.

Tảo mộ và chạp mả

* Theo truyền thống dân tộc thì tảo mộ và chạp mả là hai lễ khác nhau hay chỉ là một? (Yến Phương, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Tảo mộ, nghĩa đen là quét mộ (tảo: quét). Lễ tảo mộ bắt đầu từ người Trung Hoa du nhập vào nước ta từ rất sớm. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có câu: Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.  

Vào tiết Thanh minh (còn gọi là Tết thanh minh), người Trung Hoa xưa tổ chức lễ tảo mộ và hội đạp thanh, còn người Việt có lẽ chỉ có lễ Tảo mộ thôi, như bài viết “Tết Thanh minh và tục tảo mộ của người Việt” đăng trên Tạp chí Quê Hương, được vietbao.vn trích lại hôm 28-4-2010: “Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất tổ. Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tiết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng 4 dương lịch.

Phong tục làm cỏ các phần mộ (lễ tảo mộ), sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên là những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi ở nước ta làm lễ tảo mộ sớm hơn, như bài viết “Tục tảo mộ trước Tết trong tâm thức người Việt” đăng trên http://www.blogphongthuy.com: “Hằng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng chạp là nhiều gia đình người Việt đi tảo mộ. (…) Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân”.

Cũng theo blog chuyên về phong thủy được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép này, tục tảo mộ cuối năm không chỉ là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Những dòng tộc lớn thường quy định rất cụ thể trong gia phả về ngày tảo mộ (dân gian gọi là chạp mả) như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chạp mả được Từ điển tiếng Việt giảng là: thăm và sửa sang lại mồ mả tổ tiên trong tháng chạp, theo tục lệ cổ truyền.

Vào ngày chạp (mả) hoặc trước ngày chạp vài ngày, ông bà, cha mẹ thường dẫn con cháu đi dẫy mả, quét dọn sửa sang lại cho khang trang sạch sẽ và qua đó giới thiệu cho con cháu biết đây là mồ mả của người có vai vế thế nào trong họ. Có khi họ kể về những chiến tích hào hùng hay những giai thoại về ông bà cho con cháu nghe.

Tóm lại, tảo mộ và chạp mả có khác nhau. Tảo mộ thường diễn ra vào dịp tiết Thanh minh của Trung Quốc; chỉ diễn ra ở không gian khu mộ táng; chỉ việc tu sửa phần mộ rồi thắp hương, đặt hoa quả lên đó tưởng nhớ người đã khuất; thường mang tính gia đình. Còn chạp mả thường diễn ra vào tháng Chạp; diễn ra ở không gian khu mồ mả và nhà thờ tộc; các thành viên tham gia thuộc tộc họ, các chi phái. Đây là nét văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc.

Nói thêm về từ chạp mả. Tháng 12 âm lịch, tiếng Hán gọi là lạp nguyệt 臘月(tháng Lạp). Gọi thế, vì tháng này, theo lễ của nhà Chu (Trung Quốc), có lễ tế tất niên gọi là đại lạp. Người Việt đã đọc trại lạp thành chạp, và tháng 12 âm lịch thành tháng chạp. Từ đó, có các từ chạp mả, giỗ chạp...

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.