Bật lửa Zippo

.

* Một vị cao niên chơi Zippo từ rất lâu có lần nói với tôi rằng bật lửa Zippo là do người Pháp sản xuất. Ông nói Zippo trong tiếng Pháp có nghĩa là “đốt nhà”. Thế nhưng cũng có ông lại bảo Zippo là sản phẩm của người Mỹ. Xin cho hỏi, Zippo do nước nào sản xuất và phát triển như thế nào đến ngày nay? (Nguyễn Hạnh, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Một số mẫu Zippo của một nhà sưu tập ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.  Ảnh: V.T.L
Một số mẫu Zippo của một nhà sưu tập ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

- Zippo không phải là từ tiếng Pháp (tất nhiên cũng không có nghĩa là “đốt nhà”), bởi lẽ loại hộp quẹt đặc biệt này là sản phẩm của người Mỹ. Tên gọi Zippo được người sáng chế ra nó nhại theo chữ “zipper” trong tiếng Anh nghĩa là... dây kéo.

Bài viết Hộp quẹt Zippo thời chiến tranh Việt Nam đăng trên http://zippodep.net (trang web giới thiệu các loại Zippo chính hãng, địa chỉ tại Thụy Khuê, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) nói rất rõ về sự ra đời của bật lửa Zippo.

Theo đó, chiếc hộp quẹt Zippo đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1933 từ phát minh của George G. Blaisdell (1895-1978), người sáng lập Zippo Manufacturing Company tại Bradfold, Pennsylvania (Mỹ) một năm trước đó.

Ý tưởng sản xuất một chiếc hộp quẹt đến với Blaisdell thật tình cờ và cũng bất ngờ. Đó là vào năm 1932, trong một buổi khiêu vũ, Blaisdell thấy một quý ông lịch lãm phải mất nhiều lần mới châm lửa để hút thuốc với chiếc hộp quẹt xấu xí, cọc cạch.

Nhận thấy điểm yếu của hộp quẹt là dễ tắt khi gặp gió, Blaisdell thuê một góc trên tầng hai của một công ty với giá 10 USD một tháng rồi cùng với 3 người thợ bắt đầu mày mò để chế ra chiếc hộp quẹt mới. Tổng chi phí cho các dụng cụ là 260 USD, được coi là vốn ban đầu của công ty.

Ý tưởng đầu tiên Blaisdell là tạo ra chiếc hộp quẹt nhỏ hơn, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay để người sử dụng có thể bật lửa bằng một tay và điều quan trọng là phải có bộ phận chắn gió để ngọn lửa không bị dập tắt.

Chỉ một tháng sau, 82 chiếc Zippo ra đời mang lại số tiền lời 69,15 USD sau khi trừ các chi phí. Để tiếp thị sản phẩm mới, Blaisdell đưa ra chính sách bảo hành: Công ty Zippo sửa chữa mọi hỏng hóc mà không lấy một đồng. Zippo sau khi sửa còn được gửi qua bưu điện trong vòng 48 giờ với một lời nhắn: “Chúng tôi cảm ơn vì đã có cơ hội được phục vụ cho bật lửa của bạn”.

Một khi Zippo xuất xưởng luôn được “Bảo hành trọn đời” (Lifetime guarantee), được quảng bá với khẩu hiệu “It works or we fix it for free” (Nó hoạt động hoặc chúng tôi sửa nó miễn phí). Hãng Zippo tự hào: “Trong gần 75 năm, không một ai mất một xu nào để sửa chữa hộp quẹt Zippo, bất chấp tuổi thọ hay điều kiện của nó”.

Zippo, còn được gọi bằng cái tên thân mật Yipee, trở nên phổ biến trong quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi công ty thông báo tạm dừng việc sản xuất những sản phẩm cho thị trường tiêu thụ trong nước và chỉ dành cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ. Chiếc hộp quẹt Zippo đã trở thành người bạn đồng hành với các quân nhân Mỹ kể từ đó.

Zippo chưa bao giờ được sản xuất tại Pháp. Ngoài Mỹ, Zippo có nhà máy thứ hai ở Canada và cũng là nhà máy duy nhất không nằm trên đất Mỹ. Tháng 8-1949 nó chính thức đi vào hoạt động và sau 50 năm, chính xác là ngày 31-7-2002 phải đóng cửa vĩnh viễn do những thay đổi trong chính sách phát triển của hãng.

Trên thị trường cũng có một số Zippo gắn với một đất nước nào đó nhưng không phải vì thế mà nó có nghĩa là Zippo do nước đó sản xuất.

Ví như Zippo Nhật là dòng Zippo được Zippo Nhật (Zippo Japan) trang trí họa tiết trên phần vỏ bên ngoài được dựa trên các mẫu mã gốc của Zippo Mỹ và những dòng này chỉ lưu hành trong nội bộ nước Nhật.
Zippo Hàn Quốc (Zippo Korea) cũng mang mục đích và ý nghĩa giống như Zippo Nhật.

Zippo Venetian (thường được gọi tắt là Ven) là dòng Zippo mang hoa văn Ý cổ ra đời vào năm 1974. Cho đến nay dòng này vẫn được rất nhiều người ưa chuộng bởi phong cách cổ điển lịch lãm bên ngoài của nó.

Lưu ý một điều rằng phôi gốc của mọi bản Zippo đều là của Zippo Mỹ sản xuất, các quốc gia chỉ xin cấp phép trang trí thêm bên ngoài và thậm chí việc bày bán cũng chỉ được cấp quyền và giới hạn trong một số vùng do hãng cho phép mà thôi.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.