* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 27-12 vừa qua có nói rằng tên gọi sông Hương xứ Huế là xuất phát từ chuyện chúa Nguyễn Hoàng làm theo mách bảo của một bà tiên, thắp hương chèo thuyền trên sông, khi hết cây hương sẽ thấy một vùng đất tươi tốt để chọn làm nơi xây phủ Chúa.
Chúa cho xây chùa Linh Mụ trên gò đất để tạ ân bà tiên, và dòng sông đó được gọi là sông Hương. Tuy nhiên, theo tôi biết thì còn nhiều cách giải thích xuất xứ của sông Hương nữa. (Hoàng Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Cách giải thích tên gọi sông Hương xuất phát từ việc thắp hương (nhang) trên sông chỉ là một truyền thuyết dân gian. Thực tế còn có nhiều cách giải thích khả tín hơn.
Hương Giang nghĩa là sông thơm, sông có mùi hương. Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887 - 1951), tác giả bài Hương Giang hành đã cho biết nguồn gốc của mùi thơm đó khi nói về con sông xinh đẹp này: “Hương Giang phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch nguyên ở miền thượng lưu tỉnh Thừa Thiên, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy lần qua kinh thành, đến cửa Thuận An rồi ra Đông Hải. Hai bên bờ tả hữu trạch có giống “Thạch xương bồ” là một vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy”.
Trang duoclieuvietnam.com.vn cũng mô tả về loài cây có mùi thơm này: “Cây cỏ, sống nhiều năm. (…) Thân rễ và lá có mùi thơm đặc biệt. Cây Thạch xương bồ mọc hoang ở rừng núi, trên những tảng đá có nước chảy ở suối”.
Ngoài ra, sông Hương được cho là mang tên vùng đất mà nó chảy qua. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong bài viết “Giá trị của sông Hương” đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 11 (54) năm 2006, cho biết: “Xưa nay, người ta thường gọi tên một con sông bằng tên của vùng đất mà nó chảy qua. Vào các thời kỳ lịch sử nói trên, khi vùng đất ấy còn mang tên là huyện Kim Trà thì con sông chúng ta đang nói đến được gọi là sông Kim Trà. Sau đó, khi tên huyện đổi thành Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà”.
Để thuyết phục hơn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong bài viết nói trên, đã dẫn lời tác giả Nguyễn Hữu Đính trong bài “Sông Hương đã có tên ấy từ bao giờ” đăng trên tạp chí Sông Hương số 1, tháng 6-1983: “Từ sông Hương Trà đến sông Hương chỉ còn một bước, vì trong ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nước nào, dân gian thường hay rút gọn. Vả chăng, hai chữ sông Hương đẹp quá, giới văn chương, trí thức cũng không muốn gì hơn”.
Và để củng cố thêm cho lập luận tên gọi sông Hương chính là do địa danh huyện Hương Trà và sông Hương Trà mà ra, tác giả Phan Thuận An đã trưng ra phần “Đệ nhất kỷ” nói về thời Gia Long trong sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn: Vào ngày Bính Thân tháng 7 năm Tân Dậu (8-1801), “vua đi Quảng Bình... Thuyền ngự khởi hành từ sông Hương tức là sông Hương Trà...”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong bài viết “Sông Hương giữa chúng ta” đăng trong tập sách “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân Thừa Thiên - Huế” đã trích dẫn bài viết của nhà nghiên cứu Phan Thuận An và kết luận: “Như vậy, căn cứ vào các tư liệu thành văn dẫn trên, chúng ta có thể khẳng định rằng cái tên sông Hương là do địa danh Hương Trà được rút gọn từ khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. (…) Khi đúc bộ Cửu đỉnh bằng đồng vào năm 1836, vua Minh Mạng cho khắc nổi hình ảnh sông Hương lên Nhân đỉnh và ngay tại đó khắc liền hai chữ Hán “Hương Giang” như ta còn thấy trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành ngày nay”.
ĐNCT