.

Đông y

* Về tên gọi y học cổ truyền Việt Nam, hiện có một số tác giả đề xuất gọi là “Việt y”, nhưng cũng có một số khác đề nghị gọi là “Đông y”. Xin cho biết quan điểm của quý báo về việc này? (Lưu Văn Hùng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Nói về nền y học cổ truyền Việt Nam, người ta thường dùng các từ có nghĩa tương đương như: Đông y, y học cổ truyền, y dược cổ truyền, y học dân tộc... Trong đó, theo chứng minh của lương y Phan Công Tuấn trong bài viết “Thần y Hur Jun và bộ sách Đông y Bảo giám” đăng trên tạp chí Cây thuốc quý số 46 và báo Sức khỏe Đời sống số tháng 9-2005, Đông y là từ du nhập vào Việt Nam từ rất sớm qua bộ sách này của thần y Hur Jun (phiên âm Hán Việt là Hứa Tuấn).

Năm 2005, VTV3 trình chiếu bộ phim “Thần y Hur Jun” kể câu chuyện có thật về vị danh y Hur Jun (1546 - 1615,) dưới triều đại Chosun nước Triều Tiên. Đến gần cuối phim có cảnh Hur Jun viết tựa đề lên quyển sách của mình là “Đông y Bảo giám” (ĐYBG). Lương y Tuấn từ lâu đã có bản sao bộ sách này do Quảng Ích thư cục ấn hành ở Thượng Hải vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ sáu (1917), nhưng mãi đến khi xem hết bộ phim cổ trang Hàn Quốc nổi tiếng này mới biết rõ hơn về tác giả.

Theo bài đã dẫn, bộ sách có thể xem là cẩm nang hướng dẫn thực hành điều trị Đông y, có chú trọng đặc biệt đến công tác dưỡng sinh phòng bệnh, được lưu truyền rộng rãi trong bốn thế kỷ qua không chỉ ở Triều Tiên mà còn cả ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, vốn là các nước đồng văn, dùng chung chữ Hán. Tại Việt Nam, từ Đông y đã được dùng từ lâu. Trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) có câu: “Trước xem Y học là đầu/ Sau coi Thọ thế, thứ cầu Đông y”. Một số tác giả sau này như Phạm Văn Điều (Đông y Học khóa Toát yếu, Đông y Dược Thời bệnh Luận trị), DS. Đỗ Đình Tuân (Đông y Lược khảo)... đều đưa ĐYBG vào danh mục tài liệu tham khảo.

Như thế, cùng với bộ sách “cẩm nang Đông y” của Hứa Tuấn (Hur Jun), tên gọi “Đông y” đã du nhập vào nước ta từ lâu. Về tên gọi có nghĩa là “nền y học cổ truyền của các nước phương Đông” này, theo sự tra cứu của lương y Tuấn, cho đến nay chưa phát hiện ra ai đã đưa ra thuật ngữ này trước thần y của Triều Tiên xưa.

Mới đây, ngày 12-11-2013, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn xác lập tên gọi của y học dân tộc Việt Nam” do Vụ các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Viện Y học cổ truyền Quân đội (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội đã đề xuất sử dụng tên gọi “Việt y” thay thế cho các tên gọi trước đây cho nền y học dân tộc Việt Nam thời kỳ mới.

Thế nhưng, trong bài đăng báo từ năm 2005 nói trên, tác giả đã đề xuất theo hướng khác: “Không gò bó hạn cuộc trong phạm vi “dân tộc” hay “cổ truyền”, chúng ta cần trả lại cho Đông y tầm vóc lớn lao vốn có của nó. Đó là một nền y học nhân văn, bắt nguồn từ nền tảng triết học phương Đông, trải qua hơn 5.000 năm phát triển, chiếm cứ cả khu vực Á Đông rộng lớn, bao trùm nhiều quốc gia, ngự trị hơn 1/4 nhân loại; và đặc biệt là dù có bề dày tuổi tác cổ kính nhưng không già nua, vẫn dai dẳng đầy sức sống qua bao biến thiên dâu bể, sóng dập gió vùi, vẫn song hành hiện đại cùng nhân loại, phục vụ mục tiêu con người và sức khỏe”.

Hội Đông y Việt Nam đã mấy lần “thay tên đổi họ”: Hội Y học dân tộc, Hội Y học cổ truyền dân tộc, Hội Y học cổ truyền. Nhưng rồi, đến Đại hội Trung ương lần thứ X (năm 2000) thì Hội lại quyết định lấy lại tên gọi ban đầu là Hội Đông y Việt Nam!

ĐNCT

;
.
.
.
.
.