"Ngã ba Xe Tăng" ở Hòa Hải

.

* Tôi nghe ông nội kể rằng ngày trước ở địa bàn xã Hòa Hải, nay là phường Hòa Hải, có một ngã ba tên là Xe Tăng. Xin cho hỏi vì sao lại có tên gọi như thế và vị trí của nó nằm ở đâu? Ở địa phương nào có “ngã ba Xe Tăng” nữa không? (Nguyễn Thị Tâm, Sơn Trà, Đà Nẵng)

- “Ngã ba Xe Tăng” là tên gọi dân gian chỉ một ngã ba, ngày nay là giao lộ Lê Văn Hiến - Nguyễn Duy Trinh, nằm trên địa bàn phường Hòa Hải.

Chiếc xe tăng làm nên địa danh “ngã ba Xe Tăng” ở Hòa Hải.  (Ảnh tư liệu)
Chiếc xe tăng làm nên địa danh “ngã ba Xe Tăng” ở Hòa Hải. (Ảnh tư liệu)

Theo ông Mai Thanh Đông, nguyên Trưởng ban Dân vận Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn, những ngày cuối tháng 3-1975 có một chiếc xe tăng quân đội Sài Gòn bỏ lại trên địa bàn xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), giáp ranh với xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Lúc đó, một anh bộ đội tên là Mai Dưỡng ở đơn vị C3 Khu 3 Hòa Vang, có cha làm nghề lái máy cày nên anh này mày mò học, sau biết lái xe. Thấy chiếc xe tăng nằm chỏng chơ bên đường, anh vào buồng lái, khởi động máy rồi chạy về hướng Hòa Hải, đến ngã ba Lê Văn Hiến - Nguyễn Duy Trinh, anh đâm xe vào một lô-cốt có từ thời Pháp bên góc đường. Xe tăng yên vị ở đó một thời gian.

Đến khoảng năm 1985, ông Mai Thanh Đông, lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hải, nhận thấy trên nòng pháo xe tăng còn gắn nguyên một trái pháo nên xin ý kiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), được đơn vị này chấp thuận cho địa phương làm thủ tục thanh lý xe tăng. Từ đó, xe tăng không còn nữa, nhưng địa danh dân gian “ngã ba Xe Tăng” vẫn còn trong ký ức của nhiều người dân địa phương, nhất là những người cao tuổi.

Ông Nguyễn Cất, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội của xã Hòa Hải từ năm 1975, nay đã nghỉ hưu, kể thêm rằng, ông Mai Dưỡng lúc đó lái xe tăng chở một số du kích, bộ đội. Nhưng do trước đó xe bị súng chống tăng hạng nhẹ M72 LAW của Mỹ bắn phá trước khi quân đội Sài Gòn tháo chạy nên bị hỏng sên, ông Dưỡng chạy xe ra tới Hòa Hải thì thấy có hiện tượng hỏng hóc nên cho xe đâm vào lô-cốt bên đường.

Bấy giờ, xe tăng được xem là chiến lợi phẩm nên khi cán bộ Công ty Vật tư thành phố Đà Nẵng đóng ở Nước Mặn gần đó vào xin mua theo dạng phế liệu, địa phương không bán, giữ lại làm di tích. Về sau, do không được bảo quản, xe bị gỉ sét nên địa phương đã thanh lý như nói trên. Lô-cốt thời Pháp cũng bị phá dỡ khi mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh.

Nhiều nơi ở nước ta, xe tăng Mỹ để lại sau chiến tranh và đi vào địa danh dân gian.

Ở tỉnh Kon Tum có ngã ba Xe Tăng nằm bên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi trưng bày chiếc xe tăng do ông Hữu Thỉnh, tác giả bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” lái, về sau bài thơ được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng.

Ở tỉnh Bình Dương, “ngã ba Xe Tăng” là nơi chiếc xe tăng Mỹ bị cháy nằm bên đường ĐT 744 thuộc ấp An Thịnh, xã Phú An, huyện Bến Cát. Theo bài báo “Những di tích lịch sử... bị lãng quên!” đăng trên Báo Bình Dương ngày 23-4-2011, đến thời điểm đó (năm 2011) chiếc xe này không được bảo tồn như một di tích lịch sử chiến tranh mà bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), địa danh “ngã ba Xe Tăng” ở thôn 5, xã Ia Krái, huyện Ia Grai. Nơi đây từng có một chiếc xe tăng của quân đội Mỹ bị cháy nham nhở. Dù không còn chiếc xe tăng, nhưng bà con trong vùng vẫn quen gọi nơi đây là “ngã ba Xe Tăng”...

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.