Cửa sổ tri thức

Tam tự kinh và Tam thiên tự

06:56, 11/09/2016 (GMT+7)

* Sách “vỡ lòng” học chữ Hán ngày trước có hai quyển là Tam tự kinh và Tam thiên tự. Xin cho biết ai là tác giả của hai cuốn sách này và cấu trúc của từng cuốn ra sao? (Nguyễn Hiếu, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Tam tự kinh (Sách ba chữ) là cuốn sách ngày xưa người Trung Hoa dùng để dạy học trò mới đi học. Người soạn sách là Vương Ứng Lân (1223 - 1296), một nhà chính trị, nhà sử học, văn học cuối thời Nam Tống, Trung Hoa.

Sách Tam thiên tự do soạn giả Đoàn Trung Còn biên soạn. Nguồn: Internet
Sách Tam thiên tự do soạn giả Đoàn Trung Còn biên soạn. Nguồn: Internet

Tam tự kinh đề cập đến nhiều nội dung: Từ cách giáo dưỡng một em bé mới lên 5-6 tuổi về vấn đề tu dưỡng tính tình, về lễ nghi hiếu đễ, về đối nhân xử thế... cho đến những kiến thức về lịch sử, xã hội và cả những vấn đề vạn vật và vũ trụ mà chỉ gói gọn trong 1.140 chữ Hán. Như tên gọi của sách, nội dung được trình bày dưới dạng ba chữ một đậu (một ý dừng ngắt), sáu chữ một cú (câu), chữ cuối tất cả các câu đều được gieo vần để người học dễ nhớ, cứ liên tiếp hai vần trắc rồi lại hai vần bằng. Ví như phần đầu sách:

Nhân chi sơ, tính bổn thiện;/ Tính tương cận, tập tương viễn./ Cẩu bất giáo, tính nãi thiên;/ Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên. Tác giả Lỗ Bình Sơn dịch nghĩa khi bình chú Tam tự kinh: Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành;/ Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau./ Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi;/ Cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng.

Trong bài viết “Sách học chữ Hán cho học sinh nhỏ tuổi ngày xưa” đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1-1997 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), tác giả Thế Anh cho biết ở Việt Nam trước đây cũng đã có người diễn âm Tam tự kinh ra thể lục bát để trẻ con dễ học, dễ nhớ, chẳng hạn:

Bà Mạnh ở chọn láng giềng,/ Con thơ biếng học chém liền cửi khung./ Năm con họ Đậu một dòng,/ Nghĩa phương hòa một bảng rồng cả năm.

Nguyên văn: Tích Mạnh mẫu, trạch lân xứ;/ Tử bất học, đoạn cơ trữ./ Đậu Yên sơn, hữu nghĩa phương;/ Giáo ngũ tử, danh câu dương. Dịch nghĩa: Mẹ Mạnh Tử ba lần dời nhà để lựa chọn hàng xóm hợp với việc học của con./ Thấy con biếng học bà tức giận, bèn chặt bỏ khung cửi và thoi dệt để dạy con./ Ông Đậu Yên Sơn là người có nghĩa lý, phép tắc;/ Dạy năm con đều nổi tiếng tăm.

Tam thiên tự (Ba nghìn chữ) là một cuốn sách cổ, do Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) soạn để dạy vỡ lòng cho người mới học chữ Hán. Sách có khoảng 3.000 chữ Hán giải nghĩa trực dịch bằng chữ Nôm, đặt thành văn vần, gồm 750 câu, mỗi câu 4 chữ theo dạng tiểu đối. Tác giả gieo vần lưng, từ thứ tư của câu đầu hiệp với từ thứ hai của câu sau để người học dễ nhớ, như: Thiên – trời, địa – đất; Tử – mất, tồn – còn; Tử – con, tôn – cháu; Lục – sáu, tam – ba; Gia – nhà, quốc – nước; Tiền – trước, hậu – sau;...

Soạn giả Đoàn Trung Còn khi giới thiệu Tam thiên tự đã cho biết rằng, sách này có tên ban đầu là Tự học toản yếu, một đoạn trong bài Tựa cuốn sách do Ngô Thì Nhậm viết như sau:

“Tôi từ thuở trẻ được học về văn chương. Nay được làm quan trong triều, nếu có ý nghĩa gì còn nghi ngờ thì hỏi các bậc cao cả, bèn cùng bàn bạc hỏi han nhau. Còn có những âm tiết không giống nhau, chữ viết cũng khác, không xét vào đâu cho đích xác được. Gần đây, nhân được dự việc trong tướng phủ, được xem các sách hay, tìm rộng trong các tài liệu chữ nào hiểu được, thu nhặt cất đi, phiên âm giải nghĩa, nghĩa liền với vần, vần lại đối nhau, gồm được ba nghìn chữ, đặt tên gọi là Tự học toản yếu. Sách này làm xong, đưa ván khắc in”.

Tác giả Thế Anh trong bài đã dẫn đánh giá rằng, Tam thiên tự là một cuốn sách hay, dễ học, dễ nhớ vì có vần và có đối, học luôn được cả chữ Hán và chữ Nôm.

ĐNCT

.