Phùng Khắc Khoan là một thiên tài, một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Những cống hiến xuất sắc của ông về tư tưởng chính trị, về sự nghiệp văn học đã đặt ông vào vị trí một nhân tài danh cao, vọng trọng.
Đường Phùng Khắc Khoan giao nhau với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: V.Đ.P |
Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, tục gọi là Trạng Bùng, người làng Phùng Xá (hay còn gọi là làng Bùng), huyện Thạch Thất, nay thuộc Hà Nội. Năm 1545 (tức 17 tuổi), ông sang Hải Dương thụ nghiệp Nho học, rồi trở thành học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc này, ông nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số. Năm 30 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Hương, sau đó được giữ chức Ký lục ở ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ và được tham dự việc cơ mật.
Từ năm 1558-1571, đời Lê Trung Tông, ông vâng mệnh đi các huyện chiêu dụ lưu dân về làm ăn như cũ. Khi về được thăng Cấp sự trung Binh khoa, rồi đổi sang Cấp sự trung Bộ Lễ. Vì tính hay nói thẳng trái ý vua nên ông bị giáng chức và đày ra tận Con Cuông, vùng núi heo hút của tỉnh Nghệ An, ít lâu sau lại được triệu về.
Năm 1580, đời vua Lê Thế Tông, ông dự khoa thi Hội và đã đỗ Nhị giáo Tiến sĩ tức là Hoàng Giáp, đứng ngay sau Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai (1553-1628, là một danh tướng, khai quốc công thần thời Lê Trung Hưng) và được thăng làm Đô cấp sự. Năm 1582, ông xin từ quan về nhà riêng ở Vạn Lại (Thanh Hóa) và được vua chấp thuận. Năm 1583, triều đình lại mời ông ra làm Hồng lô tự khanh. Năm 1585, ông được chuyển sang làm Hữu thị lang Bộ Công, rồi cử làm Thừa chính sứ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). Theo bài tựa Ngôn chí thi tập do ông làm năm 1586, thì chức tước của ông lúc bấy giờ là “Công thần Kiệt tiết Tuyên lực, đặc ân Kim tử vinh lộc đại phu, làm chức Tán trị thừa chánh sứ ty các xứ Thanh Hoa”.
Năm 1592, nhà Lê đánh thắng nhà Mạc, trở lại kinh thành Thăng Long thiết lập chế độ vua Lê - chúa Trịnh, trong đó có công lao lớn của Phùng Khắc Khoan. Ông đã nhiều lần sử dụng sự hiểu biết và tài trí của mình giải đáp những loại câu “đố chữ” ngang ngược của các sứ thần bành trướng phương Bắc để “giao tiếp với thiên triều”. Năm 1596, ông cùng một số đại thần mang các giấy tờ có in mẫu ấn An Nam Đô thống sử ty và mẫu ấn An Nam quốc vương cùng một trăm cân vàng và một nghìn lạng bạc lên Nam Quan để quan nhà Minh công nhận. Sau đó, 10 ngày thì vua Lê Thế Tông cũng lên Nam Quan để hội khán, nhưng đã bị quan nhà Minh tìm cách không gặp.
Trong hoàn cảnh quan hệ khó khăn như vậy, vào năm 1597 (Đinh Dậu), vua Lê đã cử ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc triều cống, với khí phách hào hùng, trí tuệ uyên bác, giỏi biện bác, ông đã áp đảo các quan lớn nhà Minh và khiến vua Minh chấp nhận những lý lẽ, biện bác của ông. Trong buổi lễ chúc thọ vua Minh, sứ thần các nước được yêu cầu làm thơ chúc tụng, Phùng Khắc Khoan đã làm luôn 36 bài khiến vua tôi nhà Minh và các sứ thần đều sửng sốt. Minh Thần Tông đọc xong cất lời khen: “Nhân tài ở đâu cũng có. Xem thơ Khắc Khoan thấy rõ là người học rộng, lại đầy lòng trung nghĩa, thực là đáng khen”. Vua Minh ban lệnh cho khắc in tập thơ của Chánh sứ Việt Nam và gọi ông là “Phùng Kỳ lão”, coi như bậc Trạng nguyên.
Trên đường đi về, ông có dịp thăm nhiều xưởng dệt tơ ở nước bạn. Ông để ý quan sát và ghi chép kỹ lưỡng những kỹ thuật của họ. Trở về nước, ông đã phổ biến cách dệt tơ cho vùng quê Kẻ Bùng, từ đó nơi đây có nghề sản xuất tơ lụa và nổi tiếng nhất là “lượt Bùng”.
Đi sứ về, chúa Trịnh Tùng kính trọng tài năng và khí phách của ông, gọi ông là Phùng tiên sinh, còn trong dân gian thì gọi ông là Trạng Bùng. Đích thân vua Lê qua sông Cái để đón ông về kinh đô. Sau đó, ông được phong làm Thượng thư Bộ Hộ, Bộ Công, tước Mai Lĩnh Hầu, rồi thăng tước Mai Quận Công. Khi đã gần tuổi 80, ông thường cùng các bạn văn du ngoạn núi Thầy (Sài Sơn) và có xây hai nhịp cầu ở bên hồ một ngôi chùa gọi là Nhật Tiên kiều. Ông luôn quan tâm đến đời sống dân làng, tổ chức đào mương, dẫn nước vào cánh đồng quanh núi Thầy, đưa nước về tưới cho các cánh đồng Phùng Xá, Hoàng Xá…
Năm 1613, ông mất, thọ 85 tuổi, sau đó được truy tặng chức Thái phó. Nhân dân làng Phùng Xá lập miếu thờ và tôn ông là Phúc thần, thần Thành hoàng. Thậm chí, ông còn được tôn là Lưỡng quốc Trạng nguyên (tức Trạng nguyên của cả nước ta và Trung Quốc thời Minh).
Phùng Khắc Khoan là một tác gia lớn của nền văn chương nước nhà trong thế kỷ XVI, XVII, nhiều tác phẩm của ông có giá trị nhân văn sâu sắc như: Nông sự tiện lãm (Những điều cần biết về nghề nông), Ngư phủ nhập Đào nguyên, Chu Dịch quốc âm ca, Mai lĩnh sứ Hoa tùng vịnh, Phùng Khắc Khoan thi tập, Phùng Thái phó Trạng nguyên thi,…
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 150m, rộng 4m, từ đường Nguyễn Văn Siêu đến đường Mai Hắc Đế, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 35 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, khóa VI, kỳ họp thứ 9, ngày 23-7-2003 về Đặt, đổi một số tên đường ở Đà Nẵng.
VIÊN ĐÌNH PHONG