* Tôi từng nghe tộc trưởng của một tộc lớn ở phường giải thích rằng tiền hiền là người khai khẩn một vùng đất, còn hậu hiền là hậu duệ của chính vị tiền hiền đó tính từ đời thứ bảy trở đi. Cách giải thích này gây hoang mang cho các tộc khác tại địa phương, bởi vì chính tiền nhân của các tộc này cũng tham gia vào công cuộc dựng làng lập ấp thuở trước. Xin cho biết ý kiến của quý báo về vấn đề này? Cách bài trí thờ các vị tiền hiền, hậu hiền trong đình ra sao? (Nhơn Trung, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Lễ cúng tiền hiền tại Hội làng Hòa Mỹ năm 2013. Ảnh: V.T.L |
- Về tiền hiền, hậu hiền của một vùng đất, đã có nhiều cách gọi như sau:
Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ: Tiền hiền là những người có công quy dân lập làng/ấp; hậu hiền có công xây dựng các công trình có tính cách làm nền móng (cơ là nền móng) cho làng, xã như đình, chùa, lăng, miếu…
Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh: Tiền hiền có công quy dân lập làng/ấp; hậu hiền có công giúp dân mở mang ruộng đất canh tác.
Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai khẩn: Tiền hiền có công quy dân lập làng/ấp; (nhưng do làng bị xiêu tán nên) hậu hiền đến sau phải quy dân lập làng mới trên cơ sở làng cũ.
Theo những cách gọi nói trên, có thể thấy rằng tiền hiền và hậu hiền là những người thuộc các họ tộc khác nhau. Ví dụ, tiền hiền làng Hòa Mỹ (nay thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là cụ Nguyễn Huyền, người đã đứng ra lập địa bộ làng với vị trí, diện tích đất đai từng xứ, từng vùng, trình lên triều đình nhà Nguyễn, để rồi địa danh Hòa Mỹ được xác lập trên bản đồ hành chính đất nước vào năm Minh Mệnh thứ 5 (1824). Hậu hiền làng Hòa Mỹ là cụ Phạm Xung, người đến sau và cùng cụ Nguyễn Huyền giúp dân mở mang ruộng đất canh tác. Thực tế này ứng với câu: Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh.
Như thế, cách nhìn nhận cho rằng hậu hiền là hậu duệ của chính vị tiền hiền tính từ đời thứ bảy trở đi là không có cơ sở và vô hình trung gây mất đoàn kết giữa các họ tộc trong làng.
Do tiền hiền, hậu hiền những người có công lập làng, lập đình trên nhiều phương diện lúc còn sống nên sau khi các vị mất đi, người dân địa phương ghi nhớ công ơn, uy tín, đạo đức của các vị mà thờ trong đình, có nơi lập những bài vị nêu danh tánh cụ thể của từng vị. Dưới các bậc tiền hiền, hậu hiền là những vị tiền bối, hậu bối cũng có công trong sự nghiệp chung.
Trong đình, việc bài trí thờ tiền hiền, hậu hiền mỗi nơi mỗi khác. Theo lệ cổ, bàn thờ tiền hiền và hậu hiền thường được đặt phía sau chính điện thờ Thành hoàng; phía sau chính điện thường có một bức tường ngăn, giữa đặt bàn thờ tiên sư, hai bên là bàn thờ tiền hiền, hậu hiền. Thế nhưng, tùy vào phong tục từng địa phương mà việc bố trí thờ tự trong đình làng có những khác biệt. Có nơi đặt trang trọng bàn thờ tiền hiền, hậu hiền đối xứng trong chính điện, phía sau đặt bàn thờ tiền thứ, hậu thứ hay tiền bối, hậu bối…
Những lễ trọng của làng như lễ Kỳ yên (Cầu an), lễ tế tiền hiền, hậu hiền, lễ Xuân kỳ, Thu tế... được tổ chức hằng năm ở đình với nghi thức trang trọng thể hiện lòng thành của dân làng với các bậc tiền nhân. Mỹ tục thờ tiền hiền, hậu hiền trong các đình làng có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong việc hướng con người về đạo lý trọng nghĩa, trọng tình, nhớ ơn Tổ tiên, tiền nhân, gắn kết con người với nhau trong cộng đồng.
ĐNCT