.

Số điện thoại cứu hộ trên biển

* Hôm rồi, mấy anh em lo chằng chống nhà cửa phòng bão, cứ thắc mắc một điều là giữa mùa biển động, mưa bão, nếu tàu thuyền gặp sự cố hoặc tai nạn trên biển thì gọi vào số máy đường dây nóng nào? Đã có số điện thoại cứu hộ trên biển chưa? (Trần Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng)

- Vấn đề này đã được Thời báo Kinh tế Sài Gòn trả lời hôm 6-8 vừa qua, 4 ngày sau khi xảy ra vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) làm 9 người thiệt mạng.

Theo đó, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam cho biết, đối với việc cấp cứu trên biển, tần số 7903 kHz là tần số thu nhận thông tin cấp cứu, khẩn cấp được trực canh 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ, lễ, Tết.

Khi tàu bị sự cố như cháy nổ, tàu đang chìm, người rơi xuống biển, cấp cứu y tế, tai nạn lao động,… mà tàu không tự xử lý được thì có thể gọi các tổng đài thông tin duyên hải trên tần số 7903 kHz để được trợ giúp kịp thời. Để tránh tình trạng gây nhiễu trên tần số 7903 kHz, chỉ khi tàu gặp sự cố mới liên lạc trên tần số này. Theo ông Vũ, những người đi biển hoặc thuyền viên đều biết đến tần số 7903 kHz, tần số này cũng giống như số điện thoại khẩn cấp ở trên bộ. Tần số này cũng được công khai rộng rãi ở các bản tin báo bão. Có thể người dân ít đi biển thì không để ý, còn đối với thuyền viên thì họ không thể không biết đến thông tin này.

Còn ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải, cho biết theo quy định, tất cả tàu biển phải có hệ thống phát tín hiệu cấp cứu. Hệ thống này được mã hóa và cài sẵn các tần số cấp cứu khi gặp nạn chỉ cần ấn nút cấp cứu là tín hiệu sẽ phát đi đến các trung tâm cứu hộ. Khi nhận được tín hiệu, các trung tâm cứu hộ sẽ biết ngay được tọa độ, vị trí tàu bị nạn nằm ở đâu. Còn việc báo cấp cứu bằng điện thoại nếu ở trên biển thì cũng khó xác định được vị trí nào để báo.

Lo ngại trước những vụ tai nạn đường thủy, vào cuối tháng 7 vừa qua, khi góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa, ông Cao Kim Phụng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa đề xuất các phương tiện thủy nội địa cũng phải lắp các thiết bị định vị.

Trong nhiều vụ tai nạn chìm tàu, việc xác định vị trí và nguyên nhân rất khó khăn. Nếu có các thiết bị hỗ trợ sẽ giúp tránh được những rủi ro và giảm thiểu tai nạn giao thông thủy.

Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn đối với tàu chế tạo bằng vật liệu polypropylen copolymer (PPC). Vật liệu PPC là vật liệu nhẹ, khác với các loạt vật liệu đóng tàu truyền thống, nên trong thiết kế tàu cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến tính ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.

Cũng liên quan đến vụ tai nạn lật ca-nô kinh hoàng làm 9 người chết tại Cần Giờ, trưa 6-8, ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi phóng viên Thanh Niên Online “theo ông nên có điện thoại chung cho lực lượng cứu nạn khi xảy ra các tai nạn trên sông, biển?” như sau:

“Theo tôi nên có một số điện thoại chung cho lực lượng cứu nạn hàng hải có người trực 24/24 giờ giống như phòng cháy chữa cháy, cấp cứu. Số này nên tuyên truyền cho tất cả người dân đều nhớ, khi gặp sự cố, tai nạn trên biển mọi người sẽ gọi ngay vào đó. Lực lượng tiếp nhận sẽ nhanh chóng truyền thông tin đến bộ phận cứu nạn để tổ chức cứu hộ, tìm kiếm kịp thời”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.