Người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ

.

* Sau khi phi công, phi hành gia người Việt Phạm Tuân (sinh năm 1947) trở thành người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô thì tôi nghe nói có một người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Xin cho hỏi người này là ai? (Nguyễn Tân, Hải Châu, Đà Nẵng).

Eugene Trịnh (phải) và các thành viên của phi hành đoàn tàu con thoi Columbia lịch sử năm 1992. Nguồn: Internet
Eugene Trịnh (phải) và các thành viên của phi hành đoàn tàu con thoi Columbia lịch sử năm 1992. Nguồn: Internet

- Đó là nhà vật lý thiên văn Trịnh Hữu Châu (tên tiếng Anh: Eugene Trịnh), người tham gia vào chuyến bay STS-50 của NASA và trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 25 tháng 6 năm 1992.

Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (www.vusta.vn) ngày 21-1-2005 có dẫn bài viết “Trịnh Hữu Châu và hành trình chinh phục không gian” với các chi tiết thú vị.
Theo đó, Eugene Trịnh sinh tại Sài Gòn (14-9-1950), lên 2 tuổi đã cùng gia đình sang cư trú ở Pháp. Học hết trung học, ông chuyển sang Mỹ, cư trú tại thành phố Culver, California. Ông nhận bằng cử nhân khoa học ngành cơ học và vật lý ứng dụng tại Đại học Tổng hợp Columbia năm 1972, rồi trở thành giảng viên vật lý sau khi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ vật lý ứng dụng tại Đại học Tổng hợp Yale danh tiếng.

Năm 1979, một vinh dự lớn đã đến với Trịnh Hữu Châu khi ông được mời vào làm việc tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Nghiên cứu lên bậc sau tiến sĩ, ông được cất nhắc tham gia khóa tập huấn chuyên gia nghiên cứu cho phòng thí nghiệm không gian, chuyên viên dự khuyết cho vị tiến sĩ nổi tiếng Taylor Wang trong các chuyến bay lên quỹ đạo.

Thời gian đầu, Trịnh Hữu Châu làm nhiệm vụ trực trạm kiểm soát không gian tại Trung tâm Không gian Johnson ở Houston, giữ liên lạc với tiến sĩ Wang. Trong trường hợp xảy ra sự cố (thường liên quan đến các modul động lực), ông sẽ đưa ra những hướng dẫn khắc phục. Vài năm sau, ông được bổ nhiệm làm trưởng nhóm kỹ thuật, chuyên nghiên cứu về chất lỏng và động lực lỏng.

Bài viết “Người Việt thứ hai bay vào vũ trụ” đăng trên trang vietnam-ukraina.vn (Hội Hữu nghị Việt Nam – Ukraine) cho biết năm 1983, NASA chọn ông để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) của mình. Ông trở thành người dự khuyết cho chuyên viên sức đẩy nổi tiếng Taylor Wang.

Tháng 8-1990, cái tên Eugene Trịnh được điền vào danh sách thành viên nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi. Ngày 25-6-1992, sau khi hoàn thành 2 năm huấn luyện, ông có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia STS – 50 bay lên không gian. Như vậy, Trịnh Hữu Châu đã trở thành người Việt thứ hai bay vào vũ trụ sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự trước đó 12 năm (1980).

Trang web của NASA cho biết chuyến bay STS - 50 của Eugene Trịnh kéo dài đúng 13 ngày, 19 giờ, 30 phút và 4 giây. Trong chuyến bay này, tại khoang vật lý DPM, ông đã thực hiện và theo dõi cùng lúc 3 thí nghiệm về sức đẩy, sự rơi của chất lỏng và kỹ thuật điều khiển chất lỏng không bình chứa do ông nghĩ ra.

Ông có hơn 40 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và châu Âu. Ông là thành viên của các hiệp hội nghiên cứu không gian như Tổ chức Nghiên cứu Sigma Xi, Hội Vật lý Mỹ, Hội Cơ học Mỹ, Viện Hàng không và không gian Mỹ, Hiệp hội Nghiên cứu về nguyên liệu, Hiệp hội Khám phá không gian... NASA đã trao tặng ông huy chương Phi hành gia, huy chương Thành tựu khoa học đặc biệt và bốn bằng phát minh cùng với các đồng nghiệp.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.