Bùi Xương Tự (1656-1728) tự Gia Lạc, hiệu Túc Trai, là danh thần đời Lê Thần Tông, dòng dõi Quảng Quốc công Bùi Xương Trạch, quê ở làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông là thân phụ của Trúc Viên cư sĩ Bùi Dụng Tân và là nội tổ của nhà văn Bùi Huy Bích (1744-1818, tác giả Hoàng Việt thi tuyển).
Đường Bùi Xương Tự. Ảnh: L.G.L |
Thuở nhỏ, ông học rất giỏi, là một trong những danh sĩ của đất Hà Nội nổi tiếng về tài văn thơ, sáng tác bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. 22 tuổi, ông thi Hương đỗ tứ trường nhưng thi Hội ba lần đều không đỗ. Ông được bổ làm Thị nội Văn chức, Hiển cung Đại phu; rồi làm Tham nghị ở ty Thừa chính Thái Nguyên, Huấn đạo phủ Nam Sách, Tri phủ Nghĩa Hưng... được phong tặng Hoàng tín Đại phu, Hàn lâm viện Thị độc, gia phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, tước Phong Khánh Bá.
Theo bài viết Thơ Nôm Bùi Xương Tự của tác giả Nguyễn Đăng đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1-1986, các tác phẩm của ông nay còn lại một số bài ghi trong Hoàng Việt thi tuyển, Bùi Thị Gia phả. Riêng về thơ Nôm của ông chỉ còn để lại 16 bài chép trong sách Bùi thị Gia phả giữ ở kho sách của Thư viện Hán Nôm, ký hiệu A640. Các bài thơ này dường như có chung chủ đề là ca ngợi danh lam thắng tích, nơi ông đã từng sống và làm việc, trong đó, 9 bài sáng tác khi ông làm Huấn đạo phủ Nam Sách; 4 bài sáng tác trong những năm 1699-1706, khi ông giữ chức Tri phủ Nghĩa Hưng; 1 bài viết năm 1707 khi ông được thăng chức Hiến sát phó trấn Thanh Hóa; 2 bài viết năm 1715 khi ông phụng mệnh đi công cán ở trấn Sơn Nam Hạ.
16 bài thơ Nôm của ông gồm: Đề Bình Phong sơn tự (Đề chùa núi Bình Phong) kỳ 1; Đề Bình Phong sơn tự (Đề chùa núi Bình Phong) kỳ 2; Đề Tiên Sơn tự (Đề chùa Tiên Sơn); Bến Hới; Bồng Châu; Cửa Đạt; Cửa Lục; Giao Thủy thị (Chợ Giao Thủy). Hoàng Đạo tuần (Điếm tuần Hoàng Đạo); Kênh hai; Mỹ Côi tự thuật (Tự thuật cảnh Mỹ Côi); Ngã ba Nông; Phúc Lâm tự (Chùa Phúc Lâm); Tự nhiên châu; Thần Phù; Vạn công.
Thơ ông viết rất trong sáng, lời lẽ bình dị, ít dùng điển cố. Đọc lại thơ Nôm của ông, chúng ta không chỉ được thưởng thức những câu thơ hay, những tứ thơ lạ, mà còn tìm được những cứ liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Chẳng hạn từ “Song viết” (tác giả bài đã dẫn chú thích hai từ này là “chưa rõ nghĩa”), đến cuối thế kỷ XVII còn thấy Bùi Xương Tự sử dụng. Điều đáng lưu ý hơn là tiếng “viết” trong từ “song viết” lại được dùng để hiệp vận trong bài thơ vần trắc trong bài “Cửa Đạt” như dưới đây:
Cảnh thanh mất thú càng thanh mất
Mọi cửa đều thông danh cửa Đạt.
Sóng lẩn đầu ghềnh thuở gió doi
Khói lòa mặt nước khi sương toát.
Thanh thơi bến liễu tiện vào ra
Ngang dọc thuyền lan dầu cậy bát
Bờ cõi văng băng chẳng cấm ngăn
Mặc ai chiếm lấy làm song viết.
Ở bài Mỹ Côi tự thuật (Tự thuật cảnh Mỹ Côi), Bùi Xương Tự ghi lời dẫn (nguyên văn bằng chữ Hán, tác giả bài đã dẫn dịch ra quốc ngữ) rằng: “Ta vâng lệnh triều đình làm lễ báo công. Lúc này bầu trời trong sáng, cảnh tượng hiền hòa. Mù tan gió lặng, trăng sáng sao trong. Đỉnh núi chót vót, cây cối sum suê. Mai khoe hương tuyết, thông rợp tán mây. Sách vở đầy nhà, thú vui không kể. Bốn vẻ đẹp đủ đầy, bảy vần thơ gợi mở”. Cảnh Mỹ Côi và tình của ông đã được ông gửi vào trong 56 chữ của bài thất ngôn bát cú:
Thu mảng tin xuân báo hạn lành,
Cảnh thanh chiều khách mới càng thanh.
Quải hàng thông nhuộm xanh pha tán,
Chiếm bảng mai khoe bạc rỡ cành
Mòn ráng phủ thơm phong tám bức,
Đèn trăng khôn rạng suốt năm canh.
Chén dâng kính chúc hoàng vương thọ
Tuổi sánh Nam sơn ví Lão Bành.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường có mặt đường bằng bê-tông nhựa dài 290m, rộng 7,5m, từ đường Nguyễn Nhàn đến đường Phong Bắc 12 thuộc khu dân cư Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, theo Nghị quyết số 24 /2012/NQ-HĐND ngày 4-7-2012 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC