Nón quai thao và nón ba tầm

.

* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần số Chủ nhật 23-8-2020 có nói về nón quai thao. Cho tôi hỏi, nón quai thao có phải là tên gọi khác của nón ba tầm? (Lê Thục Uyên, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

Nón ba tầm cổ có quai thao được phục chế (ảnh trái) và nón ba tầm với hình vẽ có chú thích trong sách Technique du peuple Annamite, Henri Oger, năm 1909. Nguồn: TTVH
Nón ba tầm cổ có quai thao được phục chế (ảnh trái) và nón ba tầm với hình vẽ có chú thích trong sách Technique du peuple Annamite, Henri Oger, năm 1909. Nguồn: TTVH

- Rất nhiều người nhầm lẫn giữa nón quai thao và nón ba tầm. Thực ra, nón quai thao chỉ là một cách gọi, một khái niệm chung chung về các loại nón xưa, trong khi nón ba tầm là một loại nón cụ thể cùng với các loại khác như: nón thúng, nón lòng chảo, nón bứa (trông giống một nửa quả bứa), nón chân tượng (chân voi)...

Bài Tìm lại chiếc nón ba tầm của nhà nghiên cứu Quang Thắng đăng trên Báo Văn hóa - Thể thao cuối tuần ngày 24-7-2016 đã dẫn tư liệu từ cuốn Technique du peuple Annamite (1909) của Henri Oger, phần chú thích bằng chữ Hán về cái tên nón ba tầm: “Nón phụ nữ, tục ngôn ba tầm”. Chữ “tầm” ở đây là chữ để chỉ kích cỡ đo lường như trong “tầm cỡ, tầm thước, tầm vóc...”. Một “tầm” bằng tám “thước” (hay xích trong chữ Hán).

Trong cuốn Connaissance du Viet Nam (1954), tác giả còn giải thích rõ hơn: “Nón ba tầm, chapeau de trois tầm (3 fois 8 pouces: 1m.20)”. Nghĩa là: “Nón ba tầm (3 lần 8 thước: 1,20m)”. Như vậy, trái ngược với một cách giải thích đang ngày càng trở nên phổ biến rằng: “Nón ba tầm là cách đọc trại đi từ nón ba tầng, ba tầng là ba lớp lá lợp nón”.

Trong khi đó, nón quai thao là loại nón có quai nón bằng lụa rất đặc biệt do những người thợ ở làng Đơ Thao, Triều Khúc (Hà Nội) dệt nên. Chiếc quai thao được tết bện, nhuộm rất cầu kỳ trở thành một loại quai nón cao cấp. Vì thế, chiếc quai thao còn đắt hơn cả chiếc nón.

Quai thao được sử dụng với nhiều loại nón trang trọng như nón dâu, nón thầy tu (thao đen), và cả với các loại nón ba tầm, nón thúng cho những phụ nữ gia đình khá giả hoặc chị em phụ nữ nói chung trong những dịp đặc biệt như lễ hội, đóng đám... Như vậy, quai thao có thể kết hợp với nhiều loại nón khác nhau, trong đó rất phổ biến là quai thao kết hợp với nón ba tầm.

Là một loại trang sức đặc biệt và cầu kỳ, chiếc quai thao trở thành chi tiết nổi bật hơn cả ở chiếc nón và thường được nhắc tới trước tiên “nón quai thao”. Và cũng vì những tính chất nêu trên mà nón quai thao trở thành một khái niệm để chỉ chung những chiếc nón quý, nón lễ hội, trở thành một hình tượng phổ biến trong văn học dân gian thường ẩn dụ cho vẻ đẹp của người con gái.

Vì quá chú trọng vào dữ liệu ca dao, dân ca mà người ta đã “sáng tác” ra những cách giải thích lãng mạn về chiếc nón quai thao như: nón quai thao là dành cho thiếu nữ đi hội, còn nón ba tầm dành cho phụ nữ lớn tuổi hoặc trong lúc lao động.

Nón ba tầm đã trở nên thân thiết với những người phụ nữ Việt cả những khi chân lấm tay bùn, và cả những khi nô nức trẩy hội như đoạn trích trong bài dân ca Lý cây đa: “Chẻ tre đan nón (ta à a lý lý như) ba tầm, ai xui cô mình đội xem hội (cái) đêm Rằm”. Tất nhiên, các cô nàng trẩy hội đều đội nón ba tầm có quai thao, chiếc quai làm tăng vẻ quý phái, nền nã của phụ nữ Kinh Bắc và dẫn đến sự nhầm lẫn như đã nói trên.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.