* Đọc sách xưa tôi thấy người ta dùng cụm từ “Ngũ xa thư” và giải thích là 5 xe sách. Xin cho hỏi, 5 xe sách này do ai soạn và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, xã hội ra sao? (Huyền My, Liên Chiểu, Đà Nẵng)
- “Ngũ xa thư” là 5 xe sách (hay 5 xe kinh sử) của 5 nhà tư tưởng, học thuật đất nước Trung Hoa xưa, gồm 5 vị họ Chu, Khổng, Chu, Trình, Trình.
1. Chu Công (1043 TCN? - ?) tên thật là Cơ Đán, còn gọi là Thúc Đán, Chu Đán hay Chu Văn Công. Ông là công thần khai quốc nhà Chu trong lịch sử Trung Hoa. Ông có công định ra tương đối hoàn chỉnh lễ nghi và âm nhạc trong triều đình, giúp cho xã hội ổn định trật tự và phát triển, có ảnh hưởng sâu sắc đến các triều đại sau này. Ông còn đề ra các thể chế như phong tước, triều kiến, thăm hỏi, tang lễ, cúng tế...; quy định về trang phục như “ngũ phục” (5 loại quần áo mặc khi có tang), “ngũ lễ”, tam tòng tứ đức... làm cho quan hệ đẳng cấp có tôn ti trật tự, bảo đảm ổn định xã hội.
2. Khổng Phu Tử hoặc Khổng Tử (551 - 479 TCN) là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu, tự Trọng Ni. Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.
Ông có công san định lại các kinh sách của thánh hiền đời trước ông thành 6 cuốn sách. Mỗi cuốn một lĩnh vực khác nhau: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. 6 bộ sách này thể hiện hiểu biết sâu rộng và tinh thần làm việc miệt mài của ông, có thể coi đây là một dạng Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Kinh Nhạc đã bị thiêu hủy trong chiến tranh Hán-Sở, chỉ còn đôi chút làm thành một thiên trong Kinh Lễ, gọi là Nhạc ký. 6 cuốn sách chỉ còn lại 5 nên hậu thế gọi là Ngũ kinh.
3. Chu Hy (1130 - 1200) hay Chu Tử, tên tự là Nguyên Hối hay Trọng Hối, còn gọi là Văn Công tiên sinh. Ông là triết gia tập đại thành của hệ thống triết học Trình Chu - Lý học. Ông uyên bác và trứ tác nhiều. Có thể kể đến những tác phẩm nổi bật như Tứ thư tập chú, Chu Văn công văn tập, Chu tử ngữ loại và Chu tử gia lễ. Trong đó, Chu tử Gia lễ không chỉ thuần túy theo đuổi học thuật có ảnh hưởng đến một bộ phận trí thức trong xã hội, mà còn là cuốn sách trực tiếp ảnh hưởng đến phong hóa của các quốc gia, dân tộc tiếp nhận nó dựa trên tinh thần tôn thượng Nho gia.
4. Trình Minh Đạo (1032 - 1085) tức Trình Hạo, tự là Bá Thuần. Ông đỗ tiến sĩ năm 1057 và làm qua nhiều chức quan, đời sau truy phong là “Dự Quốc Công”. Ông là bậc danh nho đời Tống, có công mở rộng và hoàn thiện học thuyết Khổng Mạnh, về sau được thờ trong Khổng Miếu.
5. Trình Di (1033 -1107) tự Chánh Thúc, là em của Trình Hạo, thường gọi là Y Xuyên tiên sinh. Hai anh em được người đời tôn xưng là “Lạc Học” hay Nhị Trình. Ông có công viết chú giải cho các tác phẩm kinh điển như Luận ngữ, Mạnh Tử, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.
Đời sau truy phong ông là Lạc Quốc Công, và cũng được thờ ở Khổng Miếu. Thành ngữ của ta có câu “cửa Khổng sân Trình” là có ý đề cao họ Trình là người kế tục họ Khổng trong Nho học.
“Ngũ xa thư” được dùng nhiều trong sách xưa. Khổng Tử có câu “Yếu tri thiên hạ sự, tu độc ngũ xa thư” (Muốn biết việc thiên hạ phải đọc 5 xe sách). Đỗ Phủ viết trong tập thơ “Bách học sĩ mao ốc”: “Phú quý tất tòng cần khổ đắc, nam nhi tu độc ngũ xa thư” (Phú quý có được từ sự cần cù chịu khó, nam nhi phải đọc 5 xe sách).
Ở Việt Nam, Cao Bá Quát trong bài thơ Sơ đầu (Chải đầu) cũng dùng cụm từ này: “Nhất sinh cô phụ ngũ xa thư/ Duyệt tận phong ai phát dũ sơ!” (Một đời đã phụ cả năm xe sách/ Trải mãi gió bụi mái tóc càng thưa thêm).
ĐNCT