.
.