.

Trai mùng một, gái hôm rằm

.

* Để chỉ những đứa trẻ sinh vào ngày mùng một, ngày rằm rất khó nuôi khó ở (vì có tính khí khác thường), dân gian có câu “Trai mùng một, gái hôm rằm/ Nuôi thì nuôi vậy nhưng căm dạ này”. Xin cho biết dân gian dựa vào đâu mà đưa ra quan niệm này? (Trần Ngọc, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Đề tài này đã được đề cập trong bài viết “Vì sao “trai mùng một, gái hôm rằm” khó nuôi?” đăng ngày 5-12-2012 trên kienthuc.net.vn (Báo điện tử Kiến thức - Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).

Bài viết dẫn lời TS Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, kể về người em gái của mình. Rằng người này chào đời đúng vào một đêm rằm trong năm 1974. Nghiệm theo câu ca dân gian “Trai mùng một, gái hôm rằm”, thì đúng là tính khí người em của TS Hồng rất bướng bỉnh, mạnh mẽ, quyết liệt; nói chung là thừa nam tính.

Đã nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian, TS Hồng cho biết: Lâu nay, người ta vẫn nhầm tưởng việc con trai sinh vào ngày mùng 1 (âm lịch), con gái sinh vào ngày rằm (ngày 15 âm lịch) đều “khó nuôi”, tính khí khác người. Thế nhưng, điều này chỉ đúng đối với các trường hợp sinh vào ban đêm chứ không mấy tác dụng đối với việc sinh vào ban ngày. Việc người ta cứ đánh đồng là để tăng thêm sự hồ nghi, ly kỳ cho những người sinh ra vào hai ngày này.

Lý giải điều này, bà Hồng cho hay: “Văn hóa phương Đông vẫn tồn tại những câu chuyện bí ẩn về việc ma cà rồng xuất hiện cùng chu kỳ của mặt trăng. Ngày mùng 1 là bắt đầu cho một chu kỳ mới, ngày 15 trăng sáng nhất lại đánh dấu chu kỳ tiếp theo là trăng mờ dần. Vì thế mà người ta gắn câu chuyện này vào những người được sinh ra trong hai đêm đó để tăng thêm tính huyền bí”.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) thì lý giải mối quan hệ giữa việc con trai sinh đêm mùng một, con gái sinh đêm hôm rằm trên cơ sở sức hút của mặt trăng với thủy triều. Sức hút của mặt trăng tạo nên hiện tượng thủy triều đối với trái đất và cũng gây ra trạng thái “thủy triều sinh học” trong cơ thể con người, làm cho chất lỏng trong cơ thể con người cũng có những thay đổi. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh dẫn đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh... Đồng thời, những ai sinh vào hai đêm đó sẽ có những biến đổi sinh học đặc biệt hơn so với người sinh vào các đêm khác.

TS Khanh nhấn mạnh: “Việc người ta cho rằng “trai mùng một, gái hôm rằm” là ghê gớm, tính khí khác người đến nay cũng hoàn toàn dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Tất nhiên, nó sẽ đúng với một tỷ lệ nào đó chứ không thể áp dụng cho tất cả những ai sinh ra vào hai đêm này. Cũng không thể đả phá quan niệm này được, vì nó thuộc về văn hóa, lòng tin. Vấn đề là cần phải nhận thức đúng đắn để có cách hành xử, giáo dục trẻ cho phù hợp”.

Trên thực tế, có nhiều gia đình đã “chọn” ngày giờ sinh cho trẻ bằng cách can thiệp bằng y học để tránh rơi vào trường hợp “trai mùng một, gái hôm rằm”. TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng việc đó không cần thiết vì “đức năng thắng số”. Dù sinh ra vào ngày, giờ nào nhưng nếu được sự giáo dục, quan tâm chăm sóc của gia đình thì đứa trẻ sẽ phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn một cách hài hòa. Không thể cứ đổ tội cho sinh vào mùng một, ngày rằm để thoái thác vai trò giáo dục của gia đình được.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.