.

Lý Nhật Quang - bậc thánh xứ Nghệ Tĩnh

.

Lý Nhật Quang (? - 1057) là một hoàng tử và quan nhà Lý, được nhân dân vùng Nghệ Tĩnh tôn làm bậc thánh và lập đền thờ tại nhiều nơi.

Đường Lý Nhật Quang. Ảnh: L.G.L
Đường Lý Nhật Quang. Ảnh: L.G.L

Ông húy là Lý Hoảng, hiệu là Bát lang hoàng tử, là con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ, là anh em cùng mẹ với vua Lý Thái Tông, sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long. Thuở nhỏ ông đã bộc lộ tư chất mẫn tiệp và cung cách thông minh hơn người, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử, được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm thành rường cột nước nhà.

Năm 1028, vua Thái Tổ băng hà, em cùng mẹ của ông là Lý Phật Mã lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Thái Tông.

Ngày ấy, Hoan Châu (xứ Nghệ) là vùng đất biên viễn trọng yếu phía nam của Đại Việt, thường có giặc phương nam và phương tây quấy rối. Nhận thức được đây là vùng đất tác động đến sự thịnh suy của đất nước, năm 1039, vua Thái Tông (1028 - 1054) đã cử Uy Minh hầu Lý Nhật Quang vào Nghệ An trông coi việc tô thuế. Sách Việt điện u linh chép, ông “giữ chức mấy năm, sợi tơ, sợi tóc của dân không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, nhà vua càng quý mến, ban cho hiệu là Uy Minh Thái tử, giao cho việc quản dân ở châu ấy”.

Năm 1041, ông được bổ nhiệm làm Tri Châu Nghệ An - người đứng đầu bộ máy hành chính ở Nghệ An thời đó. Năm 1044, vua Lý thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Uy Minh hầu Lý Nhật Quang được giao nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển quân lương từ nguồn cung cấp của Nghệ An. Thắng trận trở về, vua đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước vương và ban cho ông Tiết Việt - được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An; đồng thời ban chiếu chỉ cho Đông Chinh vương và Dực Thánh vương - 2 danh tướng cùng cha, khác mẹ với Lý Nhật Quang - ở lại phò tá cho ông.

Trong suốt thời gian làm Tri Châu Nghệ An, ông đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt làm cho Nghệ An trở thành vùng đất hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại về sau. Nghệ An cùng với Thanh Hóa là nguồn bổ sung quân đội quan trọng lúc bấy giờ. Người lính vùng này nổi tiếng trung thành, thiện chiến, vì vậy, có câu để đe giặc: Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ/ Thanh Nghệ luôn còn chục vạn binh.

Về cái chết của ông, Thần phả đền Quả Sơn viết rằng ông hy sinh trong trận chiến với giặc, bị chém ngang cổ nhưng đầu không lìa, đến núi Quả Sơn thì ngựa quỵ xuống. Ông qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1057, người dân Xứ Nghệ đã lập nhiều đền thờ phụng ông.

Ngày nay, trên đất Nghệ Tĩnh (năm 1831, vua Minh Mệnh tách xứ Nghệ An thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) còn có 36 đền thờ ông, trong đó đền Quả xây trên núi Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Ðô Lương, là đền chính. Học giả người Pháp Hippolyte Le Breton trong cuốn An - Tĩnh cổ lục (Le vieux An - Tinh) đã xếp đền Quả là “một trong 4 ngôi đền đẹp nhất xứ An Nam”: Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng.

Ðền Quả được xây dựng từ triều Lý, còn lưu giữ nhiều tế khí quý giá, đặc biệt là bức tượng lớn, đẹp, bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, to bằng người thật của ông. Trong đền có một đôi câu đối ca ngợi ông: Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền lưu vạn đại/ Lừng danh tông tộc, núi sông ghi nhớ đến ngàn năm.

Công đức to lớn của ông đã được chép trong Thần phả ở đền Quả Sơn: “Ngài ở châu 19 năm, trừng trị kẻ gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân về với Ngài được yên nghiệp. Ngài thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết. Người dân đến kiện tụng thì lấy liêm, sĩ, lễ, nghĩa giảng dạy làm cho tự giác ngộ, ai nấy đều cảm hóa, không bàn đến chuyện kiện cáo nữa. Mọi người đều gọi Ngài là Triệu Công”.

Ghi nhớ công lao của ông, Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 860m, rộng 7,5m và 10,5m, từ đường Vũng Thùng 4 đến đường Trần Hưng Đạo, thuộc khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.