Lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào

.

* Xin cho biết lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào có ý nghĩa như thế nào về mặt tâm linh? (nguyenvanngoc@....com)

-  Lễ buộc chỉ cổ tay theo phong tục tập quán dân tộc mình, người Lào gọi là “Ba xỉ xù khoẳn” hoặc “Xù khuẳn ba xỉ”. Đây là một tục lệ của dân tộc Lào được kế thừa, truyền lại từ thời xa xưa và là một tục lệ vô cùng có ý nghĩa đối với đời sống hằng ngày của nhân dân Lào trước đây và hiện nay.

Tái hiện lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào trong  Ngày hội Văn hóa Lào được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 17-3-2018. Ảnh: V.T.L
Tái hiện lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào trong Ngày hội Văn hóa Lào được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 17-3-2018. Ảnh: V.T.L

Trong một bài viết giới thiệu về tập tục này, PGS.TS Lại Phi Hùng, Điều phối viên Dự án đào tạo Việt-Lào, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết gọi cho đúng theo nghĩa của tiếng Lào thì phải nói là “Ba xri xù khuẳn” hoặc “Xù khuẳn ba xri”.

Từ “Ba” có nghĩa là nam giới và từ “Xri” có nghĩa là nữ giới. “Xù khuẳn ba xri” nghĩa là buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho nam-nữ.

Lễ “Ba xỉ xù khuẳn” (tức lễ buộc chỉ cổ tay) hoặc gọi hồn gồm: bên chủ lễ và bên hành lễ. Chủ lễ có thể là chủ nhà hoặc một cá nhân nào đó tự lựa chọn ngày giờ hành lễ. Còn bên phụ trách hành lễ trước đây có thể là người có phù phép, nhà sư, thầy cúng, thầy mo. Nhưng ngày nay, phần lớn là những người đã từng qua tu hành hoặc gọi là những người đã từng học giáo lý tâm linh được người dân tôn kính thán phục gọi là người hành lễ: Mo phon (tức thầy cúng).

Ngoài ra còn lễ “Ba xỉ xù khuẳn” cho người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp tai nạn do bị trâu, bò húc, ngã ngựa, ngã cây… gọi là lễ xúc hồn. Tục lệ này thường diễn ra ở vùng nông thôn. Trong khi hành lễ họ lấy lưới xúc cá hoặc cái đơm cá (dụng cụ đánh bắt cá) đến nơi xảy ra tai nạn xúc hồn về nhà. Một số địa phương dùng phễu để xúc hồn. Ngày nay, ở các thành phố lớn ít khi thấy các lễ đó.

Bộ tộc Lào có quan niệm tâm linh về hồn vía đã hàng trăm năm nay. Họ tin rằng trên thân thể con người đều có hồn, có vía. Nếu hồn vía tốt và thân thể hoàn hảo sẽ khỏe mạnh, không ốm đau, ăn nên, làm ra, cuộc sống sẽ gặp may mắn. Trái lại nếu hồn vía không tốt, hồn vía bay đi khỏi thân thể, người đó sẽ hay bị ốm đau, không có phúc, làm gì cũng sẽ gặp khó khăn hoặc có thể bị tai nạn, hoặc rủi ro.

Việc lựa chọn ngày, giờ hành lễ “Ba xỉ xù khuẳn” là một vấn đề rất quan trọng đối với người Lào. Có nghĩa là nếu hành lễ không đúng ngày lành tháng tốt thì sẽ xảy ra điều xui xấu. Ngày tốt lành nhất để hành lễ là ngày thứ 3 trăng lên (thượng tuần thứ 3) nếu không kịp tổ chức vào ngày đó thì họ sẽ đến bàn với thầy cúng (mo phon) hoặc các vị sư sãi ở chùa. Người Lào coi chu kỳ của mặt trăng, lúc trăng lên hoặc trăng tròn, có nghĩa là lúc vầng trăng sáng tỏ thì tốt hơn lúc trăng khuyết. Hiện nay việc lựa chọn ngày giờ cho hành lễ “Ba xỉ xù khuẳn” phần lớn thường được tổ chức vào ngày nghỉ, để cho bạn bè, họ hàng có thể đến dự được. Lễ “Ba xỉ xù khoẳn” thường được cử hành trước khi mặt trời lặn. Còn buổi tối thì không ai làm.

Đối với lễ “Ba xỉ xù khuẳn” còn có đồ trang sức như nhẫn, vòng lắc, dây chuyền, nước hoa, gương, lược và sợi chỉ để buộc tay. Còn nến mật ong thì đo vòng quanh đầu, khuỷu tay, thân của người chủ mâm lễ đồng thời cũng có vải tấm, khăn quàng đặt vào mâm lễ để tạ ơn, đáp nghĩa.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.