Cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, Hà Tiên là một thương cảng sầm uất của vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Mảnh đất này gắn liền với lịch sử dòng họ Mạc - Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tích, hai bậc khai quốc công thần có công khai khẩn, mở cõi và bảo vệ vùng đất Hà Tiên.
Đường Mạc Cửu và đường Mạc Thiên Tích. Ảnh: V.Đ.P |
Mạc Cửu (1655 - 1735), còn gọi là Mạc Hích Cửu, là người Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Năm 1679, vì bất mãn không phục nhà Thanh nên ông đem gia quyến sang nước ta, rồi nhập tịch Việt Nam vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Lúc đầu, ông phiêu bạt đến đất Chân Lạp, sau thấy nội tình Chân Lạp rối ren. Bấy giờ, đất Mang Khảm (tên vùng đất Hà Tiên lúc ấy) thuộc tỉnh Peam (người Hoa gọi Phương Thành) có nhiều thương nhân nước ngoài đến làm ăn buôn bán, tụ tập mở sòng bạc nên ông đến khai phá, chiêu mộ lưu dân ở các nơi: Phú Quốc, Lũng Kỳ (hay Trũng Kè, Lũng Cả-réam), Cần Bột (Cần Vọt - Kampôt), Hương Úc (Vũng Thơm - Kompong Som), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau, lập thành bảy xã thôn, khuyến khích và hỗ trợ nông cụ cho người dân khai hoang trồng trọt.
Khoảng năm 1687, quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên, bắt ông cùng gia quyến đưa về Xiêm cho ở tại cảng Muang Galapuri (người Hoa gọi là Vạn Tuế Sơn). Hai năm sau, nhân lúc nước Xiêm có loạn, ông trốn về Lũng Kỳ, sau đó, bắt tay vào việc khôi phục và phát triển Hà Tiên trở thành thương cảng sầm uất. Năm 1714, ông dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn Phúc Chu phong chức Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc hầu, đóng bản dinh tại Phương Thành và chính thức cho đổi tên vùng đất này thành Hà Tiên trấn.
Năm 1735, sau khi mất, ông được chúa Nguyễn truy tặng “Khai trấn Thượng trụ Quốc Đại tướng Quân Võ Nghị Công”.
Mạc Thiên Tích (1706 - 1780), nguyên tên là Tông, còn có tên gọi khác là Mạc Thiên Tứ, tự là Sĩ Lân, sinh tại Lũng Kỳ.
Năm 1735, sau khi cha mất, ông nối nghiệp cha tiếp tục mở mang trấn Hà Tiên và được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Lúc bấy giờ, đất đai được khai khẩn, chợ búa được mở mang, có thêm bốn huyện Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang, Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu, Bãi Xàu). Cùng với sự mở mang đất đai, phong trào văn chương thơ phú, luận đàm kinh sử cũng phát triển.
Năm 1775, ông đã đem binh sĩ giúp Định vương Nguyễn Phúc Thuần khi vương đang bị nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi buộc phải chạy vào Gia Định. Năm 1777, sau khi Định vương và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương bị giết, ông chạy sang Xiêm (Thái Lan), tại đây do bị vu khống nên ông đã tự tử.
Ông đã từng được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu. Ông là một vị quan cai trị, một nhà dinh điền tài giỏi. Ngoài công lao về đối ngoại, trị an, bảo vệ và mở mang vùng đất Hà Tiên và khu vực Tây Nam Bộ vào thế kỷ XVIII, ông còn là người khai sáng, đặt nền móng cho văn học Hà Tiên rạng danh một thời, góp phần rất lớn trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông lập ra Chiêu Anh Các và để lại nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, như: Hà Tiên thập vịnh; Hà Tiên vịnh vật thi tuyển; Minh bột di ngư thi thảo; Thi thảo cách ngôn vị tập; Thi truyện tặng Lưu tiết phụ…
Ghi nhận những đóng góp của hai cha con ông, thành phố Đà Nẵng đặt tên hai ông cho 2 con đường nằm song song nhau tại Khu dân cư Nam Tiên Sơn mở rộng, khu dân cư số 4 và khu dân cư số 4 mở rộng, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 50/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố ngày 12-12-2013 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng. Đường Mạc Cửu, dài 495m, rộng 7,5m, từ đường Đoàn Khuê đến giáp đường Chương Dương. Đường Mạc Thiên Tích, dài 430m, rộng 7,5m, từ đường Đoàn Khuê đến giáp đường Anh Thơ.
VIÊN ĐÌNH PHONG