Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973) xuất thân trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là con của cử nhân Tôn Thúc Định. Thuở nhỏ ông học ở Vinh, rồi học lớp đầu tiên của trường Quốc học Vinh, cùng với những bạn đồng môn như Đặng Thai Mai, Nguyễn Sĩ Sách, Phạm Thiều... Trong 4 năm học lấy bằng Thành chung tại đây, ông luôn là người mẫu mực, năm thứ 3 đã có thể viết truyện ngắn, viết báo với nội dung yêu nước sâu sắc.
Đường Tôn Quang Phiệt. Ảnh: V.T.L |
Năm 1924, sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Vinh, ông đăng ký vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Ngày 25-1-1925, ông và 16 sinh viên yêu nước của trường, trong đó có: Phạm Thiều, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quốc Túy… tổ chức thành lập hội Việt Nam Nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu. Tổ chức này sau khi được thống nhất với Hội Phục Việt ở Vinh, ông được cử làm Hội trưởng. Sau, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam (11-1925) rồi cuối cùng là Đảng Tân Việt (1928), một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 6 năm 1926, ông cùng các hội viên Hội Phục Việt như Trần Phú, Vương Thúc Oánh, Hoàng Tùng… sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp các nhân vật trong Việt Nam Cách mạng đảng. Nhưng mới đến Móng Cái thì ông và Hoàng Tùng bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị đem về giam tại Hà Nội. Sau một thời gian, không đủ chứng cớ buộc tội, ông được tự do, tiếp tục bí mật hoạt động và dạy tại Trường trung học tư thục Thăng Long.
Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, ông lại bị bắt, bị Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 7 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc theo bản án số 11 ngày 21-1-1930 và đày đi Buôn Ma Thuột. Trong tù, ông cùng anh em tù chính trị sáng tác thơ văn làm vũ khí đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc.
Năm 1934, ông ra tù, rồi bị quản thúc; xin dạy học tại một trường tư thục ở Vinh một thời gian, sau đó ông vào Huế mở trường và làm hiệu trưởng Trường tư thục Thuận Hóa và bắt liên lạc với phong trào cách mạng nơi đây. Từ năm 1936 - 1945, ông tham gia vào Mặt trận Dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và sau đó hoạt động trong Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương ở Huế.
Ngày 23- 8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thành công, ông được bầu làm Chủ tịch UBND Cách mạng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên, sau đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính Thừa Thiên. Từ năm 1946 – 1963, ông liên tục là đại biểu Quốc hội và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Quốc hội và nhiều hội, đoàn thể.
Từ năm 1954, ông tập trung nghiên cứu về lịch sử và văn học, tham gia vào Ban nghiên cứu Sử, Địa, Văn. Các tác phẩm, công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông có thể kể đến Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam (xuất bản năm 1946); Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam (xuất bản năm 1950), Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam (xuất bản năm 1958),… Ông còn là một nhà thơ, nhà văn với các tác phẩm như Thanh khí tương cầu (thơ lục bát), truyện thơ Khách không nhà, tiểu phẩm Bẻ nạng chống trời, Duyên nợ bên hồ, Một ngày ngàn thu...
Ông còn là một dịch giả Hán học nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lại được đào tạo Hán học từ nhỏ, với tư chất thông minh cho nên ông rất am hiều về Hán văn, chính vì thế mà tác phẩm dịch thuật của ông được giới nghiên cứu rất tin cậy, thường dùng để trích dẫn. Các tác phẩm dịch thuật của ông như: Phan Bội Châu niên biểu (do ông và Phạm Trọng Điền dịch từ hồi ở Việt Bắc, in lần đầu năm 1955 và năm 1957 được NXB Văn - Sử - Địa in lần thứ hai); Việt Nam nghĩa liệt sư (một tác phẩm của Phan Bội Châu viết về những sự việc các đồng chí của ông đã hy sinh oanh liệt) in năm 1959.
Ông mất ngày 1-12-1973, trong một chuyến công tác tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Điếu văn đọc tại tang lễ ông ngày 5-12-1973 có đoạn: “Đồng chí là tấm gương sáng của một người trí thức giàu lòng yêu nước, trung thành với cách mạng, với nhân dân, chiến đấu bền bỉ, đã không ngừng tự trau dồi và rèn luyện để đạt tiêu chuẩn người cách mạng chân chính”.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Tôn Quang Phiệt được Nhà nước trao tặng Huân Chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 575m, rộng 7,5m, từ đường Thế Lữ đến đường Vân Đồn, theo Nghị quyết số 15/2004/NQ/HĐND ngày 16-12-2004 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC