Cửa sổ tri thức
Com-lê và vét-tông
* Vì sao bộ Âu phục, có người gọi là com-lê, có người gọi là vét-tông? Trong các buổi lễ trang trọng, nhất là ở nước ngoài, tôi thấy rất nhiều người không cài hết cúc áo vét-tông, như thế có bất nhã không? (Trần Quang Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Com-lê là cách phiên âm của từ complet (tiếng Pháp); tính từ có nghĩa là đầy đủ, trọn vẹn; danh từ có nghĩa là bộ com-lê.
Bộ com-lê là một bộ trang phục dành cho nam giới bao gồm áo khoác vét-tông (tiếng Pháp: veston) và quần cùng một màu, một loại vải. Khi mặc trọn bộ cả quần lẫn áo, người ta gọi là mặc com-lê, bên trong mặc áo sơ-mi cổ cứng, đeo cà-vạt (tiếng Pháp: cravate). Khi chỉ mặc áo vest (cách gọi vắn tắt của veston) không thôi, mặc quần khác màu, khác loại vải, người ta gọi là mặc đờ-mi (demi, tiếng Pháp, nghĩa là một nửa).
Khi mặc Âu phục, có một quy ước bất thành văn, trong các dịp lễ hội người lịch thiệp mặc vét-tông nên cài nút áo và cài đúng cách khi đứng (hình). Nếu áo chỉ có 1 nút, thì luôn luôn cài nút đó. Nếu áo có 2 nút, thì luôn luôn cài nút trên, còn nút dưới thì để tự do (tuyệt đối không cài nút này). Nếu áo có 3 nút, thì luôn luôn cài nút giữa, còn nút trên thì không bắt buộc (tùy chọn, cài hay không cũng được), nhưng nút dưới thì tuyệt đối để tự do.
Riêng đối với áo hai hàng khuy thì các nút áo gần như luôn luôn được cài. Rất hiếm người khi mặc loại này mà cởi một chiếc nút nào đó.
Giải thích vì sao lại có cái “quy ước ngầm” này, có tài liệu cho rằng nó bắt nguồn từ việc ăn mặc của vua Edward VII (thế kỷ XIX) bên xứ Anh. Ông vua này có bụng to quá khổ (122cm) nên ông không thể cài nút dưới được vì rất khó ngồi. Sau này, các quan trong triều rồi ra đến thần dân ai cũng “ăn theo” cách ăn mặc của ông và đến bây giờ nó trở thành thông điệp ngầm chứng tỏ người đàn ông biết ăn mặc lịch thiệp, chỉn chu.
Một bộ com-lê bao gồm áo vest, áo sơ-mi, cà-vạt, quần, giày, thắt lưng, khăn và áo ghi-lê (nếu là mùa đông). Sự kết hợp giữa các “thành viên” này sao cho trông thật lịch lãm và đẹp mắt là điều ít đấng mày râu để ý đến.
Khi bạn cởi áo vest thì chiếc áo sơ-mi và cà-vạt (bên trong) sẽ làm nổi bật bạn. Vì vậy, để áo sơ-mi và cà-vạt kết hợp với nhau sao cho thật ăn ý, bạn nên để ý: Màu áo sơ-mi phải sáng hơn màu cà-vạt; tỷ lệ kích thước giữa cà-vạt và cổ áo phải tương đương nhau. Chiều dài cổ tay áo sơ-mi nên dài và hở ra ngoài cổ tay áo vest từ 1cm - 1,3cm, như vậy nhìn sẽ hài hòa hơn. Hãy đảm bảo tất (vớ) của bạn đủ dài, để khi ngồi xuống chân của bạn không bị hở ra.
Đi cùng với chiếc áo vest vừa vặn, không thể thiếu chiếc quần và đôi giày lịch lãm. Giày và thắt lưng nên có màu giống nhau và sẽ tốt hơn nếu chúng có cùng một chất liệu.
Các nhà “sành mặc” khuyên không nên xỏ tay vào túi áo vest. Như vậy chiếc túi rất nhanh bị trễ miệng, có thể rách miệng nếu xỏ mạnh. Khi đó chiếc áo sẽ rất xấu. Nếu sợ bàn tay “thừa thãi” hãy xỏ vào túi quần. Áo vest nên chọn màu xám phù hợp hơn màu đen, trừ khi bạn tham dự những đám tang. Vì màu xám cho phép bạn kết hợp với nhiều màu khác hơn với bộ com-lê (quần, áo sơ-mi, cà-vạt).
Với phụ nữ, có một vài sự khác biệt và linh hoạt hơn trong cách ăn mặc theo Âu phục. Người phụ nữ được mặc váy kết hợp với áo vest, và không bao giờ đeo cà-vạt giống như nam giới, thay vào đó thì có thể thắt nơ.
Ông bà ta dạy “Học ăn học nói, học gói học mở”, giờ đây, để trở thành người lịch lãm trong quan hệ xã hội, còn phải biết “học mặc” nữa.
ĐNCT