.

Tốt Động - Chúc Động

.

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/ Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm. Có thể nói hai câu văn biền ngẫu trong bài Bình Ngô đại cáo này đã nêu bật chiến thắng quân sự lớn lao của nghĩa quân Lam Sơn trong hành trình 10 năm kháng chiến chống quân Minh, bảo vệ đất nước.

Đường Chúc Động. Ảnh: V.T.L
Đường Chúc Động. Ảnh: V.T.L

Tụy Động là tên gọi khác của Tốt Động (nay là xã Tốt Động), là nơi nghĩa quân Lam Sơn phục binh chặn đánh cánh tiên phong của quân Minh ở Đông Quan do Vương Thông cầm đầu. Ninh Kiều là tên gọi khác của Chúc Động (nay là thị trấn Chúc Sơn), là nơi nghĩa quân Lam Sơn mai phục chặn đánh hậu quân của quân Minh từ Đông Quan kéo ra. Hai địa điểm này cách nhau khoảng 6 - 7km, đều thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội ngày nay.

Theo kế hoạch, sáng ngày 7-1-1426, quân Minh từ đông Chúc Động chia làm 2 đạo xuất phát tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn đang đóng ở Cao Bộ. Đạo kỳ binh, quân số ít, xuất kỳ bất ý đến phía sau doanh trại của ta ở Cao Bộ. Đạo quân này có nhiệm vụ đặt pháo ở phía sau quân ta rồi bất ngờ nổ pháo nhằm đánh lạc hướng quân ta và làm hiệu lệnh cho các cánh quân địch đồng thời đánh khép lại. Đạo chính binh, tức đạo quân chủ lực do Vương Thông trực tiếp chỉ huy từ phía đông Ninh Kiều vượt sông Ninh Giang tiến đến phía trước căn cứ Cao Bộ. Đạo quân này có nhiệm vụ khi nghe pháo hiệu của đạo kỳ binh sẽ tiến công mãnh liệt vào mặt trước Cao Bộ.

Khi đạo quân chủ lực do Vương Thông chỉ huy đến vùng Tốt Động thì quân ta bắn pháo hiệu đánh lừa địch. Quân địch nghe tiếng pháo tưởng là pháo hiệu của cánh kỳ binh bên mình nên vội tiến sâu vào trận địa mai phục của quân ta và đổ xô đi chiếm lấy những địa điểm thuận lợi theo hiệu lệnh trước lúc tiến quân. Trong khi đó, quân mai phục của ta vẫn án binh bất động. Chờ đến khi tiền quân của địch đã lọt vào trận địa mai phục của quân ta ở Tốt Động và hậu quân của địch đã qua hết sông Ninh Giang, quân ta mới nhất tề xông ra đánh mãnh liệt.

Tại Tốt Động, phần lớn quân địch đã bị quân ta và voi chiến dồn vào cánh đồng lầy lội, bị cắt ra thành từng nhóm nhỏ và lần lượt bị tiêu diệt. Thêm vào đó, trời đổ mưa to, lầy lội càng thêm lầy lội, hàng ngũ địch quân rối loạn, hoảng hốt, mất hết khả năng chiến đấu. Từ các gò đất, lùm cây quân ta dùng giáo, lao, đặc biệt là cung nỏ giết chết hàng loạt quân địch. Vương Thông hoàn toàn bất lực trước cảnh hỗn loạn và khiếp sợ của quân lính. Bản thân y cũng bị một mũi tên bắn bị thương cạnh sườn.

Theo trang lichsuvietnam.vn thì cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt khoảng 4-5 tiếng đồng hồ (từ 10 giờ đến 15 giờ ngày 7-11). Quân ta đã đập nát bộ phận tiền quân của địch, hàng vạn quân địch bỏ xác trên chiến trường Tốt Động. Vương Thông và cùng đám tàn binh tìm đường tháo chạy về Chúc Động.

Khi được tin tiền quân bị thua và thấy bọn tàn binh hoảng hốt tháo chạy, trung quân và hậu quân của địch bị ùn lại trên quãng đường từ Tốt Động đến Chúc Động cũng nhốn nháo tìm đường rút lui. Nhiều khối quân địch ở đạo chính binh chưa bị đánh đã tan vỡ cả hàng ngũ và mất hết tinh thần chiến đấu.

Đạo kỳ binh lúc bấy giờ đang trên đường tiến về phía sau Cao Bộ bỗng nhiên nghe tiếng súng nổ ở Cao Bộ. Tướng giặc chưa hết kinh ngạc vì tín hiệu đáng lẽ do cánh kỳ binh phát ra thì hay tin Tổng binh Vương Thông bị rơi vào trận địa mai phục ở Tốt Động, không thể tiến về phía trước Cao Bộ được. Biết đã mắc mưu quân ta, Vương Thông vội vã ra lệnh cho cánh kỳ binh chạy về Chúc Động.

Đúng lúc đó, tại Chúc Động, quân mai phục của ta lại đổ ra đánh vào cánh kỳ binh và hậu quân của cánh chính binh cùng với tàn quân ở Tốt Động chạy về. Từ các núi, các cánh đồng hai bên đường, quân ta xông ra chặn đánh ngang đường rút lui, chia cắt quân địch ra nhiều mảnh mà tiêu diệt. Cầu Ninh Kiều lập tức bị quân ta phá hủy, và dòng sông biến thành chiến tuyến cản đường rút chạy của địch về Đông Quan. Hàng vạn quân địch bị giết và bị bắt. Bọn sống sót liều lĩnh vượt qua Ninh Giang bị chết đuối nhiều đến nỗi “… nước Ninh Kiều vì thế mà tắc nghẽn” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Chiến trận Tốt Động - Chúc Động, quân ta đã tiêu diệt trên 6 vạn quân địch, trong đó 5 vạn tên bị giết, 1 vạn bị bắt sống. Một lực lượng lớn tháo chạy qua sông Ninh Giang bị chết đuối nhiều đến mức “làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang” như sách Việt sử thông giám cương mục chép. Các chỉ huy của quân Minh là Trần Hiệp, Lý Lượng, Lý Đằng bị giết tại trận. Ngay Vương Thông cũng bị thương.

Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như là một trong những mẫu mực điển hình nhất của nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, như Nguyễn Trãi đã tổng kết trong Bình Ngô đại cáo: Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục/ Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên trận chiến này cho hai con đường đều dài 900m, rộng 5,5m, từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Trần Đình Tri, thuộc Khu dân cư Hòa Minh và Khu dân cư Thanh Lộc Đán, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ/HĐND ngày 3-12-2010 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.