Đường phố, đường cái quan, tuyến đường

.

* Trong một bưu ảnh thời Đà Nẵng là nhượng địa của Pháp, tôi thấy có ghi “TOURANE - Boulevard Jules Ferry - Artillerie - Hôpital Militaire”. Vì sao không gọi là Rue (đường phố) mà lại gọi Boulevard (đại lộ)? Ở Đà Nẵng lúc đó còn cách gọi nào khác để chỉ các con đường? (Hoàng Lập, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng).

Đại lộ Jules Ferry, nay là đường Trần Phú, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)
Đại lộ Jules Ferry, nay là đường Trần Phú, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)

- Chú thích bưu ảnh này có nghĩa là “ĐÀ NẴNG - Đại lộ Jules Ferry - Pháo binh - Bệnh viện Quân đội”. Trong ảnh, tòa nhà nhỏ bên trái là trại Pháo binh, tòa nhà lớn bên phải là Bệnh viện Quân đội Pháp.
Ở Đà Nẵng, ngày trước người Pháp dùng từ Rue để gọi các đường phố. Từ điển Pháp - Việt (có thể tra trực tuyến tại địa chỉ tratu.coviet.vn) giảng: Rue (danh từ giống cái) nghĩa là đường phố, phố. Ví dụ: Rue de Champeaux về sau đổi thành Rue de la République (đường Cộng hòa) - nay là đường Hùng Vương.
Đường Jules Ferry được gọi là đại lộ, bởi được mang tên Thủ tướng Pháp Jules Ferry (1832-1893). Sau năm 1955, Boulevard Jules Ferry được đổi thành đường Độc Lập, và sau ngày giải phóng đất nước từ năm 1975 đổi thành đường Trần Phú cho đến nay.

Thời đó, Đà Nẵng có một số đường được gọi là Route (thay vì Rue) đi qua vùng phụ cận hoặc nối từ đường phố đến vùng phụ cận. Như trường hợp Route Quang Nam (đường Quảng Nam, nay là đường Trưng Nữ Vương), nối từ Boulevard Jules Ferry (nay là đường Trần Phú) đến Nhà máy nhiệt điện Liên Trì và đi về hướng Quảng Nam, được nói đến trong bài “Đường Trưng Nữ Vương: Khí phách khách quần thoa” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 11-6-2011.

Tiếng Pháp, Route (danh từ giống cái) nghĩa là đường, đường sá (nói chung); một số từ điển như dict.com/phap-viet giảng thêm là đường cái. Đây chính là nét nghĩa được dùng trong Route Mandarine: đường Cái quan hay đường Thiên lý, cũng có khi gọi là đường Quan lộ, hay đường Quan báo. Đây là con đường huyết mạch từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam Việt Nam, chủ yếu đắp vào đầu thế kỷ XIX, nay là quốc lộ 1A.

Hoặc trường hợp được ghi nhận theo bưu ảnh được đóng dấu bưu điện ngày 12-9-1908 với chú thích: “Environs de Tourane - Route Mandarine” (Vùng phụ cận Đà Nẵng - đường Cái quan). Một trường hợp khác được Henri Cosserat, một học giả người Pháp, mô tả trong bài “La Route Mandarine de Tourane à Hué” (Đường Cái quan Đà Nẵng - Huế) đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué số tháng Giêng - Ba, năm 1920.

Tiếng Pháp còn có một từ khác là Ligne được từ điển Pháp - Việt (tratu.coviet.vn) giảng là “tuyến đường”, là “đoạn đường dài” đi qua các địa điểm trên cùng một tuyến. Ví dụ: La ligne Tourane - Nhatrang (tuyến Đà Nẵng - Nha Trang), La ligne Tourane à Hué (tuyến Đà Nẵng - Huế, La ligne Tourane/Quangngaï (tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Ngày nay, Đà Nẵng có các tuyến đường (gọi tắt là tuyến) Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (thuộc tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc); tuyến đường vành đai phía nam Đà Nẵng (nối từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại xã Hòa Phước, chạy qua xã Hòa Tiến đến xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang); tuyến đường vành đai phía Tây (điểm đầu tại quốc lộ 14B, xã Hòa Khương, giao với điểm cuối tuyến vành đai phía nam; điểm cuối tại Km19+177,30 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung, xã Hòa Liên)…

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.