.

Mức sinh thay thế

* Xin quý báo giải thích giùm, thế nào là “mức sinh thay thế” và có ý nghĩa ra sao trong công tác dân số? (Trần Thị Mỹ Hoa, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Về mức sinh thay thế, BS Phan Văn Minh (công tác ở Trung tâm Dân số - KHHGĐ Vũng Tàu) đã giải thích trong bài viết “Kiến thức cơ bản về dân số và phát triển” đăng trên Thư viện Bài giảng điện tử baigiang.violet.vn như sau:

“Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.

Hiểu một cách nôm na, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con”.

Tổng tỷ suất sinh (ký hiệu TFR - Total Fertility Rate) trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế.
Tổng tỷ suất sinh, theo giải thích tại “Nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia” (ban hành kèm theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10-1-2011), là “chỉ tiêu tổng hợp của mức độ sinh, không phụ thuộc vào cơ cấu tuổi của dân số, là công cụ phân tích chế độ tái sinh sản dân số hữu hiệu nhất. Tổng tỷ suất sinh là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chiến lược Dân số Việt Nam nói riêng và Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội nói chung, là chỉ tiêu không thể thiếu đối với công tác dự báo dân số”.

Tính đến những năm 70 thế kỷ trước, mức sinh của nước ta vẫn ở mức rất cao với tổng tỷ suất sinh ở mức 6 con/phụ nữ. Nhưng khoảng từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước đến nay, mức sinh đã giảm nhanh, điển hình là trong 5 năm trở lại đây, tổng tỷ suất sinh đã giảm từ 2,1 (năm 2005) xuống còn 2,05 (năm 2012). Đây được xem là “một thành tựu” của Chương trình quốc gia về Dân số-KHHGĐ trong những thập kỷ qua.

Số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, trong 20 năm qua, mức sinh ở Việt Nam đã giảm sâu, thậm chí hiện đang giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Về tổng tỷ suất sinh (TFR), nhóm phụ nữ chưa bao giờ đi học đạt mức cao nhất với 3,0; nhóm phụ nữ có trình độ tốt nghiệp THPT trở lên đạt mức thấp với 1,8. Nếu không sớm điều chỉnh sự chênh lệch này sẽ tạo nên những tác động xấu đến cơ cấu dân số, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Một trong những yếu tố khiến mức sinh ở Việt Nam giảm sâu và “đe dọa” đến cơ cấu dân số là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tác giả bài viết “Xu hướng giảm sinh ở Việt Nam: Cần chủ động ứng phó từ bây giờ” đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô ngày 4-4-2013, sau khi đưa những số liệu nói trên, đã dẫn lời các chuyên gia dân số khuyến cáo rằng, trong vòng vài thập niên tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa gần 4 triệu nam giới, kéo theo những thay đổi trong hệ thống hôn nhân gia đình, gia tăng bất bình đẳng giới...

ĐNCT

;
.
.
.
.
.