Cai đội ra Hoàng Sa sớm nhất

.

* Trong hai vị Cai đội Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật được vua Nhà Nguyễn cử ra coi ngó quần đảo Hoàng Sa, nay thuộc thành phố Đà Nẵng, thì ai là người đầu tiên? (Phạm Ngọc Thanh, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Thuyền bầu của đội Hoàng Sa thế kỷ XVII-XVIII.(Ảnh tư liệu)
Thuyền bầu của đội Hoàng Sa thế kỷ XVII-XVIII.(Ảnh tư liệu)

- Cả hai Đội trưởng Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật đều là người huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều tài liệu cho rằng, Phạm Quang Ảnh là người ra Hoàng Sa đầu tiên, theo sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”: “Ất Hợi chính nguyệt, khiến Hoàng Sa đội Phạm Quang Ảnh đặng vãng Hoàng Sa thám độ thủy trình”. Nghĩa là: “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai đội trưởng đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh đến Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình”.

Còn Đội trưởng Phạm Hữu Nhật, thì 21 năm sau đó mới ra Hoàng Sa, theo bài viết “Người dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa 170 năm trước” của TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, (đăng trên Báo Quảng Ngãi ngày 11-1-2008): vào mùa xuân năm Bính Thân, Minh Mạng thứ mười bảy (1836), Phạm Hữu Nhật vâng mệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của TS Nguyễn Đăng Vũ qua dự án “Khôi phục những ngôi mộ của binh phu đi Hoàng Sa” đã phát hiện nhiều tài liệu quý của dòng họ Võ Văn ở huyện đảo Lý Sơn liên quan đến chủ quyền lãnh hải Hoàng Sa, Trường Sa từ cuối thế kỷ XVIII. Bài viết “Ai là cai đội ra Hoàng Sa sớm nhất?” đăng trên sgtt.vn ngày 26-9-2011, đã dẫn nhiều thông tin giá trị từ dự án này.

Theo đó, TS Vũ khẳng định, tộc Võ Văn có công lớn trong việc thiết lập đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đến nay, tại đảo Lý Sơn cũng như ở vùng biển Quảng Ngãi, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về đội Hoàng Sa sớm hơn tài liệu của dòng họ Võ Văn ở thôn Tây, làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Tài liệu còn lưu trữ tại dòng họ Võ Văn có chỉ thị của triều đình cử ông Võ Văn Khiết đi Hoàng Sa, do ông lão nho Nguyễn Tấn An ở thành phố Quảng Ngãi tạm dịch như sau:

“Ngày 14-2 năm Thái Đức thứ chín - 1786. Chỉ thị cho người ở phủ Hòa Nghĩa, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh, ở cù lao Lý Sơn là cai hợp Võ Văn Khiết làm việc lâu ngày. Nay thăng lên cai đội Hội Nghĩa hầu đề xướng (hô hào) đội Hoàng Sa và đội Quế Hương cứ y lệ thường niên lãnh chỉ thị sai phái, vượt ra các cù lao ngoài biển tìm kiếm các vật quý bằng đồng và các loại như: đồi mồi, ba ba biển, được bao nhiêu đem phụng nộp. Nếu việc công chểnh mảng, không chuyên cần thì bị tội theo quân luật. Sai phái cho cai đội Hoàng Sa là Hội Đức hầu hãy tập họp, đốc suất thuyền trong đội mang nhãn hiệu thuyền câu là bốn chiếc vượt biển đến Hoàng Sa và các cù lao ngoài biển để mò tìm vàng bạc, khí cụ bằng đồng, các loại súng lớn nhỏ, ba ba, đồi mồi và các loại cá quý chở về kinh đô phụng nộp như thường lệ. Nếu lơ là chậm trễ hay gian ý giấu các vật quý, hoặc sanh sự làm thiệt hại dân thì phải chịu tội”.

Bài báo dẫn lời TS Vũ cho biết, trước đây, căn cứ vào các bộ chính sử, các nhà nghiên cứu cho rằng, chính Cai đội Phạm Quang Ảnh là người Lý Sơn đi ra Hoàng Sa, Trường Sa sớm nhất, vào năm Ất Hợi – 1815. Tuy nhiên, bằng những tài liệu tìm thấy từ tộc họ Võ Văn cũng ở Lý Sơn, đối chứng với các tài liệu chính sử, chính Cai đội Võ Văn Khiết mới là người Lý Sơn chỉ huy đội Hoàng Sa sớm nhất vào năm 1786. Hiện nay, mộ Võ Văn Khiết còn ở thôn Tây, làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.