.

Những kiêng kỵ của giới nghệ sĩ

.

* Tôi nghe nói giới nghệ sĩ sân khấu có rất nhiều điều kiêng kỵ, ví dụ như khi đi hát không được mang theo trái thị. Việc kiêng kỵ này bắt nguồn từ đâu? (Trần Huy Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Tượng Tổ nghiệp bằng lõi cây thị tại nhà Nghệ nhân ưu tú Văn Phước Phô.  Ảnh: V.T.L
Tượng Tổ nghiệp bằng lõi cây thị tại nhà Nghệ nhân ưu tú Văn Phước Phô. Ảnh: V.T.L

- Nói về trái cây, theo lệ xưa truyền lại, có mấy loại không được đặt lên bàn thờ tổ: Quýt được, nhưng cam thì không (kỵ từ “cam chịu”, nghĩa là đành chịu vì không thể nào khác được); trái thơm, mãng cầu xiêm nhiều mắt lại xù xì (nhiều gai góc quá); quả thị lại càng tối kỵ.

Có người cho rằng nghệ sĩ sân khấu không được cúng quả thị vì sợ hương vị thơm nức mũi của thị làm... ông Tổ mất tập trung, không để ý đến việc phù hộ cho nghệ sĩ; mùi thơm của thị cũng gây sự chú ý cho diễn viên, khiến họ mất tập trung vào vai diễn. Thay vào đó, trên bàn thờ Tổ bao giờ cũng có đường miếng, bởi có cúng đường thì Tổ mới đãi cho giọng hát… ngọt ngào.

Cũng có thuyết cho rằng việc kiêng kỵ quả thị xuất phát từ chuyện cổ tích Tấm Cám. Hình ảnh cô Tấm hết bước ra lại chui vào quả thị để giúp đỡ bà lão nghèo khó là chi tiết hấp dẫn rất nhiều người, nhưng cái sự “bước ra, chui vào” đó lại là sự kiêng kỵ của giới nghệ sĩ: không được mang theo quả thị khi đi ký hợp đồng đi diễn, đi quay phim, đi hát… (Ở nhiều vùng quê, người nấu rượu gạo rất kỵ mùi thị, nếu để quả thị trong nhà thì cả mẻ rượu sẽ bị hỏng hết. Chưa một ai giải thích vì sao như thế).

Nghệ nhân dân gian Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô), nguyên Chủ nhiệm CLB Tuồng Đà Nẵng, có cách giải thích khác. Ông nội ông là nghệ sĩ Văn Phước Khôi ngày trước có làm hai bức tượng Tổ sân khấu bằng lõi cây thị. Năm 1954 nội ông đi tập kết ra Bắc, giao hai tượng lại cho cha ông, sau đó cha ông giao lại cho ông. Ông đang thờ hai tượng Tổ tại nhà riêng, tầng 2 chung cư Nại Hiên Đông 2, quận Sơn Trà.

Mỗi lần đi diễn, ông đều mang theo hai bức tượng, trước khi bước lên sân khấu là thắp nhang cầu nguyện tổ nghiệp phù hộ. Theo ông Phô, nghệ sĩ kiêng kỵ đem quả thị tới buồng hát là vì khi đó ông Tổ (tượng gỗ lõi cây thị) sẽ chú tâm lo cho con mà quên phò hộ nghệ sĩ tuồng, dễ dẫn đến “bể dĩa”.

Nói về nguy cơ “bể dĩa”, còn có một vài kiêng kỵ khác mà giới nghệ sĩ luôn nhắc nhau là không ăn mía ghim, uống nước mía vì tin rằng đốt mía bể ra sẽ kéo theo chương trình biểu diễn sắp tới sẽ bị bể; kiêng ăn bắp vì sợ lên sân khấu sẽ bị lắp ba lắp bắp; kiêng nói đến mưa hay bất cứ điều gì có nhuốm màu bất an...

Cũng vì thế mà khi hóa trang chuẩn bị lên sân khấu, phải giữ yên tĩnh trong hậu trường, không được cười đùa giỡn hớt, nói năng thô tục, huýt sáo... nếu vi phạm sẽ bị Tổ phạt. Đó là một yêu cầu chính đáng để diễn viên bình tâm, tập trung suy nghĩ cho nhân vật của mình trước khi vào cuộc biểu diễn.

Nói thêm, những từ ngữ như tổ đãi, tổ trá… của giới sân khấu đã trở thành từ cửa miệng chỉ sự may mắn hay xui rủi trong nghề nghiệp. Cũng vì tránh xui rủi mà nghệ sĩ không cho tiền người ăn xin. Tương truyền, nghề hát và người ăn xin có chung một tổ nghiệp. Người trong giới nghệ thuật thường không cho tiền người ăn xin vì sợ một ngày kia sẽ giống như họ.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.