Tác giả lá cờ Tổ quốc

.

* Ai là tác giả của lá cờ Tổ quốc nền đỏ, sao vàng 5 cánh? Tôi nghe mang máng là do ông Nguyễn Hữu Tiến, người Hưng Yên phác họa, nhưng không biết đúng sai thế nào, mong quý báo nói rõ thêm. (Phan Thanh Chi, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)

- Quốc kỳ Việt Nam hiện nay đã tồn tại hơn 70 năm nhưng tác giả của lá cờ vẫn chưa được xác định một cách chính xác.

Cờ đỏ sao vàng rợp trời các tuyến đường quanh Hồ Gươm sau trận đội tuyển U23 Việt Nam thắng nghẹt thở trước đội tuyển U23 Qatar ở trận bán kết Vòng chung kết U23 châu Á.
Cờ đỏ sao vàng rợp trời các tuyến đường quanh Hồ Gươm sau trận đội tuyển U23 Việt Nam thắng nghẹt thở trước đội tuyển U23 Qatar ở trận bán kết Vòng chung kết U23 châu Á.

Báo Tiền Phong số ra ngày 2-7-2005, tác giả Thiên Sơn trong bài “Nhà văn Sơn Tùng và hành trình đi tìm tác giả Quốc kỳ” đã dẫn lời nhà văn, cho rằng lá cờ này đã được dùng lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 và tác giả là ông Nguyễn Hữu Tiến, lúc đó thường được gọi là “ông Hai Bắc Kỳ”.
Tuy nhiên, trong Công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18-4-2001 lại ghi: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc”.

Gần đây xuất hiện giả thuyết mới do Thành ủy Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đề nghị cho rằng ông Lê Quang Sô mới là tác giả cờ Tổ quốc.

Tác giả bài báo “Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?” trên báo Tuổi Trẻ ngày 22-11-2006, đã đưa ra nhiều thông tin khả tin về tác giả lá cờ đỏ sao vàng.

Theo đó, nhà nghiên cứu Trần Giang, chủ nhiệm công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về Nam Kỳ khởi nghĩa, cho biết đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã không có mặt tại hội nghị Tân Hương tháng 7-1940 – hội nghị quyết định về khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó có bàn thảo và quyết định cờ đỏ sao vàng. Và chỉ ba ngày sau hội nghị nói trên, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã bị bắt cùng với rất nhiều tài liệu quan trọng tại cơ sở in ấn bí mật.

Theo hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp, trong số 74 thứ tài liệu, vật dụng thu được trong vụ bắt đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thị Minh Khai ngày 30-7-1940, không có cờ đỏ sao vàng hoặc vật liệu, dụng cụ nào liên quan đến việc vẽ và in cờ.

Trong khi Bộ Văn hóa - Thông tin có ý kiến như nói trên, một số tờ báo như Ấp Bắc, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động... bắt đầu nhắc đến tên một nhân vật khác có thể là tác giả lá cờ đỏ sao vàng: đồng chí Lê Quang Sô.

Đồng chí Lê Quang Sô sinh năm 1894 ở Chợ Gạo (Tiền Giang), hoạt động cách mạng sớm, là trí thức Nho học và biết tiếng Pháp. Ông đã đi Trung Quốc năm 1927, từng gặp nhà ái quốc Phan Bội Châu, từng ở tù Côn Đảo cùng với Ngô Gia Tự, Trần Văn Giàu, Lư Sanh Hạnh... Khi ra tù, ông được Tỉnh ủy Mỹ Tho giao nhiệm vụ mở ba lớp đào tạo cán bộ năm 1937-1939. Đồng chí Lê Quang Sô cũng là người dịch quyển Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh của Trung Quốc và sau đó in 500 quyển phổ biến cho các nơi trước ngày khởi nghĩa.

Tại hội thảo về Nam Kỳ khởi nghĩa năm 2005 tại Mỹ Tho mà một trong những mục đích nhằm trả lời câu hỏi “ai là tác giả lá cờ đỏ sao vàng năm 1940?”, nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang) đã trình bày kết quả xác minh, tìm hiểu nhiều năm của mình và xác định đồng chí Lê Quang Sô là người đã thiết kế lá cờ đỏ sao vàng.

Sau khi nghe nhiều ý kiến trình bày tại hội thảo, ông Trần Hoàng Diệu (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang) kết luận rằng: người thiết kế cờ đỏ sao vàng là đồng chí Lê Quang Sô, từ ý tưởng của nhiều người, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam kỳ.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.